Thứ Hai, 30/09/2024 23:24 CH
Một điển hình làm kinh tế giỏi
Thứ Bảy, 23/07/2016 10:33 SA

Nhờ chịu thương chịu khó, gia đình bà Võ Thị Điểm (sinh năm 1966, ở thôn Phú Thịnh, xã An Thạch, huyện Tuy An) đã cố gắng vươn lên trong cuộc sống, mở rộng diện tích sản xuất, phát triển chăn nuôi, làm dịch vụ. Hàng năm, bà Điểm thu nhập hơn 300 triệu đồng.

 

Nhờ chịu khó, gia đình bà Điểm có thu nhập 300 triệu đồng/năm - Ảnh: MINH DUYÊN

 

Bà Điểm kể: Năm 21 tuổi, tôi lấy chồng, gia đình hai bên đều làm nông nên chỉ có ruộng là của hồi môn. Vợ chồng tôi xác định mình là người quê nên lấy siêng năng, chịu khó để thắng đói nghèo. Với 1,5ha ruộng cùng đất vườn quanh nhà, vợ chồng tôi vừa làm lúa vừa trồng rau, nuôi gà vịt, nhưng cũng chỉ đủ ăn. Năm 1994, tôi bàn với chồng mua thêm 2,5ha đất rẫy trồng mía, vì gia đình sẵn có nghề ép mía lấy mật thủ công của ông cha truyền lại. Mỗi năm, gia đình tôi ép được từ 13-14 phi đường (mỗi phi khoảng 300kg). Giai đoạn đầu, mỗi phi đường bán được từ 2-3 triệu đồng nên gia đình cũng có tích lũy. Nhưng từ năm 2005-2007 thì có nhà máy đường nên vợ chồng tôi bỏ nghề ép đường, chuyển sang trồng đậu đỏ xen bắp và trồng cỏ nuôi bò.

 

Từ 3 con bò, trong đó có một con bò siêu nạc, nuôi hơn 1 năm bán được hơn 30 triệu đồng, còn nguồn thức ăn cho bò được bà Điểm tận dụng từ thực phẩm có sẵn trong nhà, gia đình bà đã quyết định nhân đàn lên 13 con bò. Để duy trì đàn bò và tiếp tục nhân đàn, vợ chồng bà mua thêm 2 sào ruộng trồng cỏ; đồng thời tận dụng đất đồi sau nhà để nuôi gà. Hiện đàn gà của gia đình bà có 150 con.

 

Không chỉ trồng trọt, chăn nuôi, bà Điểm còn mua máy về làm dịch vụ phục vụ sản xuất cho bà con trong xã. Gia đình bà có 4 máy phục vụ sản xuất, mỗi năm thu về 35 triệu đồng từ dịch vụ này. Bà Điểm cho biết thêm: Lâu nay, người dân ở đây chỉ làm đất thủ công. Nhiều hộ có điều kiện cũng muốn đưa máy móc vào đồng ruộng nhưng máy của HTX không thể làm hết. Thấy được nhu cầu này, năm 1991, tôi mạnh dạn đầu tư hơn 100 triệu đồng mua 2 máy cày đất, 1 máy tuốt lúa và 1 máy xay xát gạo. Người dân trả công bằng lúa, bằng tiền, mình tích lũy lại cũng có được khoản lớn. Cụ thể tuốt 1 sào lúa được trả 8kg lúa, cày 1 sào ruộng được trả 15kg, còn công cày đất rẫy 250.000 đồng/ngày, xay xát gạo thu 8.000 đồng/bao lúa (50kg).

 

Nhiều máy như vậy, nhưng vợ chồng bà Điểm không thuê người làm, mà “ôm” hết việc chỉ để lấy công làm lời. Theo ông Nguyễn Văn Thanh, chồng bà Điểm, khi vợ ông bàn mua máy, ông đã đồng ý ngay, vì vừa giải phóng sức lao động cho gia đình vừa làm được dịch vụ cho bà con. Vợ chồng ông chia nhau ra đứng máy, máy nào nhàn rỗi thì cho thuê.

 

Ông Thiều Quốc Hương, Giám đốc HTX Nông Nghiệp An Thạch, nhận xét: Gia đình bà Điểm luôn làm cẩn thận, có uy tín nên suốt vụ sản xuất, HTX luôn chọn thuê máy của gia đình bà để phục vụ thành viên HTX. Nhờ chịu khó làm, năng động nên bà Điểm có thu nhập 300 triệu đồng/năm. Trong hàng trăm thành viên HTX, hộ bà Điểm là một trong số ít những điển hình làm kinh tế giỏi cần được nhân rộng để mọi người học hỏi.

 

HẢI PHONG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek