Thứ Hai, 30/09/2024 04:30 SA
Vụ án chiếc dép:
Chỉ vì đùa giỡn, vướng gần 10 năm vào vòng tố tụng
Chủ Nhật, 28/01/2007 07:03 SA

Một vụ án hình sự cố ý gây thương tích kéo dài gần 10 năm, cấp sơ thẩm tuyên có tội khi lên phúc thẩm thì hủy án điều tra lại. Kể từ khi hủy án đến 3 năm sau, cơ quan điều tra mới có kết thúc điều tra vẫn kết luận bị can có hành vi gây thương tích, nhưng bị hại lại rút đơn yêu cầu khởi tố vụ án và chuyển sang giải quyết dân sự.

 

GIỠN CHƠI: 10 NĂM TRONG VÒNG TỐ TỤNG

 

Khoảng 10 giờ ngày 11/12/1996, chị N ở xã Hòa Bình 2, huyện Tuy Hòa (nay là huyện Tây Hòa) rủ bạn gái trong xóm đi hái rau. Nhìn thấy cây trứng cá của người hàng xóm, cả hai đặt thúng cạnh gốc cây để hái trái. Lúc này, anh T. cùng xóm lùa bò đi ngang và trên tay cầm roi cước. Anh T nhìn thấy hai người liền hỏi có nhìn thấy bò của anh đi qua không, sau đó dùng chân đá vào thúng của chị N, rồi bỏ đi. Sau khi hái xong, hai người cầm thúng đi theo sau anh T. để hái rau. Tình cờ, anh T lùa bò quay trở lại nên gặp hai cô gái lúc nãy nên đã dùng roi cước quất vào cô bạn nhưng không trúng, rồi quất trúng vào chị N và bỏ chạy. Chị N đuổi, khi còn cách nhau 7m thì chị N cúi xuống cầm dép ném vào người anh T, nhưng cũng vừa lúc T quay mặt về phía chị N nên chiếc dép trúng vào mắt phải. Anh T lấy tay che mắt rồi bỏ đi. Thấy thế, chị N chạy theo nói là để chị lấy nước rửa mắt cho, nhưng anh T không đồng ý và bỏ đi về.

 

Sau đó, gia đình đưa anh T đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Yên mua thuốc về nhà điều trị. Trong thời gian điều trị, gia đình dùng mật gấu và nước muối nhỏ vào mắt anh T, nhưng mắt anh ngày càng nặng nên sau đó gia đình có đến Công an xã Hòa Bình 2 báo cáo sự việc. Gia đình cũng đưa anh T vào Trung tâm Nhãn khoa TP Hồ Chí Minh điều trị đến ngày 20/1/1997 thì xuất viện. Vài tháng sau, Công an huyện Tuy Hòa ra quyết định trưng cầu giám định pháp y để xác định tỷ lệ thương tích. Ngày 27/6/1997, kết luận giám định 117/GĐPYTT của Tổ chức giám định pháp y tỉnh Phú Yên xác định tỷ lệ thương tích là 22%. Công an Tuy Hòa ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với chị N về hành vi cố ý gây thương tích.

 

Trong phiên tòa hình sự sơ thẩm và phúc thẩm chị N và chị T đều khẳng định, hành vi của hai người chỉ là đùa giỡn, không có ý gây thương tích cho nhau. Thế nhưng, tòa sơ thẩm tuyên buộc chị N phạm tội cố ý gây thương tích với mức án bằng thời gian cơ quan điều tra tạm giam là 4 tháng 21 ngày và buộc bồi thường cho anh T 6,6 triệu đồng. Chị N kháng cáo kêu oan. Sau đó, vụ án được xét xử phúc thẩm vào ngày 16/7/2003. Cấp phúc thẩm nhận định, hành vi của anh T và chị N đều là giỡn chơi nên việc ném dép nhựa vào người anh T không xác định được mục đích cố ý gây thương tích, vì sau khi chiếc dép trúng mắt, chị N đã đến nói để rửa mắt cho anh T. Vật để gây tác động vào người anh T không xác định đó là vật nguy hiểm. Không có cơ sở để đánh giá chị N đã gây thương tích cho anh T bao nhiêu phần trăm, nếu chữa trị kịp thời có dẫn đến hậu quả như giám định pháp y không? Vì gia đình dùng mật gấu, nước muối điều trị cho anh T, nhưng loại dịch thể này không có trong chỉ định điều trị y khoa. Cấp phúc thẩm đã hủy án để điều tra lại.

 

VẪN XÁC ĐỊNH CỐ Ý GÂY THƯƠNG TÍCH NHƯNG CHUYỂN SANG GIẢI QUYẾT DÂN SỰ

 

Sau đó, Cơ quan CSĐT huyện Tuy Hòa có các công văn gởi Viện Khoa học Hình sự Bộ Công an, Viện Mắt Trung ương Hà Nội, Bệnh viện Mắt TP Hồ Chí Minh. Công văn số 1037/C12(P6) ngày 29/12/2003 của Viện Khoa học Hình sự trả lời: “Nếu sau khi bị ném dép trúng mắt phải, cháu T được điều trị đúng phác đồ chấn thương mắt của bệnh viện chuyên khoa mắt vẫn dẫn đến hậu quả đục thủy tinh thể. Nguyên nhân do màng bọc của nhân mắt bị phá vỡ, thủy tinh dịch ngấm vào nhân gây đục và phải phẫu thuật loại bỏ nhân. Sau khi chấn thương mắt, gia đình tự điều trị bằng nước muối và mật gấu cho cháu T khoảng 20 ngày, muối và mật gấu không phải là nguyên nhân gây đục nhân mắt”. Trong khi Bệnh viện Mắt TP Hồ Chí Minh – nơi điều trị cho anh T, có công văn 236/CV-KHTH trả lời: “Tất cả các trường hợp chấn thương mắt gây đục vỡ thủy tinh thể đều dẫn đến phẫu thuật, nhưng phẫu thuật sớm hay muộn còn tùy thuộc vào tình trạng mắt bị tổn thương có gây biến chứng sớm hay muộn. Trên lâm sàng, bác sĩ sẽ quyết định mổ vào thời điểm nào cho thích hợp. Việc dùng nước muối nhỏ vào mắt không đưa đến phẫu thuật. Còn hiện nay theo các tài liệu y văn trong nước và trên thế giới chưa đề cập đến các hoạt chất trong mật gấu có gây đục thủy tinh thể hay không”. Còn công văn 592/BVMTW ngày 16/12/2003 của Bệnh viện Mắt Trung ương: “Để có kết luận chính xác, chúng tôi đề nghị cần xem xét lại kết quả khám chấn thương ban đầu của Bệnh viện tỉnh Phú Yên có mô tả kỹ thuật tình trạng thể thủy tinh có bị chấn thương không? Bệnh án mô tả tại Trung tâm mắt TP Hồ Chí Minh trước mổ có mô tả tình trạng đục thủy tinh mắt phải có phải là do chấn thương không?”. Căn cứ vào các công văn này, Công an huyện Tây Hòa đã kết luận, chị N có hành vi gây thương tích cho anh T với tỉ lệ 22% vì anh T tự nguyện rút đơn yêu cầu khởi tố vụ án hình sự và đề nghị chuyển hồ sơ sang TAND huyện Tây Hòa giải quyết dân sự.

 

Ngày 15/8/2006, TAND huyện Tây Hòa xét xử và nhận định, chị N có hành vi dùng dép ném trúng vào mắt anh T làm đục thủy tinh thể, sau phẫu thuật tỉ lệ thương tích 22% và buộc cha mẹ chị N bồi thường hơn 6,6 triệu đồng cho anh T. Gia đình và chị N kháng cáo bản án và cho rằng chị N không phải là người gây ra thương tích cho anh T. Tòa phúc thẩm cùng nhận định với tòa cấp sơ thẩm, nhưng sửa một phần án sơ thẩm là buộc chị N phải bồi thường, vì chị N đã thành niên và có tài sản riêng.

 

ĐỨC HUY

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek