Đến thôn Nguyên Trang, xã Sơn Nguyên, huyện Sơn Hòa, hỏi ông Lê Thanh Hải (SN 1950), bà con trong thôn ai cũng biết ông là một hội viên nông dân tiêu biểu, vượt khó vươn lên trong cuộc sống. Đặc biệt, từ khi được bà con trong thôn tín nhiệm bầu làm trưởng thôn, ông Hải luôn năng động, nhiệt tình trong các phong trào hoạt động của địa phương, linh hoạt trong công tác dân vận, huy động sức dân để xây dựng nông thôn mới.
Ông Lê Thanh Hải đang chăm sóc đàn heo - Ảnh: HỒNG LINH |
Xuất thân trong một gia đình nghèo, đông anh em ở huyện Mộ Đức, Quảng Ngãi, năm 1979, ông Hải theo cha mẹ xung phong đi xây dựng kinh tế mới tại thôn Nguyên Trang. Sau 1 năm cư ngụ ở đây, ông đã bén duyên cùng bà Ngô Thị Nhuẫn (người gốc Khánh Hòa), cũng thuộc diện gia đình đi xây dựng vùng kinh tế mới. Ngày đầu ra riêng, cuộc sống hết sức khó khăn, với 5 sào đất khai hoang, vợ chồng ông trồng mía, nhằm tạo kế sinh nhai. Nhưng vốn ít, kinh nghiệm không, nên mùa màng thất bát. Vợ ông xoay ra buôn bán nhỏ, để kiếm thêm tiền trang trải cuộc sống.
Năm 1987, ông Hải nghĩ: “Mình không có duyên với nghề trồng trọt, nên đã quyết định bán 5 sào đất và vay thêm ngân hàng 4 triệu đồng đầu tư chăn nuôi heo”. Nhờ cần cù, chịu khó lao động nên đàn heo của ông ngày càng phát triển. Từ vài con heo giống, heo thịt, ông Hải đã gầy đàn lên 25-30 con. Để tiết kiệm chi phí, vợ chồng ông đã kết hợp nấu rượu với chăn nuôi heo.
Ông Hải cho biết: Heo nuôi 3 tháng rưỡi là có thể xuất chuồng, bình quân mỗi con khoảng 80kg. Trung bình mỗi lứa xuất chuồng, tính vào thời điểm đó, tôi “kiếm gần cả cây vàng. Nhờ vậy, chuồng heo của gia đình tôi lúc nào cũng có ít nhất 20 con heo thịt, 1 con heo giống. Với cách làm này, bình quân mỗi năm, tôi nuôi được 3 lứa heo thịt. Nhờ đó từ nguồn này, tôi lãi ròng trên 100 triệu đồng”.
Từ khi phát triển đàn heo thì ông Hải cũng thường xuyên tham gia các lớp thú y do Hội Nông dân các cấp tổ chức. Nhờ đó, ông nắm vững kỹ thuật chăn nuôi và biết cách chăm sóc đàn heo của gia đình. Ngoài chăn nuôi heo, vợ chồng ông Hải còn nuôi thêm gà và duy trì việc buôn bán nhỏ. Tổng thu nhập của gia đình ông mỗi năm khoảng 120 triệu đồng. Nhờ đó, gia đình ông Hải xây dựng nhà cửa khang trang, nuôi con ăn học đàng hoàng.
Không chỉ chịu khó phát triển kinh tế gia đình, gương mẫu đi đầu trong công tác Hội Nông dân của địa phương, từ năm 2010, khi được bầu làm trưởng thôn Nguyên Trang, ông Hải luôn uy tín, mẫu mực. Ông Hải chia sẻ: “Đã làm trưởng thôn thì phải thường xuyên gần dân, nói được phải làm được, phải luôn gương mẫu đi đầu trong mọi phong trào thì mới tạo uy tín trong nhân dân”.
Mặc dù đã ngoài 50 tuổi, nhưng ông Hải không quản ngại khó khăn, không kể nắng hay mưa, vẫn thường xuyên trực tiếp đến các hộ dân tuyên truyền, vận động bà con chấp hành tốt mọi chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; nhất là tham gia Chương trình xây dựng nông thôn mới từ năm 2013, ông Hải đã tích cực vận động người dân trong thôn bê tông hóa giao thông nông thôn.
Sau nhiều lần họp bàn, vận động, tuyên truyền, hầu hết bà con đều nhận thấy lợi ích của việc bê tông hóa nên 100% hộ trong thôn đều đồng thuận, mỗi hộ gia đình đóng góp 4 triệu đồng. Trong quá trình thực hiện, ông Hải cùng ban lãnh đạo thôn đã thực hiện tốt quy chế dân chủ, công khai, minh bạch trong thu, chi, luôn lắng nghe ý kiến của bà con; có hộ còn thắc mắc chưa hiểu, ông đến tận nhà để tuyên truyền, giải thích. Tính đến nay, bà con thôn Nguyên Trang tham gia thực hiện được 4,3km đường dân cư, giúp cho việc đi lại của bà con trong thôn thuận lợi.
Bà Trần Thị Hoa, Chủ tịch Hội Nông dân xã Sơn Nguyên, đánh giá: “Ông Hải là một hội viên nông dân tiêu biểu trong phong trào, công tác Hội, luôn nỗ lực vươn lên trong cuộc sống, gia đình hòa thuận, con cái học hành đến nơi đến chốn. Với vai trò trưởng thôn, ông Hải luôn sáng tạo, linh hoạt trong công tác dân vận, huy động sức dân để xây dựng nông thôn mới. Ông là một trong những điển hình tiên tiến của phong trào dân vận khéo ở địa phương”.
HỒNG LINH