Đến lớp chẳng bao giờ nhìn thấy bảng, mỗi lần đọc phải gí chữ suýt chạm vào đôi mắt nhưng Huỳnh Thị Thu Thủy vẫn bền bỉ vừa kiếm sống vừa học hết bậc THPT, là học sinh giỏi cấp thành phố. Thủy vừa được xét tuyển vào Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (KHXH&NV) TP Hồ Chí Minh. “Được vào đại học, em rất hạnh phúc nhưng cũng lo ghê lắm” - cô học trò khiếm thị rưng rưng tâm sự.
Tân sinh viên Huỳnh Thị Thu Thủy - Ảnh: Y.LAN |
VỪA HỌC VỪA MƯU SINH
Sinh thời, Bác Hồ luôn quan tâm đến người khuyết tật. Bác chia sẻ, động viên họ nỗ lực vượt qua những trở ngại, khó khăn để trở thành người có ích cho gia đình, cho xã hội. Nghị lực, ý chí mạnh mẽ và tinh thần học tập của Bác chính là tấm gương ngời sáng cho những người khuyết tật - trong đó có cô sinh viên khiếm thị Huỳnh Thị Thu Thủy - noi theo. |
Huỳnh Thị Thu Thủy bị bệnh thoái hóa giác mạc từ khi còn nằm trong bụng mẹ. Lên 5 tuổi, em đã lờ mờ biết được sự thua thiệt của mình. 6 tuổi, Thủy vào lớp 1. Tấm bảng to thế, cô giáo viết nắn nót đẹp thế nhưng dù ngồi ở bất kỳ vị trí nào trong lớp, Thủy cũng không nhìn thấy! Cô học trò nhỏ rất buồn nhưng vẫn đến lớp. Học hết một năm song mắt mũi như vậy nên Thủy chẳng thu nạp được điều gì!
Thương con nhưng không có tiền chạy chữa cho con, ông Huỳnh Xuân Hải và vợ - bà Nguyễn Thị Hồng - ở thị trấn Củng Sơn (huyện Sơn Hòa) đành cho con nghỉ học. Và họ cũng không có thời gian để mà chìm đắm trong nỗi buồn. 2 sào lúa nước cùng 1 sào hoa màu luôn chờ họ vắt kiệt mồ hôi để nuôi đàn con 6 đứa, trong đó Thủy là con kề út.
Lên 8 tuổi, lần thứ hai Thủy vào lớp 1. Dù rất cố gắng nhưng cô bé khiếm thị sinh năm 1990 này vẫn không thể nào theo kịp bạn bè.
Lại nghỉ học, Thủy càng tủi thân. Các bạn trong xóm thấy Thủy khác biệt thì trêu chọc. “Nhiều khi thấy các bạn chơi, em cũng không dám ra chơi cùng. Tủi thân, em khóc hoài” - Thủy kể chuyện ngày nhỏ với nụ cười nhẹ. Điều đó cho thấy cô gái đã vượt qua nỗi đau và mặc cảm về bản thân.
Năm Thủy 11 tuổi, được một cán bộ ở địa phương hướng dẫn, ông Hải bà Hồng quyết định đưa con đến Trường Niềm Vui (nay là Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Phú Yên) ở TP Tuy Hòa. Tại ngôi trường dành cho trẻ khuyết tật này, Thủy không chỉ được học chữ nổi mà còn tìm được sự chia sẻ và động lực để vượt qua thử thách của số phận. Cô gái nhớ lại: “Ở trường, em gặp chị Huỳnh Thị Lẹ, 21 tuổi, quê ở huyện Tuy An. Chị Lẹ bị mù nhưng rất giỏi. Em nghĩ: Chị ấy lớn hơn mình, bị mù hẳn mà vẫn học. Vậy thì tại sao mình lại không cố gắng?”.
Và Thủy đã cố gắng rất nhiều. Hiểu được nỗi vất vả của cha mẹ, nhất là sau khi mẹ bị gai đâm hỏng một mắt, gánh nặng gia đình dồn lên vai cha, vào năm học lớp 3, Thủy gặp thầy hiệu trưởng, trình bày với thầy mong muốn của mình: Tìm việc làm để kiếm tiền, tự lo cho bản thân. Có vài công việc mà học sinh khiếm thị có thể làm được, ví dụ như đi bán tăm. Thủy mua nợ 400 gói tăm từ Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật và cùng với mấy anh chị trong trường đi bán vào buổi tối, tại các quán nhậu ở TP Tuy Hòa. Thủy nhớ, vào thời điểm đó, một gói tăm được mua với giá 250 đến 300 đồng, bán ra 500 đồng. Thương đám học trò khuyết tật, nhiều người không chỉ mua tăm ủng hộ mà còn cho thêm tiền.
Hết bán tăm thì chuyển qua bán bánh cam. “Có một chị học ở Khoa Sử, Trường cao đẳng Sư phạm Phú Yên (nay là Trường đại học Phú Yên - PV) giúp tụi em bằng cách sáng sáng ra chợ Tuy Hòa mua bánh cam. Tối đến, em cùng 2 chị bị mù mang bánh đến ký túc xá Trường cao đẳng Sư phạm bán cho sinh viên. Thỉnh thoảng tụi em còn đi bán dạo ngoài phố. Hồi đó mắt em chưa quá yếu như bây giờ” - Thủy kể.
Cứ thế, ban ngày đến lớp học cùng các bạn khuyết tật khác, ban đêm Thủy đi làm kiếm tiền để tự lo cho bản thân mình, thỉnh thoảng cha mẹ hỗ trợ thêm.
VÀ TRỞ THÀNH HỌC SINH GIỎI CẤP THÀNH PHỐ
Cô giáo Lê Nguyễn Sơn Trà, chủ nhiệm lớp 12 Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền (TP Đà Nẵng): “Là học sinh khuyết tật, hoàn cảnh gia đình khó khăn, em Huỳnh Thị Thu Thủy vừa học ở Trường PTCB Nguyễn Đình Chiểu vừa học hòa nhập ở Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền. Thời gian còn lại, em đi bán vé số để có thu nhập. Thủy có tinh thần cầu tiến, vượt khó trong học tập, có năng lực ở các môn xã hội, kết quả học tập tốt”. |
Học hết lớp 4, Thủy được đưa ra Đà Nẵng học ở Trường phổ thông chuyên biệt (PTCB) Nguyễn Đình Chiểu. Tại đây, Thủy cùng các học sinh khiếm thị khác được bồi dưỡng kiến thức, trang bị kỹ năng sống, định hướng di chuyển… Sự đồng cảm, giúp đỡ tận tình của các giáo viên ở Trường PTCB Nguyễn Đình Chiểu đã giúp Thủy vững tin khi học hòa nhập ở Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm. Trong năm học lớp 8, cô học trò này tham gia cuộc thi viết thư UPU lần thứ 39 và được Bưu điện TP Đà Nẵng khen thưởng.
Trong những năm học cấp 2, cô học trò khiếm thị Huỳnh Thị Thu Thủy bắt đầu kiếm tiền bằng cách bán vé số tại Đà Nẵng và cả ở Tuy Hòa (trong dịp hè). Đối với người lành lặn bình thường, đây đã là công việc vất vả, với Thủy càng vất vả hơn. Trời nắng thì không thấy đường đi, hoa mắt, có khi còn ngất xỉu. Và do mắt rất kém nên Thủy thường xuyên nhầm lẫn. “Vì không nhìn rõ nên nhiều khi, em mời cả em bé mua vé số. Có nhà nuôi con chó to, nó ngồi ngay trước cửa. Em đi qua, vì có chủ ngồi cạnh đó nên nó không sủa. Em tưởng con chó là người nên chìa vé số ra mời nó mua” - Thủy kể và bật cười, tiếng cười rất trong trẻo. Có lần cô học trò này bị xe đụng, bị người xấu giật, ăn cắp vé số. Lại có người nghi ngờ Thủy giả mù để bán vé số được nhiều hơn… Đi cả ngày mệt rũ mới kiếm được 50.000 đến 70.000 đồng. Số tiền đẫm mồ hôi đó cực kỳ có ý nghĩa đối với Thủy.
Lên cấp 3, Thủy học hòa nhập tại Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền (TP Đà Nẵng). Và ngay trong năm học lớp 10, Thủy đoạt giải nhì môn Sinh học trong kỳ thi học sinh giỏi TP Đà Nẵng. Cô học trò khiếm thị chia sẻ: “May mắn là trong 3 năm học cấp 3, em được cô giáo chủ nhiệm rất quan tâm. Cô giáo dạy Văn rất tâm lý và thông cảm với những học sinh có hoàn cảnh như em. Ngoài giờ dạy học ở trường, cô còn dạy thêm tại một trung tâm và bảo tụi em đến đó học, giám đốc trung tâm miễn học phí. Các cô giáo ở Trường PTCB Nguyễn Đình Chiểu và các anh chị sinh viên tình nguyện cũng đã hỗ trợ em rất nhiều, nhất là trong việc tìm kiếm tài liệu học tập”.
Không chỉ yêu thích môn Sinh học, cô học trò khiếm thị Huỳnh Thị Thu Thủy còn yêu thích và học giỏi Lịch sử - môn mà nhiều học sinh rất ngại vì phải “gạo” bài. Nhưng Thủy có cách học riêng. Chẳng thể đọc hết trang sách này đến trang sách khác vì đôi mắt bệnh tật đau nhức, Thủy cố gắng ghi nhớ các nội dung chính, ý chính chứ không học thuộc làu.
BỜI BỜI NỖI LO KHI VÀO ĐẠI HỌC
Kết thúc năm lớp 12, với điểm trung bình các môn là 8,1 và nhiều bằng khen, giấy khen về nỗ lực vượt khó học giỏi, cô học trò khiếm thị Huỳnh Thị Thu Thủy được xét tuyển vào Trường đại học KHXH&NV thuộc Đại học quốc gia TP Hồ Chí Minh. Niềm hạnh phúc vỡ òa nhưng ngay sau đó, bao hoang mang, lo lắng ập đến. “Mình sẽ làm gì để nuôi sống bản thân và trang trải chi phí học tập trong 4 năm, khi mà gia đình quá khó khăn?”. Cô gái khiếm thị nhập học với nỗi lo bời bời. Ông Hải cũng rối không kém. “Tôi là lao động chính trong gia đình, sấp ngửa nuôi đứa con út đang học đại học năm thứ 2 và đứa cháu ngoại nữa; vợ tôi thì đau bệnh suốt. Bây giờ con Thủy vô đại học, tôi thương con nhưng không biết phải làm sao. Vợ chồng tôi làm đơn xin được công nhận là hộ nghèo” - ông Hải cho biết.
Thủy tâm sự: “Nếu liên hệ được thì em sẽ đi dạy kèm cho các bạn khuyết tật, nếu không có cách nào khác thì em lại đi bán vé số. Em mong ước được học đến nơi đến chốn, có một công việc ổn định, đúng ngành nghề để có thể lo cho mình và nuôi ba mẹ lúc về già, đồng thời có thể giúp được những người cùng cảnh ngộ”.
Gặp quá nhiều thử thách trong cuộc sống, Huỳnh Thị Thu Thủy hiểu được nỗi khổ của những người khuyết tật. Và cô cảm thấy mình còn may mắn hơn rất nhiều người. “Tuy gần như không nhìn thấy gì nhưng em vẫn được học hành, được các thầy cô dìu dắt, một là để giúp bản thân mình và sau này chia sẻ với những người khuyết tật khác” - Thủy thổ lộ.
YÊN LAN