Bản án phúc thẩm đã có hiệu lực, người phải thi hành án đã tự nguyện thi hành án. Thế nhưng, người được thi hành án lại không chấp hành quyết định thi hành án theo đơn yêu cầu của đơn vị thi hành án dân sự (THADS). Trong khi đó, đơn vị này cũng không có chế tài để thúc đẩy quá trình thi hành án khiến quyền lợi và nghĩa vụ liên quan của người phải thi hành án bị xâm phạm nghiêm trọng.
Quyết định thi hành án đến ngày 4/6 đã hết hạn nhưng Sacombank Phú Yên vẫn cố tình hoãn thi hành án / Văn bản xin hoãn thi hành án trái luật của Sacombank Phú Yên, dù chưa có sự đồng ý của người được thi hành án nhưng Chi cục THADS TP Tuy Hòa vẫn chấp nhận
CỐ TÌNH TRÌ HOÃN VIỆC THI HÀNH ÁN
Như Báo Phú Yên đã nhiều lần thông tin, bản án phúc thẩm số 24/2013/DSPT ngày 3/5/2013 của TAND tỉnh Phú Yên tuyên buộc vợ chồng ông Mai Luật (SN 1940, trú 244 Trần Hưng Đạo, phường 4, TP Tuy Hòa) phải có trách nhiệm trả 800 triệu đồng tiền nợ gốc cho Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín chi nhánh Phú Yên (Sacombank Phú Yên). Sau khi trả tiền, Sacombank Phú Yên phải hoàn trả bản chính Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số AQ 024627 và sổ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số H00570 do UBND TP Tuy Hòa cấp cho vợ chồng ông Mai Luật ngày 25/9/2009.
Ngay sau khi bản án có hiệu lực, gia đình ông Mai Luật phải đi vay mượn tiền để trả cho Sacombank Phú Yên theo quyết định của bản án phúc thẩm. Ngày 20/5, gia đình ông Mai Luật đã đến Chi cục THADS TP Tuy Hòa nộp tiền thi hành án theo đơn yêu cầu số tiền 800 triệu đồng theo biên lai số AA/2010, số 04910. Sau đó, ngày 20/5, ông Trần Thanh Liêm, Chi cục trưởng Chi cục THADS TP Tuy Hòa ký Quyết định số 981/QĐ/CC, theo đó, trong vòng 15 ngày, Sacombank Phú Yên phải trả lại giấy tờ nhà cho vợ chồng ông Mai Luật.
Tuy nhiên, sau khi có quyết định thi hành án, thông báo thi hành án của Chi cục THADS TP Tuy Hòa, ngày 29/5, Sacombank không những không chấp hành quyết định là trả lại giấy tờ nhà cho vợ chồng ông Mai Luật mà cố tình trì hoãn và “nại” ra việc hoãn thi hành án với lý do: Chưa có ý kiến chỉ đạo của cấp chủ quản? Mặc dù đến nay đã quá thời gian thi hành án, thế nhưng Chi cục THADS TP Tuy Hòa lại đồng ý và không tiến hành cưỡng chế theo Luật THADS khiến cho việc thực thi pháp luật không được tiến hành. Do đó, quyền và lợi ích hợp pháp của các bên đương sự không được đảm bảo.
Ông Mai Luật bức xúc, nói: “Mặc dù gia đình hết sức khó khăn nhưng tôi phải đi vay mượn 800 triệu đồng để trả cho ngân hàng, chấp hành nghiêm quy định của pháp luật. Đáng lẽ, sau khi trả tiền, Sacombank Phú Yên phải hoàn trả lại giấy tờ nhà cho tôi như bản án đã tuyên và quyết định của Chi cục THADS TP Tuy Hòa. Việc này có vi phạm pháp luật không, nhằm vào mục đích gì? Số tiền 800 triệu đồng tôi đã nộp thi hành án không biết sau này Sacombank có tính lãi theo bản án nữa hay không?”.
CẦN XỬ LÝ VI PHẠM
Theo Luật sư Nguyễn Hương Quê, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Phú Yên, thì trong vụ việc này, Sacombank Phú Yên đã cố tình “lách” luật. Theo ông, khoản 1, Điều 48, Luật THADS quy định rất rõ ràng các trường hợp được hoãn thi hành án. Đó là, người phải thi hành án bị ốm nặng, có xác nhận của cơ sở y tế từ cấp huyện trở lên hoặc chưa xác định được địa chỉ của người phải thi hành án hoặc vì lý do chính đáng khác mà người phải thi hành án không thể tự mình thực hiện được nghĩa vụ theo bản án, quyết định; người được thi hành án đồng ý cho người phải thi hành án hoãn thi hành án. Việc đồng ý hoãn phải lập thành văn bản ghi rõ thời hạn hoãn, có chữ ký của các bên. Trong thời gian hoãn thi hành án do có sự đồng ý của người được thi hành án thì người phải thi hành án không phải chịu lãi suất chậm thi hành án; người phải thi hành các khoản nộp ngân sách nhà nước không có tài sản hoặc có tài sản nhưng giá trị tài sản đó không đủ chi phí cưỡng chế thi hành án hoặc có tài sản nhưng tài sản thuộc loại không được kê biên; tài sản kê biên có tranh chấp đã được Tòa án thụ lý để giải quyết; việc thi hành án đang trong thời hạn cơ quan có thẩm quyền giải thích bản án, quyết định và trả lời kiến nghị của cơ quan thi hành án dân sự theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 179 của Luật THADS. Nếu chiếu theo quy định vừa nêu, rõ ràng Chi cục THADS TP Tuy Hòa đã không những không đôn đốc việc thi hành án mà còn đồng ý hoãn thi hành án vì một công văn đề nghị trái thẩm quyền của Sacombank Phú Yên. Trong khi người được thi hành án là vợ chồng ông Mai Luật chưa đồng ý là vi phạm pháp luật nghiêm trọng cần phải xử lý.
Trao đổi với Báo Phú Yên, Phó chi cục THADS TP Tuy Hòa Nguyễn Hoàng Anh cho biết: “Chúng tôi đã ra thông báo thi hành án đối với Sacombank Phú Yên, trong vòng 3 ngày kể từ ngày 4/6/2013, Sacombank Phú Yên phải mang bản chính Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất AQ 024627 đến nộp tại chi cục để đơn vị trả lại cho vợ chồng ông Luật. Nếu quá thời hạn này, ngân hàng không giao nộp, Chi cục THADS sẽ áp dụng biện pháp cưỡng chế theo Điều 116, Luật THADS. Tuy nhiên, đến nay, Sacombank Phú Yên vẫn không chấp hành thông báo của cơ quan thi hành án”.
Khi được hỏi chừng nào tiến hành biện pháp cưỡng chế thì ông Nguyễn Hoàng Anh không trả lời được. Do đó, việc người thi hành án là vợ chồng ông Mai Luật đã trả tiền cho Sacombank Phú Yên còn Sacombank Phú Yên vẫn thoái thác, trì hoãn không chịu trả lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho vợ chồng ông Mai Luật là cố tình vi phạm. Vì thế cần phải xử lý cương quyết để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật.
VĂN TÀI
Cưỡng chế trả giấy tờ
1. Chấp hành viên ra quyết định cưỡng chế buộc người phải thi hành án trả giấy tờ cho người được thi hành án. Trường hợp người phải thi hành án không thực hiện thì Chấp hành viên cưỡng chế buộc người đó trả giấy tờ để thi hành án. Trường hợp xác định người thứ ba đang giữ giấy tờ phải trả thì chấp hành viên yêu cầu người đó giao giấy tờ đang giữ, nếu người thứ ba không tự nguyện giao thì chấp hành viên cưỡng chế buộc người đó giao giấy tờ để thi hành án.
2. Trường hợp giấy tờ không thể thu hồi được nhưng có thể cấp lại thì chấp hành viên yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền ra quyết định hủy giấy tờ đó và cấp giấy tờ mới cho người được thi hành án.
Đối với giấy tờ không thể thu hồi và cũng không thể cấp lại được thì thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định trả đơn yêu cầu thi hành án và hướng dẫn đương sự khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết. (Nguồn: Điều 116, Luật THADS năm 2008)
VĂN TÀI