Đó là trường hợp của ông Đinh Văn Công ở buôn Trinh, xã Ea Bar (huyện Sông Hinh). Tuy diện tích đất sản xuất không lớn nhưng nhờ biết chọn loại cây phù hợp và áp dụng đúng kỹ thuật nên ông Công có thu nhập khá.
Ông Đinh Văn Công sinh năm 1968, quê ở huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. 20 tuổi, ông rời quê hương tới huyện Sông Hinh lập nghiệp và chọn con đường làm giàu từ sản xuất nông nghiệp. Trước khi đến với cây chanh dây, ông đã trồng nhiều loại cây truyền thống như sắn, bắp… “Những cây này mang lại thu nhập nhưng công sức bỏ ra nhiều, giá cả lại bấp bênh. Vì vậy, tôi nghĩ đến việc tìm tới những cây ít người trồng, có đầu ra ổn định. Sau khi tìm hiểu, tôi được biết trên địa bàn huyện Sông Hinh số hộ chuyên trồng chanh dây rất ít. Địa phương này lại giáp với các tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk… có thể mở rộng thị trường tiêu thụ. Còn với cây thơm, nhà máy chế biến loại nông sản này sắp đi vào hoạt động tại cụm công nghiệp thị trấn Hai Riêng, sẽ là đầu mối tiêu thụ ổn định”, ông Công cho biết.
Hiện gia đình ông Công sở hữu 2ha đất sản xuất. Để nâng cao hiệu quả kinh tế, ông áp dụng kỹ thuật trồng phân tầng và xen canh giữa các loại cây. Ông Công cho biết thêm: Tôi trồng 1ha chanh dây và hơn 1ha thơm. Xung quanh diện tích trồng chanh dây, tôi trồng thơm để vừa làm rào tránh vật nuôi vào phá hoại vừa tăng gốc thơm. Hiện tôi trồng 400 gốc chanh dây và 50.000 gốc thơm. Chi phí ban đầu cho làm đất, dựng giàn, mua giống… từ 60-100 triệu đồng. Cây chanh dây cho thu hoạch quanh năm với sản lượng bình quân 60-100 tấn và có thể tận thu 2-3 năm mới phải trồng lại. Còn 50.000 gốc thơm năm đầu sẽ cho 50.000 trái, đến năm thứ 2 cây đẻ nhánh cho thu hoạch thấp nhất 100.000 trái. Với giá bán hiện nay 22.000 đồng/kg chanh dây và 8.000-10.000 đồng/trái thơm thì tổng thu nhập 1 năm từ 2 loại cây này dao động từ 500 triệu đồng đến 1 tỉ đồng.
Không dừng lại ở hai loại cây chủ lực này, ông Công còn xen canh trồng phân tầng nhiều loại cây khác như mè, bơ… “Dưới giàn chanh dây, tôi đang trồng bơ bút, để cây bơ lớn lên sống ở tầng cao còn bên dưới là chanh dây; đồng thời thân cây bơ sẽ thay thế làm cột chống giàn, tiết kiệm chi phí đầu tư. Giàn chanh dây sau 2 năm sẽ được phá bỏ và cho nghỉ một năm để đất phục hồi dinh dưỡng và tránh thoái hóa cây. Trong một năm nghỉ đó, tôi trồng thay thế bằng cây mè và các loại cây ngắn ngày khác”, ông Công chia sẻ.
Theo ông Nguyễn Khắc Sự, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Sông Hinh, chanh dây và thơm không phải là cây trồng quá xa lạ với người dân Sông Hinh, nhưng chọn những loại này làm cây trồng chủ lực cho phát triển kinh tế hộ thì gia đình ông Công là người tiên phong ở địa phương. Nhờ ông Công tìm hiểu thị trường, có đầu ra ổn định lại nắm chắc kỹ thuật trồng nên dù diện tích sản xuất không lớn nhưng mô hình vẫn cho hiệu quả kinh tế cao.
HẢI PHONG