“Tôi quan niệm học theo Bác là phải làm tốt tất cả mọi công việc mình được giao dù ở cương vị nào” - đó là bộc bạch chân thành của thầy Trần Hoàng Nam, Hiệu trưởng Trường THCS-THPT Võ Văn Kiệt (Sông Hinh).
Thầy Trần Hoàng Nam - Ảnh: V.NGUYỄN |
YÊU NGHỀ
Tốt nghiệp Trường đại học Sư phạm Vinh vào năm 1985, theo sự phân công của Bộ GD-ĐT, thầy Nam vào nhận công tác tại Trường Vừa học vừa làm tỉnh Phú Khánh (xã Sơn Thành, huyện Tuy Hòa cũ). Vùng bán sơn địa hoang sơ nơi đây còn đầy rẫy những thiếu thốn khó khăn khiến người con của vùng biển Quỳnh Lưu, Nghệ An - vừa chân ướt chân ráo rời trường sư phạm - không sao tránh khỏi cảm giác hụt hẫng đến ngỡ ngàng. Thầy kể, khó khăn lớn nhất lúc đó là đời sống vật chất thiếu thốn, khí hậu vùng núi khắc nghiệt, giao thông khó khăn nên việc đi lại rất hạn chế. Đã thế lại còn thêm căn bệnh sốt rét hoành hành, khiến học sinh không chịu nổi, bỏ lớp, bỏ trường trốn về là chuyện cơm bữa. Thầy kể, có hôm đang đứng ở văn phòng thầy thấy một nhóm học sinh quê xã Đa Lộc (Đồng Xuân) vai mang túi xách đang lén… bò chui qua cổng! Kể đến đó thầy hạ giọng: “Chắc vì khổ quá, cơm không đủ ăn, ăn toàn rau đắng hái ở rừng nên các em chịu không xiết!”. Nhìn đám học sinh đang trong tư thế “chạy trốn”, bộ dạng thiểu não lẫn hoảng hốt, thầy không trách mắng mà chỉ ân cần hỏi chuyện, sau đó dắt về nhà. Nhà có con gà, thầy làm thịt mời cơm các em, nói điều phải trái, dỗ dành, động viên cho đến lúc nhóm học sinh đồng ý ở lại học. Giờ thì trong số học sinh toan “trốn trại” ngày ấy có em đã rất thành đạt…
Không chỉ học sinh toan bỏ lớp, bỏ trường, thầy Nam kể, ngay cả đội ngũ giáo viên - nhất là giai đoạn kinh tế khó khăn từ năm 1985 đến năm 1990 - cũng nhiều người chịu cực không nổi phải bỏ nghề. Dạy miền xuôi đã cực, dạy miền núi như thầy còn cực gấp mấy. Vậy nhưng vì tình yêu nghề, vì nhiệt tâm muốn mang cái chữ đến cho con em mà thầy Nam đã không bỏ cuộc. Để có thể tồn tại mà bám trường, bám lớp, giai đoạn ấy, thầy Nam phải bươn chải làm thêm không thiếu nghề gì từ trồng tiêu, đóng gạch, đãi vàng đến cả làm… tiều phu đốn củi mang ra chợ bán!
TẬN TỤY VỚI CÔNG VIỆC
Một học trò cũ của thầy, anh Võ Quốc Hưng, hiện là Bí thư Xã đoàn Sơn Giang (Sông Hinh) kể, thầy Nam là người luôn quan tâm lo lắng đến học sinh. Mùa mưa, nước lũ tràn về, đi lại nguy hiểm; thầy đã chủ động thu xếp để các em ở xa được trọ lại nhà thầy mà học cho qua mùa lũ. Lên lớp, thầy dạy dỗ hết sức nhiệt tâm và tận tụy. Ngày chưa có quy định cấm dạy thêm ở nhà, lớp dạy thêm của thầy bao giờ cũng đông nghịt; nhưng thầy không lập danh sách lớp, cũng không bao giờ mở miệng nhắc chuyện tiền nong. Học trò tới học có em đóng tiền, có em không, thầy vẫn dạy dỗ bình đẳng, nhiệt tình. Bạn cùng lớp với Hưng có anh Nguyễn Khắc Tín (hiện là giảng viên tại một trường đại học ở TP Hồ Chí Minh) học giỏi nhưng nhà nghèo. Thầy Nam đã tích cực giúp đỡ, bồi dưỡng để Tín thi đậu học sinh giỏi môn Toán cấp tỉnh, rồi sau đó đậu vào khoa Toán Trường đại học Sư phạm Quy Nhơn. Tốt nghiệp ra trường, thầy động viên Tín tiếp tục đăng ký học sau đại học. Không chỉ động viên bằng lời, thầy còn cho Tín mượn tiền mua xe máy để có điều kiện đi học và làm thêm. Và giờ thì người học trò cưng Nguyễn Khắc Tín của thầy Nam đang chuẩn bị bảo vệ luận án tiến sĩ!
Gốc giáo viên dạy Toán, ngày còn trực tiếp giảng dạy, thầy Nam được đồng nghiệp đánh giá là chuyên môn vững. Thầy Nguyễn Ái Nam, giáo viên Trường THPT Phạm Văn Đồng chia sẻ, hồi thầy Nam còn làm tổ trưởng tổ Toán, thầy hay kêu gọi anh em trong tổ tích cực học tập để nâng cao chuyên môn. Thức khuya hì hục giải toán với thầy là chuyện cơm bữa. Có hôm, 2 giờ sáng, thầy Ái Nam còn bị đánh thức bởi tiếng reo sung sướng vì tìm ra cách giải cho bài toán khó của thầy tổ trưởng!
VÀ NHỮNG KẾT QUẢ ĐÁNG KHÍCH LỆ
Từ một giáo viên, rồi hiệu phó phụ trách chuyên môn và bây giờ là Hiệu trưởng, thầy Nam luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Nhận trách nhiệm cầm lái tại một trường THCS-THPT vừa được “nâng cấp” (tiền thân là Trường THCS Sơn Giang) với đầy rẫy những khó khăn buổi đầu nhưng thầy đã minh chứng được bản lĩnh của mình bằng những kết quả đáng nể. Năm học 2012-2013, trường được công nhận trường tiên tiến. Năm học 2013-2014, em Nguyễn Duy Tâm, học sinh của trường, tham gia cuộc thi Sáng tạo khoa học cấp quốc gia; em Hoàng Lâm Hà Liễu và Nguyễn Thị Thu Hiền (lớp 11) đoạt giải trong kỳ thi học sinh giỏi lớp 12 cấp tỉnh. Có được những thành tích ấn tượng ấy, không thể chỉ đơn thuần quy cho… may mắn!
Tuy vậy, cái “được” còn lớn hơn những thành tích cụ thể bằng mực đen giấy trắng chính là không khí cởi mở, hòa đồng, thân thiện; là ý thức đoàn kết, nỗ lực cùng nhau vượt khó, làm tốt chức trách của người thầy, trong đó có vai trò lớn của thầy Nam. Cô Nguyễn Thị Bích Nhàn, giáo viên dạy Văn của trường tâm sự: Thầy Nam đã đem đến cho ngôi trường này một không khí làm việc rất thoải mái và làm giáo viên trong trường luôn có quyết tâm vượt khó.
Được hỏi việc thực hiện Chỉ thị số 03/CT của Bộ Chính trị về đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, thầy Nam bộc bạch: “Bác thì có quá nhiều thứ để học nhưng điều tôi tâm huyết nhất, luôn bắt mình phải làm theo là hết lòng phục vụ nhân dân. Học theo Bác là phải làm tốt tất cả những công việc mình được giao, dù ở cương vị nào”.
VĂN NGUYỄN