Từ chỗ kinh tế khó khăn, sản xuất bấp bênh, gia đình anh Nguyễn Văn Lực (khu phố 2, thị trấn Hòa Vinh, huyện Đông Hòa) đã mạnh dạn đưa cây măng tây về trồng trên đất vườn thay thế hoa màu ngắn ngày cho thu nhập cao.
Theo anh Lực, từ năm 2016 trở về trước, gia đình anh tuy có diện tích đất tương đối rộng nhưng thường bỏ không hoặc chỉ trồng bắp, đỗ ve... nên hiệu quả không cao. Thậm chí nhiều vụ mùa, anh còn thua lỗ vì nông sản rớt giá, đầu ra thiếu ổn định. Vì vậy, anh luôn muốn tìm một loại cây trồng vừa phù hợp vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao. Sau thời gian tìm tòi, nghiên cứu cách trồng, chăm sóc măng tây trên mạng nhưng cảm thấy vẫn chưa đủ, anh Lực khăn gói vào tận Ninh Thuận trực tiếp học tập các mô hình trồng măng tây có hiệu quả cao của người dân. Tích góp được ít kiến thức, anh quyết định mượn vốn đầu tư mua hạt giống măng tây trồng trên 2 sào đất vườn.
Để cây măng tây cho năng suất tốt, anh vừa ứng dụng nghiêm ngặt kỹ thuật trồng, chăm sóc, vừa đúc kết kinh nghiệm qua quá trình canh tác thực tế. Anh cũng đầu tư lắp đặt hệ thống tưới tự động trong vườn, giúp anh giảm công lao động, tiết kiệm chi phí và chủ động hơn trong canh tác. Bằng quyết tâm và tư duy nhạy bén, cộng với sự cần cù, không ngại khó của anh Lực, chỉ sau 3 tháng ươm giống và 6 tháng trồng, vườn măng tây phát triển tốt và bắt đầu cho thu hoạch. “Mỗi ngày gia đình tôi thu được khoảng 2-5kg măng tây, giá bán dao động từ 85.000-150.000 đồng/kg tùy loại và được các nhà hàng, quán nhậu đến tận nhà thu mua. Sau hơn một năm trồng, tôi thu về hơn 50 triệu đồng, hiện đã trả được vốn mượn đầu tư ban đầu và bắt đầu có thu nhập ổn định từ việc trồng loại cây mới này”, anh Lực phấn khởi cho hay.
Chia sẻ về kỹ thuật trồng và chăm sóc măng tây xanh, anh Lực cho biết: Măng tây là cây ưa sáng, rất mẫn cảm với đất trồng và đất phải có độ phì cao, tơi xốp nên cần cày bừa kỹ, phun thuốc diệt mầm bệnh, san phẳng, lên luống rộng 100cm, cao 30cm, phơi nắng 25-30 ngày trước khi trồng. Ngoài ra, cần bón phân cho cây theo hai giai đoạn: Bón lót trước khi trồng và bón thúc sau trồng. Cần lưu ý, nước là yếu tố quan trọng quyết định năng suất và chất lượng măng tây. Bởi vậy, cần thường xuyên cung cấp đủ nước sạch để đảm bảo duy trì độ ẩm ở mức 60-70%. Có thể phun tưới, tưới nhỏ giọt hoặc tưới rãnh ngày 2 lần vào mùa nắng, 1-2 ngày/lần vào mùa mưa. Để đạt năng suất cao, người trồng nên dùng chế phẩm sinh học có chứa Trichoderma để phòng, tránh một số loại sâu bệnh như bệnh thối gốc rễ, sâu xanh, nhện đỏ có thể gặp trên cây măng.
“Trồng măng tây càng lâu năm thì cây sẽ đẻ nhánh nhiều, năng suất tăng lên theo thời gian, lợi nhuận năm sau sẽ cao hơn năm trước khoảng 20%. Người trồng cũng không phải mất công trồng đi trồng lại, cứ chăm sóc tốt thì ngày nào cũng được thu hoạch. Hơn nữa, giá măng tây rất ổn định, đầu ra cho sản phẩm khá thuận lợi. Thu hoạch đến đâu tiêu thụ hết đến đó. Sắp tới, tôi sẽ thuê đất mở rộng diện tích trồng và ươm bán cây giống cho bà con có nhu cầu trồng cây này”, anh Lực cho biết thêm.
Theo ông Nguyễn Văn Tín, Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Hòa Vinh, gia đình anh Nguyễn Văn Lực là hộ duy nhất ở địa phương đang trồng cây măng tây. Nhờ anh mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, áp dụng khoa học kỹ thuật nên việc trồng trọt đã mang lại nguồn thu nhập khá cao và ổn định. Hiện nhiều hội viên nông dân trong thị trấn đã đến tham quan, học tập và có ý định làm theo. “Chuyển đổi sang trồng cây măng tây là một trong những nội dung chương trình đã được định hướng của Hội Nông dân thị trấn và mới đây, chúng tôi đã đưa 17 hội viên tham gia lớp tập huấn trồng măng tây do Hội Nông dân tỉnh tổ chức”, ông Tín nói.
NGỌC HÂN