Thứ Tư, 02/10/2024 02:34 SA
Vượt khó để vào đại học
Thứ Tư, 01/10/2014 09:30 SA

Năm học 2014-2015, Phú Yên có hàng ngàn học sinh thi đậu vào các trường đại học, cao đẳng trong cả nước và nhiều em trong số này hoàn cảnh gia đình rất khó khăn. Báo Phú Yên giới thiệu hai trong số hàng trăm tân sinh viên nghèo với nghị lực vượt khó.

 

1. NGUYỄN THỊ THU CÚC, TRƯỜNG ĐẠI HỌC XÂY DỰNG MIỀN TRUNG: Học giỏi, vừa làm chị vừa làm “mẹ”

 

Nguyễn Trương Ánh Thư đang phụ mẹ nấu cơm - Ảnh: T.LÝ

 

Sinh ra và lớn lên trong gia đình nghèo ở khu phố Liên Trì 1, xã Bình Kiến (TP Tuy Hòa), từ nhỏ Nguyễn Thị Thu Cúc đã sống trong cảnh thiếu thốn. Ba Cúc mỗi ngày đi phụ hồ, còn mẹ thì đi mua ve chai để kiếm tiền nuôi ba chị em Cúc ăn học. Năm 2012, trong một lần đi mua ve chai, mẹ Cúc bị đau ở lưng, không đi lại được. Gia đình đưa vào Bệnh viện Đa khoa Phú Yên khám thì bác sĩ cho hay bà bị ung thư cột sống. Với hy vọng sẽ chữa khỏi bệnh cho vợ, ông Nguyễn Hữu Trung - ba Cúc - đi vay mượn tiền người thân, hàng xóm đưa bà vào Trung tâm Chỉnh hình TP Hồ Chí Minh mổ với chi phí hơn 120 triệu đồng. Tuy nhiên, căn bệnh ung thư của mẹ Cúc không thuyên giảm mà ngày một nặng hơn. Một tháng trước khi Cúc thi tốt nghiệp THPT năm 2014, bà không chống chọi nổi với căn bệnh quái ác nên đã ra đi mãi mãi. 

 

Cúc là con đầu. Em kề Cúc đang học lớp 10 và em út đang bước vào lớp 1. Ngày mẹ Cúc mất, người thân và bạn bè ai cũng sợ Cúc sẽ “gãy gánh” không thi nổi tốt nghiệp. Thế nhưng, Cúc không chỉ tốt nghiệp đạt loại khá mà còn thi đậu ngành Kế toán của Trường đại học Xây dựng Miền Trung. Cúc chia sẻ: “Ngày nhận giấy báo nhập học của trường em mừng ít lo nhiều. Lo là sợ không có tiền đi học. Nhưng được ba an ủi, dù khó khăn đến đâu cũng cố gắng cho mấy chị em ăn học, nên em quyết chí học tiếp”. Thu Cúc cũng cho biết, trong 3 năm học ở Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh, nhìn bạn bè mua sách này, sách nọ để học Cúc rất thích, nhưng vì hoàn cảnh gia đình quá khó khăn nên không dám xin ba mẹ mua cho. Thấu hiểu hoàn cảnh gia đình của Cúc, thầy cô cùng bạn bè đã động viên và tạo điều kiện cho em mượn sách, vở trong học tập. Đặc biệt, khi mẹ Cúc mất, thầy cô và tập thể lớp đến nhà động viên, tiếp thêm cho em động lực để thi tốt nghiệp và đại học. 

 

Thấy ba ngày nào cũng đi làm phụ hồ kiếm tiền trả nợ, nuôi cả gia đình, ngoài những buổi đến trường, Cúc quán xuyến việc nấu cơm, giặt quần áo, chăm sóc và kèm cặp, hướng dẫn cho các em học tập. “Để giảm bớt gánh nặng cho ba, em đang liên hệ tìm việc làm thêm tại các quán ăn, cà phê ở TP Tuy Hòa để lo chi phí học hành” - Nguyễn Thị Thu Cúc cho biết.

 

2. NGUYỄN TRƯƠNG ÁNH THƯ, TRƯỜNG ĐẠI HỌC NHA TRANG: Học giỏi để thoát nghèo

 

Nguyễn Trương Ánh Thư đang phụ mẹ nấu cơm - Ảnh: T.LÝ

 

Cuộc sống gia đình quá khó khăn, từ nhỏ Nguyễn Trương Ánh Thư ở Định Thái, xã Hòa Định Đông, huyện Phú Hòa đã ý thức được muốn thoát nghèo phải có nghề nghiệp và công việc ổn định nên cố gắng học tập rất chăm chỉ. Trong 12 năm học phổ thông, Ánh Thư luôn là học sinh khá, giỏi. Mới đây, Ánh Thư thi đậu vào ngành Ngôn ngữ Anh, Trường đại học Nha Trang với 19 điểm. Khi nhận giấy báo trúng tuyển đại học, ba mẹ Ánh Thư dường như không đêm nào ngủ được vì mừng và lo. Mừng là con gái đã thi đậu, còn lo là không biết làm gì để có đủ tiền cho con nhập học. Ngày Ánh Thư vào Nha Trang nhập học, ba mẹ Thư chạy vạy khắp nơi, vay mượn người thân, hàng xóm được vài triệu đồng để Thư đóng học phí. Ánh Thư thổ lộ: “Em rất thương ba mẹ. Không biết rồi đây ba mẹ kiếm đâu ra tiền để nuôi em 4 năm đại học. Em hứa với lòng mình sẽ học thật giỏi để ba mẹ vui lòng và sau này sẽ có điều kiện giúp ba mẹ thoát nghèo”.

 

Không chỉ Ánh Thư học giỏi mà mấy anh chị em của Thư cũng đều như vậy. Trong đó, chị cả của Ánh Thư vừa tốt nghiệp cao đẳng Sư phạm mầm non và đang tìm việc làm; anh trai kề đang học năm cuối Trường đại học Nha Trang và đứa em út đang học lớp 11 của Trường THPT Trần Quốc Tuấn (huyện Phú Hòa). Ba Thư là ông Nguyễn Kim Trại, tuy mắc chứng bệnh lao phổi gần 10 năm nay nhưng hàng ngày vẫn đi chụm lò gạch thuê để kiếm tiền, còn mẹ Thư thì ở nhà lo công việc nội trợ, ai thuê gì làm nấy. Thế nhưng, chưa một lần vợ chồng ông Trại phàn nàn khổ cực do nuôi con cái ăn học. Ánh Thư tâm sự: “Nhiều khi mấy anh chị em nói đùa là ở nhà phụ ba mẹ làm kiếm tiền thì bị ba mẹ mắng cho một trận. Ba mẹ bảo đời ba mẹ nghèo khổ rồi thì các con phải cố kiếm con chữ mà thoát nghèo”.

 

Khó khăn nhất của gia đình Ánh Thư là lúc chị của Ánh Thư đang học năm thứ hai, anh kề bước vào năm thứ nhất nên mỗi lần đóng tiền trường không ai dám hỏi xin tiền vì sợ ba mẹ lo. Khó khăn của những năm ấy đến tận bây giờ vẫn chưa chấm dứt khi anh trai của Ánh Thư chưa tốt nghiệp ra trường và Ánh Thư lại bước vào giảng đường đại học. “Gia đình em hiện đang nợ mấy chục triệu đồng trước đây vay mượn lo việc học cho chị cả và anh kề. Bây giờ, đang đến thời điểm trả nợ. Tuy nhiên, để cuộc sống gia đình thoát khỏi cảnh nghèo khó, em sẽ cố gắng vừa học vừa tìm việc làm thêm để trang trải một phần chi phí”- Ánh Thư bộc bạch.

 

TRẦN LÝ

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Nghị lực của một nữ sinh dân tộc Nùng
Thứ Sáu, 26/09/2014 08:03 SA
Điểm sáng hiến máu tình nguyện
Thứ Năm, 25/09/2014 08:12 SA
Văn 9x làm kinh tế giỏi
Thứ Tư, 24/09/2014 08:14 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek