Đó là y sĩ Lê Quang Tính, Trưởng trạm Y tế xã Sơn Giang (Sông Hinh), người đã có gần 20 năm gắn bó với nghề y bằng cả tình yêu và sự tận tụy. Nỗ lực âm thầm nhưng kết quả những công việc của ông thật đáng trân trọng.
Sinh năm 1969, quê gốc Nha Trang, 11 tuổi mới theo gia đình di cư lên vùng kinh tế mới Sơn Giang, trông ông Lê Quang Tính dường như vẫn còn phảng phất chút cốt cách của người “dân phố”: dáng mảnh khảnh, trắng trẻo; nói năng khá nhỏ nhẹ, từ tốn. Ông bảo: Tôi tốt nghiệp phổ thông năm 1987. Do mê nghề y từ nhỏ nên khi rớt đại học, tôi lập tức xin chuyển nguyện vọng 2 vào trường trung cấp y… Ra trường, trầy trật suốt 3 năm không xin được việc, mãi đến tháng 10 năm 1995, anh y sĩ trẻ Lê Quang Tính mới được nhận vào làm việc tại Trạm Y tế xã Sơn Giang. Trước năm 2000, Sơn Giang còn nghèo lắm. Điện lưới chưa có. Trạm Y tế xã chỉ là căn nhà cấp 4 vỏn vẹn 4 phòng nằm trên ngọn đồi heo hút thuộc thôn Vĩnh Lương. Cán bộ y tế lương lậu “khiêm tốn” đã đành, lại còn phải làm việc trong tình trạng thiếu thốn từ thuốc men đến trang thiết bị chuyên môn. 5 năm trời thử thách bản lĩnh của người y sĩ trẻ; và chỉ có niềm đam mê, tâm huyết thực sự cùng nghề nghiệp mới giữ được chân anh ở lại với trạm, với nghề.
Năm 2000, khi Sơn Giang bắt đầu có điện lưới quốc gia thì y tế xã mới bắt đầu có bước khởi sắc. Trạm mới được xây dựng với hạ tầng cơ sở khang trang, được đầu tư trang thiết bị, bổ sung đội ngũ cán bộ chuyên trách nhằm nâng cao chất lượng các dịch vụ y tế để phục vụ nhân dân; và, xa hơn, phấn đấu cho mục tiêu xây dựng trạm chuẩn quốc gia. Nhiệm vụ không đơn giản, nhất là với những địa phương kiểu vùng sâu vùng xa còn nhiều khó khăn như Sơn Giang. Ấy vậy mà, thật bất ngờ, chỉ trong vòng 8 năm (từ 2000 đến 2008), Sơn Giang đã vinh dự là 1 trong 2 xã đầu tiên của huyện Sông Hinh được công nhận làxãđạt chuẩn quốc gia vềy tế. Có được thành quả đáng mừng này, ngoài sự quan tâm, đầu tư của các cấp, các ngành, có phần đóng góp không nhỏ của tập thể cán bộ nhân viên Trạm Y tế Sơn Giang, đứng đầu là y sĩ trạm trưởng Lê Quang Tính. Càng đáng mừng hơn khi năm vừa qua, Bộ Y tế ban hành bộ tiêu chí đạt chuẩn mới với nhiều yêu cầu cao hơn bộ tiêu chí cũ, nhưng Sơn Giang vẫn đáp ứng được yêu cầu của một trạm y tế đạt chuẩn.
Nhiều năm liền gánh vác trách nhiệm trạm trưởng, y sĩ Lê Quang Tính đã có những nỗ lực trong công việc tuy lặng thầm nhưng đáng trân trọng. Gốc là một xã kinh tế mới vùng cao, trước năm 2000, Sơn Giang từng là “điểm nóng” về sốt rét. Những mùa cao điểm của dịch sốt, trạm gần như luôn trong tình trạng quá tải. Y sĩ Lê Quang Tính đã cùng với các đồng sự túc trực ngày đêm tại trạm, vật lộn với từng ca bệnh, lớp điều trị tại chỗ, lớp sơ cứu và chuyển viện. Nhờ vậy, dù phải tiếp nhận một lượng lớn bệnh nhân sốt rét nhưng trạm chưa hề để xảy ra bất cứ ca tử vong nào. Sơn Giang có 2 thôn đồng bào dân tộc thiểu số là Nam Giang và Suối Biểu. Ông Tính đã cùng đồng sự tại trạm phối hợp với các ban ngành chức năng thường xuyên xuống tận nơi tuyên truyền, vận động đồng bào ra trạm chữa trị mỗi khi đau ốm, không ở nhà cúng bái hoặc chữa theo các hình thức mê tín dị đoan; cấp phát mùng tẩm thuốc chống muỗi cho đồng bào để phòng tránh sốt rét… Nhờ những nỗ lực lặng thầm này mà nhận thức, ý thức chăm sóc sức khỏe của cộng đồng dân tộc thiểu số ở Sơn Giang đã có bước chuyển biến tích cực: hủ tục lạc hậu giảm thiểu, tình trạng dịch bệnh trong cộng đồng từng bước được kiểm soát.
Gần 20 năm gắn bó với công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, những nỗ lực thầm lặng của y sĩ trạm trưởng Lê Quang Tính đã được lãnh đạo các cấp, các ngành ghi nhận kịp thời, xứng đáng. Bên cạnh những bằng khen, giấy khen dành cho tập thể y bác sĩ của trạm thì nhiều năm liền, bình xét thi đua cuối năm, cá nhân ông Tính đều được Sở Y tế, UBND huyện Sông Hinh khen thưởng. Đặc biệt trong năm 2009, ông Tính đã 2 lần được mời ra Hà Nội dự các hội nghị, tọa đàm do BộY tế tổ chức. Lần 1 là đi dự “Hội nghị tọa đàm tôn vinh các cán bộ y tế xuất sắc, tiêu biểu vùng miền núi - khókhăn” tổ chức nhân Ngày thầy thuốc Việt Nam 27/2/2009; ông Tính được Bộ trưởng Bộ Y tế tặng bằng khen vì đã có nhiều thành tích xuất sắc trong công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân. Lần 2 nhân hội nghị tổng kết 10 năm công tác phòng chống HIV/AIDS; ông Tính được mời đi dự với tư cách là cán bộ chuyên trách. Lần này ông cũng được Bộ trưởng Bộ Y tế tặng bằng khen với nội dung đã có thành tích xuất sắc trong công tác phòng chống HIV/AIDS giai đoạn 2005-2009. Năm 2010, ông Tính được UBND huyện Sông Hinh tặng giấy khen vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác xây dựng xã đạt chuẩn quốc gia về y tế giai đoạn 2005-2010. Được biết, năm 2012 vàcuối năm 2013 vừa rồi, ông cũng được SởY tế khen về thành tích công tác tốt!.
Trò chuyện về bản thân, ông Tính dè dặt và khiêm tốn. Nhưng khi được hỏi về việc hưởng ứng tinh thần Chỉ thị 03-CT/TW về tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh từ góc độ của một cán bộ, đảng viên ngành Y tế, ông Tính trả lời không chút đắn đo: Với tôi, học tập Bác là lời nói phải đi đôi với việc làm. Là người làm việc ở tuyến y tế cơ sở, tôi đang cố gắng để thực hiện 2 trong 3 lời căn dặn của Bác đối với cán bộ, nhân viên ngành Y tế nhân Ngày thầy thuốc Việt Nam 27/2/1955. Đó là tính thật thà, đoàn kết và thương yêu người bệnh. Đây là những phẩm chất mà người thầy thuốc không thể thiếu nếu muốn làm tốt nhiệm vụ của mình.
VĂN NGUYỄN