Chị Kpắ H’Riêu, 34 tuổi, ở buôn Ma Lưng, xã Cà Lúi (Sơn Hòa) được nhiều người dân trong buôn xem như một nghệ nhân về dệt thổ cẩm.
H’Riêu đang dệt thổ cẩm - Ảnh: T.L.KHA
H’Riêu cho biết: Trước đây, dệt thổ cẩm công phu lắm, phải trồng bông kéo sợi, rồi lên rừng tìm những cây có màu để nhuộm. Sau đó mới đem ra dệt, vài tháng mới dệt xong một cái áo. Ngày nay thì tiện hơn, xuống chợ mua là có đầy đủ, tha hồ mà chọn sợi, chọn màu. Quan trọng nhất trong dệt thổ cẩm là phải biết phối màu sao cho đẹp và hài hòa. Bà Tun Rao ở buôn Ma Lưng khoe: H’Riêu nó sáng cái đầu lắm. Mấy đứa con gái ở đây không đứa nào dệt thổ cẩm bằng nó đâu, nhất là chọn màu dệt thành chiếc áo rất ưa cái bụng. Trưởng buôn Ma Lưng Ma Diệu thì bảo: “Nó là con của Mó Cách, biết dệt thổ cẩm từ hồi còn nhỏ. Lúc nào bận lên rẫy thì thôi, chứ ở nhà là nó luôn ngồi bên khung dệt, chăm chút từng cái hoa văn”.
Mấy năm trước, H’Riêu được Trung tâm Dạy nghề huyện Sơn Hòa mời đến dạy cách dệt thổ cẩm cho nữ thanh niên các buôn làng trên địa bàn. Mỗi khi có lễ hội văn hóa do huyện hay tỉnh tổ chức, H’Riêu được xã cử đi dự thi và mang về thành tích cao. Nói về việc làm của mình, H’Riêu tâm sự: Em nghĩ là con gái thì phải biết dệt thổ cẩm để làm lễ vật trong ngày cưới hay dự lễ hội theo như phong tục tập quán của người Chăm H’roi bao đời nay.
Ông Nguyễn Thiện Tình, Trưởng phòng VH-TT huyện Sơn Hòa, đánh giá: Kpắ H’Riêu là người phụ nữ tài hoa, có ý thức gìn giữ bản sắc văn hóa của dân tộc mình, mà cụ thể là nghề dệt thổ cẩm. Đây là điều rất đáng quý. Ngoài Cà Lúi, hiện nay ở các xã như Suối Trai, Krông Pa, một số bà con còn gìn giữ khung cửi dệt thổ cẩm. Chúng tôi đang cùng chính quyền vận động để bà con học tập, làm theo chị H’Riêu, góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc bản địa.
TRẦN LÊ KHA