Thứ Tư, 27/11/2024 15:34 CH
Ngày đầu tiên phiên tòa xét xử vụ “mua bán độ” tại SEA Games 23
Lê Quốc Vượng ra tòa vẫn dùng tiểu xảo!
Thứ Sáu, 26/01/2007 07:59 SA

Từ sáng sớm ngày 25/1, hàng trăm người dân đến trụ sở TAND TPHCM để chờ theo dõi phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án “mua bán độ” xảy ra tại SEA Games 23 (tại Bacolod – Philippines). Gần 100 phóng viên trong và ngoài nước cũng đến tác nghiệp.

Tại phiên tòa, các bị cáo đã thừa nhận hành vi phạm tội của mình. Chỉ riêng Lê Quốc Vượng quanh co chối cãi. Nhìn các bị cáo ra tòa, nhiều người cho biết đã đau lòng nhưng thái độ của một số bị cáo càng làm người hâm mộ đau lòng hơn.

070126-xetxu.jpg
Các bị cáo - cựu tuyển thủ trước vành móng ngựa - Ảnh: VNN

VỪA ĐÁ THẮNG, VỪA CÓ TIỀN NÊN "BÁN ĐỘ"

Trả lời thẩm vấn của chủ tọa phiên tòa – thẩm phán Lê Văn Ban, cả 8 bị cáo đều thừa nhận hành vi phạm tội của mình. Sau khi bị cáo Hải từ Việt Nam “báo giá bóng” sang Philippines, ngay trong sáng 24/11/2005 (ngày diễn ra trận đấu đội tuyển U23 Việt Nam gặp đội tuyển U23 Myanmar), Vượng gọi nhiều cầu thủ trong đội đến phòng mình để bàn bạc.

Nghe Vượng phổ biến rằng: “Nếu chiều nay đá thắng cách biệt một bàn thì có người ở ngoài cho mình 20 – 30 triệu đồng”, nghĩ là vừa đá thắng lại vừa có tiền nên Phạm Văn Quyến, Trần Hải Lâm, Lê Bật Hiếu, Châu Lê Phước Vĩnh, Huỳnh Quốc Anh, Lê Văn Trương đều đồng ý “bán độ”.

Và “kịch bản” đã diễn ra đúng như vậy, với tỷ số trận đấu là 1-0 nghiêng về đội tuyển U23 Việt Nam. Về nước, Quyến, Hiếu, Anh đã nhận 20 triệu đồng từ Vượng; Anh nhận giùm 20 triệu đồng nhưng chưa đưa cho Vĩnh. Riêng Lâm và Trương hối hận về việc làm của mình nên không liên lạc với Vượng để nhận tiền.

Tại tòa, mặc dù có những lúc một số bị cáo còn trả lời tránh né, loanh quanh nhưng cuối cùng tất cả đều nói rằng đã nhận thức hành vi của mình rất sai trái, bày tỏ sự hối hận về sự sa ngã của mình.

TRÁCH NHIỆM CỦA "ÔNG THẦY" Ở ĐÂU?

Tham gia thẩm vấn, các luật sư (LS) đã nêu các câu hỏi về trách nhiệm của nguyên huấn luyện viên phó của đội tuyển Lê Thụy Hải (vắng mặt tại phiên tòa dù đã được triệu tập) và trợ lý ngôn ngữ Trần Hùng Cường.

Ra tòa với tư cách nhân chứng, cầu thủ Phan Văn Tài Em khai rằng: Buổi chiều 24/11/2005, trước khi trận đấu diễn ra, anh đã báo cáo về việc bị các cầu thủ trong đội rủ “bán độ” với ông Hải và ông Cường, nhưng sau đó ông Hải cho rằng các cầu thủ mới chỉ bàn bạc thôi, chưa có chuyện gì xảy ra, cứ để yên xem thử thế nào.

Theo các LS, lẽ ra khi biết được việc này, ông Hải và ông Cường phải báo ngay với huấn luyện viên trưởng A.Riedl hoặc lãnh đạo Liên đoàn bóng đá Việt Nam để ngăn chặn kịp thời hành vi phạm tội của các bị cáo, nhưng họ đã không làm hết trách nhiệm của mình.

LS Đỗ Pháp hỏi: “Vì sao anh báo lại vụ việc với ông Hải và ông Cường?” – Tài Em trả lời: “Mục đích của tôi là để ông Hải và ông Cường biết trước, đồng thời hy vọng hai ông này nói lại với ông A.Riedl vì ngoại ngữ của tôi không tốt, không trực tiếp nói được” – “Anh nghĩ gì khi phản ánh của mình bị gạt sang một bên, dẫn đến hậu quả ngày hôm nay?” – “Tôi đã làm hết trách nhiệm của mình”.

LS Phạm Liêm Chính cho biết trong bài bào chữa của mình, ông sẽ phân tích trách nhiệm của những người trong ban huấn luyện trong việc để yên sự việc trong lúc các cầu thủ chuẩn bị “đưa tay nhúng chàm”.

QUỐC VƯỢNG VAY TIỀN ĐỂ... CHO MƯỢN?

Ngoài tội “Tổ chức đánh bạc” (tổ chức dàn xếp tỷ số), Quốc Vượng còn bị truy tố về tội “Đánh bạc”. Lời khai của Tấn Hải và các bị cáo còn lại cho thấy chính Vượng đã rủ rê Quyến, Lâm, Hiếu, Vĩnh, Anh, Trương cùng cá độ bắt “kèo” dưới (bắt đội Myanmar, được chấp một trái rưỡi).

Sau khi đồng đội không tham gia cá độ, Vượng đã nhờ Hải cá độ giùm và thắng với số tiền 250 triệu đồng. Tuy nhiên, Vượng vẫn một mực phủ nhận hành vi của mình, khai rằng ngoài số tiền dàn xếp tỷ số, phần còn lại mà mình nhận từ “trùm độ” Lý Quốc Kỳ (thông qua Tấn Hải) là tiền Kỳ cho mượn để cưới vợ và mua nhà.

Với số tiền mượn được này, Vượng dùng 60 triệu đồng để chuộc xe, 10.000 USD cho một người bạn mượn, 60 triệu đồng mua quà cho gia đình và bạn bè... Chủ tọa phiên tòa khẳng định: “Lời khai của bị cáo không thể chấp nhận được. Bị cáo và Kỳ không thân đến mức Kỳ cho mượn một khoản tiền lớn mà không có gì làm vật bảo đảm. Và một người đang vay tiền thì không thể dùng 10.000 USD để cho người khác mượn và 60 triệu đồng mua quà”.

Để chứng minh lời khai của Vượng thiếu cơ sở vì mối quan hệ giữa Kỳ và Vượng không thân thiết, kiểm sát viên Nguyễn Hồng Lạc hỏi: “Bị cáo và Kỳ chỉ trao đổi với nhau qua điện thoại hay đã gặp nhau rồi?”.

Đến lúc này, Vượng “chợt nhớ” ra là cả hai gặp nhau một lần tại sân bay Tân Sơn Nhất, sau khi Vượng từ Philippines trở về. Kiểm sát viên đề nghị ghi nhận đây là tình tiết mới tại tòa, nhưng lại tiếp tục truy: “Vì sao hơn một năm qua, bị cáo không nhớ tình tiết này mà nay mới nhớ?”.

Trước thái độ ngoan cố của Vượng, kiểm sát viên đề nghị hội đồng xét xử không áp dụng tình tiết khai báo thành khẩn làm tình tiết giảm nhẹ cho Vượng.

Hôm nay 26/1, phiên tòa tiếp tục với phần luận tội và đề nghị mức án đối với từng bị cáo. Sau đó, các luật sư sẽ tham gia bào chữa.

ÁI CHÂN - ĐOÀN HIỆP (SGGP)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek