“Xây cầu cho em đến trường” là chương trình thiện nguyện vừa được CLB Ấm tình yêu thương (Công ty CP Xây dựng Sài Gòn - SCC) triển khai trên địa bàn tỉnh thông qua sự kết nối của Quỹ Bảo trợ trẻ em Phú Yên. Công trình đầu tiên là cống tràn Tân Hiệp (xã Sơn Hội, huyện Sơn Hòa), sau 4 tháng xây dựng đã hoàn thành và vừa được đưa vào sử dụng.
Cống tràn Tân Hiệp không chỉ là công trình mang ý nghĩa nhân văn dành cho người dân miền núi, đặc biệt là trẻ em, mà còn thể hiện trách nhiệm của cộng đồng xã hội đối với những vấn đề dân sinh.
Rút ngắn đường đến trường
Theo bà Trương Thị Bích Liên, Bí thư Đảng ủy xã Sơn Hội, trên địa bàn xã có nhiều sông suối, địa hình phức tạp, do đó việc đi lại của học sinh và người dân gặp nhiều khó khăn. Vào mùa mưa bão, đoạn đường từ thôn Tân Hiệp đến trường thường bị ngập, nước lũ tràn qua cống có khi đến 2,5m, học sinh và người dân không thể đi lại được. Những đợt mưa lớn, chính quyền xã phải cử lực lượng dân phòng đến hai bên đầu đường chốt chặn để dắt các em qua lại. Không ít em bị té ngã, ướt cả quần áo, sách vở. Đặc biệt, khi lội qua suối, học sinh rất dễ bị tai nạn thương tích đuối nước. Để không nghỉ học, nhiều em phải đi đường vòng qua xã Cà Lúi hơn 10km. “Người dân rất mong có cây cầu bắc qua suối, nhằm rút ngắn khoảng cách, thuận tiện và an toàn cho việc đi lại, giao thương trên địa bàn, nhất là trong mùa mưa lũ. Tuy nhiên, do nguồn vốn đầu tư lớn, ngân sách xã không thể đảm đương nổi”, bà Liên nói.
Theo thầy Nguyễn Chánh Thi, Phó Hiệu trưởng Trường tiểu học và THCS Sơn Hội, toàn trường có hơn 810 học sinh ở 2 cấp tiểu học và THCS. Hầu hết các em đều ở cách trường khá xa. Từ thôn Tân Hiệp, học sinh muốn đến trường để học chỉ có một con đường duy nhất. Còn vào mùa mưa, các em phải đi vòng qua thôn Tân Lương hơn 15km. Bà con vận chuyển hàng hóa cũng vậy. Cũng bởi vì đường đến trường khó khăn mà không ít em phải nghỉ học, bỏ dở ước mơ.
Em Sô Thị Nhược, học sinh lớp 5B1 Trường tiểu học và THCS Sơn Hội, nói: Nhà em cách trường gần 4km. Hàng ngày em đi học bằng xe đạp. Đến mùa mưa lũ thì em đi bộ, phải lội qua suối rất vất vả và nguy hiểm. Những ngày nước suối dâng cao không đi được, em đành nghỉ học. Từ khi có cống tràn này, đường cũng được nâng cấp kiên cố, chúng em rất vui, vì không còn phải dắt xe, lội bộ qua suối, không lo bỏ học nữa. Còn theo em La O Thị Phượng, học sinh lớp 9A, bao lâu nay học sinh ở đây luôn mơ ước con đường từ nhà đến trường được thông thoáng, đi lại dễ dàng, an toàn. “Nay niềm mơ ước đó nay đã thành sự thật. Chúng em rất cảm ơn các cô chú đã quan tâm, đầu tư xây dựng công trình này”, Phượng bộc bạch.
Nối nhịp bờ vui
Công trình cống tràn Tân Hiệp hoàn thành và đưa vào sử dụng không chỉ giúp học sinh ở xã miền núi Sơn Hội đến trường an toàn, mà còn tạo điều kiện để các em tiếp tục thực hiện ước mơ tiếp cận tri thức, có động lực vươn lên trong học tập.
Bà Trần Thị Huyền Nga, Trưởng nhóm truyền thông CLB Ấm tình yêu thương, chia sẻ: Qua khảo sát ban đầu, chúng tôi thấy các em học sinh ở xã Sơn Hội đi học rất vất vả, đặc biệt là vào mùa mưa lũ. Bà con ở đây rất mong có cây cầu bắc qua suối Tân Hiệp để đảm bảo đi lại an toàn và đường đến trường của các em cũng gần hơn. Chính vì vậy, chúng tôi quyết định hỗ trợ hơn 2 tỉ đồng để xây dựng cống tràn này. Đây là công trình dân sinh kiên cố kết nối 2 thôn Tân Lương, Tân Hiệp và cũng là công trình thiện nguyện đầu tiên trong chương trình “Xây cầu cho em đến trường” của CLB Ấm tình yêu thương.
Cống tràn Tân Hiệp có kích thước 2x4,4x3m vuông góc với tim đường hiện trạng. Cống dài 13m, kết hợp nâng cấp chiều cao, làm mặt đường bằng bê tông xi măng với tổng chiều dài hơn 72m. Công trình được khởi công xây dựng từ tháng 8/2020 với tổng kinh phí hơn 2 tỉ đồng. Toàn hộ kinh phí do CLB Ấm tình yêu thương kêu gọi hỗ trợ từ các nhà hảo tâm.
Theo bà Phạm Thị Minh Hiền, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH, do đường đến trường quá xa, trắc trở nên hầu hết học sinh thôn Tân Hiệp thường bỏ học trong mùa mưa bão. Nay cống Tân Hiệp đã hoàn thành và chính thức đưa vào sử dụng, không chỉ là một công trình mang ý nghĩa nhân văn dành cho trẻ em, mà còn thể hiện trách nhiệm của cộng đồng xã hội đối với những vấn đề dân sinh, cùng nhau hướng đến mục tiêu phát triển huyện miền núi Sơn Hòa nói riêng, Phú Yên nói chung. “Chương trình “Xây cầu cho em đến trường” thông qua sự kết nối của Quỹ Bảo trợ trẻ em trong năm 2020 thể hiện sự quan tâm rất lớn của cộng đồng, xã hội và những tấm lòng vàng, góp phần thực hiện tốt việc bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, không chỉ bằng lời nói mà bằng hành động, công trình cụ thể có giá trị”, bà Hiền khẳng định.
Chương trình “Xây cầu cho em đến trường” thông qua sự kết nối của Quỹ Bảo trợ trẻ em trong năm 2020 thể hiện sự quan tâm rất lớn của cộng đồng, xã hội và những tấm lòng vàng, góp phần thực hiện tốt công tác bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em, không chỉ bằng lời nói mà bằng hành động, công trình cụ thể có giá trị.
Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH Phạm Thị Minh Hiền |
KIM CHI