Nhờ đổi mới, nâng cao chất lượng phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh (SXKD) giỏi, xây dựng và phát triển các mô hình kinh tế có hiệu quả, hàng ngàn hộ nông dân ở huyện miền núi Đồng Xuân đã có cơ hội thoát nghèo, vươn lên làm giàu…
Đây là đơn vị tiêu biểu vừa được Hội Nông dân tỉnh tặng Cờ thi đua xuất sắc dẫn đầu cụm thi đua miền núi năm 2020.
Tạo cơ hội cho nông dân làm giàu
Theo ông Nguyễn Văn Kim, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đồng Xuân, toàn huyện có tổng diện tích gieo trồng hàng năm là 12.422ha chủ yếu là trồng lúa, mía, sắn, và đậu phộng; tổng đàn bò 28.000 con và đàn heo hơn 18.000 con.
Phát huy lợi thế này, hàng năm, hội phối hợp với các ban, ngành liên quan nắm bắt tình hình sản xuất và đời sống hội viên; đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn cho hội viên, nông dân về các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách Nhà nước liên quan đến nông nghiệp, nông thôn để định hướng cho nông dân chuyển dịch cơ cấu sản xuất; tiếp cận, ứng dụng các quy trình kỹ thuật, công nghệ, giống mới để đầu tư phát triển sản xuất và hỗ trợ nông dân quảng bá và tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh đó, hội đã đứng ra kết nối các hộ dân với các chương trình vay vốn… tạo điều kiện cho hội viên đầu tư vào SXKD, vươn lên làm giàu.
Trong năm 2020, Hội Nông dân huyện Đồng Xuân triển khai 5 mô hình kinh tế, thành lập 2 tổ hợp tác và xây dựng 11 chi tổ hội nghề nghiệp; hướng dẫn nông dân vay vốn Ngân hàng NN-PTNT và Ngân hàng Chính sách xã hội với tổng dư nợ hơn 251,7 tỉ đồng/5.117 hộ vay. Thông qua nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân, hội đã phân bổ 525 triệu đồng cho 35 hộ vay ở 6 xã Xuân Sơn Bắc, Xuân Quang 1, Xuân Lãnh, Đa Lộc, Xuân Quang 3 và thị trấn La Hai.
Ngoài ra, Hội Nông dân huyện còn thực hiện dự án “Xây dựng chuỗi liên kết nâng cao hiệu quả sản xuất đậu phộng của vùng sản xuất đậu phộng thích ứng với biến đổi khí hậu nhằm cải thiện sinh kế cho phụ nữ và đồng bào dân tộc thiểu số” và dự án “Chăn nuôi bò sinh sản”; xây dựng mô hình sản xuất đậu phộng VietGAP và hỗ trợ HTX Sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp xã Xuân Phước đăng ký nhãn hiệu “Dầu phộng Xuân Phước”.
Nhiều năm trước đây, gia đình bà Phạm Thị Kim Phương cũng như nhiều hộ dân ở xã Xuân Quang 2 đã trồng đậu phộng, sắn, tuy nhiên do thiếu kỹ thuật canh tác, giống qua nhiều năm sản xuất bị thoái hóa, lẫn tạp, mang nhiều mầm bệnh nên hiệu quả kinh tế không cao.
“Từ khi tham gia mô hình sản xuất đậu phộng xen sắn do Hội Nông dân hỗ trợ, tôi học được cách trồng, bón phân sao cho đủ lượng để đậu sinh trưởng, phát triển tốt và cách tỉa dặm, xới xáo đất. Nhờ vậy, năng suất đậu phộng và sắn của gia đình tôi luôn đạt cao, thu lợi hơn 40 triệu đồng/ha”, bà Phương chia sẻ.
Còn gia đình ông Nguyễn Văn Hảo ở xã Đa Lộc xây dựng trang trại nuôi heo thịt với quy mô 1.300 con/2 lứa/năm, đồng thời trồng trọt và chăn nuôi bò hiệu quả. Ông Hảo cho biết: “Nếu không nhờ Hội Nông dân tạo điều kiện cho vay vốn, tham gia các lớp tập huấn về chăn nuôi thì bây giờ tôi cũng chưa chắc có “tay nghề” để làm chủ trang trại heo như vậy. Mỗi năm từ nuôi heo, bò, trồng mía, keo lai, sau khi trừ chi phí, vợ chồng tôi kiếm được hơn 550 triệu đồng”.
Góp sức xây dựng nông thôn mới
Về các xã ở huyện miền núi Đồng Xuân, những ngày đầu năm 2021, đi trên những tuyến đường bê tông thẳng tắp chạy vào các thôn, buôn, chúng tôi mới cảm nhận được sự thay da, đổi thịt từng ngày của cuộc sống người dân nơi đây. Đến nay, toàn huyện có 6/10 xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Năm 2020, 11 cơ sở hội ở Đồng Xuân phát động phong trào nông dân đăng ký thi đua SXKD giỏi. Kết quả, có 4.650/7.000 hộ đạt SXKD giỏi các cấp; chương trình bê tông đường nông thôn các xã miền núi thi công được gần 14,4km, đạt 100%; xây dựng 12 mô hình thu gom và xử lý rác thải, bao bì thuốc bảo vệ thực vật; hỗ trợ 255 lao động nông thôn học nghề và giải quyết việc làm mới cho 2.428 lao động… |
Phấn khởi khi địa phương mình vừa đón nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới, ông Nguyễn Văn Tịnh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Xuân Quang 2, cho hay: Thực hiện chương trình bê tông hóa giao thông nông thôn, hiện các tuyến đường từ thôn Triêm Đức, Phước Huệ, Kỳ Đu đến thôn Phú Sơn, đường bê tông trải rộng, người dân đi lại, vận chuyển nông sản thuận tiện hơn trước.
Bây giờ, đời sống người dân trong xã ngày một nâng lên, nhiều hội viên đã có tiền tỉ từ hai bàn tay trắng nhờ việc chuyển đổi cây trồng vật nuôi để phát triển sản xuất; hiện thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã đạt gần 39 triệu đồng/năm… Có được kết quả này, Hội Nông dân xã đã làm tốt vai trò đồng hành cùng nông dân trong việc tuyên truyền, vận động hội viên.
“Thời gian tới, các cấp hội tăng cường vận động cán bộ, hội viên, nông dân tham gia bảo vệ môi trường nông thôn xanh, sạch đẹp; giữ gìn vệ sinh cộng đồng bằng việc xây dựng các mô hình thu gom và xử lý rác thải, bao bì bảo vệ thực vật; vận động nông dân có trang trại chăn nuôi tập trung. Bên cạnh đó, hội sẽ tiếp tục hỗ trợ hội viên vay vốn, tăng cường xây dựng Quỹ Hỗ trợ nông dân huyện; tham gia ngày công giúp hội viên, đặc biệt là hội viên nghèo đầu tư phát triển sản xuất, xây dựng nhà ở, các công trình phụ để nhanh chóng thoát nghèo… xứng đáng với danh hiệu đơn vị dẫn đầu cụm thi đua miền núi”, ông Nguyễn Văn Kim khẳng định.
NGỌC HÂN