Luật Cư trú đã quy định tập trung, đầy đủ, cụ thể quyền và trách nhiệm của công dân về cư trú tại Chương II, từ Điều 9 đến Điều 17. Đây là điểm mới của Luật Cư trú so với các quy định của pháp luật hiện hành về cư trú.
Yêu cầu cơ bản đặt ra đối với Luật Cư trú là, vừa phải bảo đảm quyền tự do cư trú của công dân, vừa phải bảo đảm cho công tác quản lý cư trú có hiệu quả cao. Trước hết là quyền của công dân về cư trú. Theo quy định tại Điều 9, công dân có năm quyền sau đây: Một là, lựa chọn, quyết định nơi thường trú, tạm trú của mình phù hợp với quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan. Hai là, được cấp, cấp lại, đổi sổ hộ khẩu, sổ tạm trú, giấy tờ khác liên quan đến cư trú. Ba là, được cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến việc thực hiện quyền cư trú. Bốn là, yêu cầu cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thực hiện biện pháp bảo vệ quyền cư trú của mình. Năm là, khiếu nại, tố cáo, khởi kiện đối với hành vi vi phạm pháp luật về cư trú theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh việc quy định về quyền của công dân về cư trú, Luật cư trú cũng xác định rõ các trường hợp bị hạn chế quyền tự do cư trú. Đó là người bị cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú, người bị Toà án áp dụng hình phạt cấm cư trú; người bị kết án phạt tù nhưng chưa có quyết định thi hành án, được hưởng án treo hoặc đang được hoãn, tạm đình chỉ thi hành án phạt tù; người đang bị quản chế; người bị áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở chữa bệnh, cơ sở giáo dục nhưng đang được hoãn chấp hành hoặc tạm đình chỉ thi hành.
Về trách nhiệm, công dân phải chấp hành các quy định của pháp luật về cư trú. Cung cấp đầy đủ, chính xác thông tin, tài liệu về cư trú của mình cho cơ quan, người có thẩm quyền và chịu trách nhiệm về thông tin, tài liệu đã cung cấp. Nộp lệ phí đăng ký cư trú. Xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú, giấy tờ khác liên quan đến cư trú khi cơ quan, người có thẩm quyền yêu cầu. Báo ngay với cơ quan đã đăng ký cư trú khi sổ hộ khẩu, sổ tạm trú, giấy tờ khác liên quan đến cư trú bị mất hoặc bị hư hỏng.
Một vấn đề có ý nghĩa rất quan trọng mà Luật cư trú đã quy định, đó là nơi cư trú của công dân (Điều 12). Đây được xem là yếu tố không thể thiếu để được đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú. Theo đó, nơi cư trú của công dân được quy định là chỗ ở hợp pháp mà người đó thường xuyên sinh sống. Nơi cư trú của công dân là nơi thường trú hoặc nơi tạm trú. Nơi thường trú là nơi công dân sinh sống thường xuyên, ổn định, không có thời hạn tại một chỗ ở nhất định và đã đăng ký thường trú. Nơi tạm trú là nơi công dân sinh sống ngoài nơi đăng ký thường trú và đã đăng ký tạm trú. Chỗ ở hợp pháp là nhà ở, phương tiện hoặc nhà khác mà công dân sử dụng để cư trú.
Chỗ ở hợp pháp có thể thuộc quyền sở hữu của công dân hoặc được cơ quan, tổ chức, cá nhân cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ theo quy định của pháp luật. Chỗ ở hợp pháp là một trong những điều kiện cần thiết để công dân được đăng ký cư trú. So với quy định của Nghị định số 51/CP đã được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 108/2005/NĐ-CP ngày 19-8-2005 và Thông tư số 11/2005/TT-BCA-C11 ngày 7-10-2005 của Bộ Công an hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 51/CP và Nghị định số 108/2005/NĐ-CP, Luật cư trú có một số điểm mới là: Thứ nhất, quy định chỗ ở hợp pháp theo hướng rộng hơn, bao gồm “nhà ở, phương tiện hoặc nhà khác mà công dân sử dụng để cư trú”; còn Nghị định số 51/CP sửa đổi và Thông tư số 11 chỉ giới hạn là nhà ở và phương tiện.
Thứ hai, nhà ở được coi là chỗ ở hợp pháp cũng được quy định rộng hơn, có thể là nhà thuộc quyền sở hữu của công dân hoặc được cơ quan, tổ chức, cá nhân cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ theo quy định của pháp luật. Còn theo quy định tại Nghị định số 51/CP sửa đổi và Thông tư số 11, thì không cho đăng ký thường trú đối với trường hợp nhà ở là do mượn, ở nhờ (trừ cán bộ, công chức được điều động, tuyển dụng đến làm việc ở thành phố, thị xã).
Thực tế có nhiều trường hợp người đi thuê hoặc ở nhờ nhà của người khác nhưng lại có hành vi gây tranh chấp dân sự với chủ nhà (như đòi được chia nhà…) làm thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của chủ nhà, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự. Để khắc phục tình trạng này, Điều 19 và Điều 20 quy định: đối với trường hợp chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ nhà của cá nhân thì phải được người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý bằng văn bản. Điều đó có nghĩa là, nếu chủ nhà không đồng ý cho người ở nhờ, thuê nhà, mượn nhà được đăng ký thường trú, thì không được cơ quan có thẩm quyền giải quyết đăng ký thường trú.
Đối với trường hợp chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ nhà của Nhà nước, của các tổ chức chuyên kinh doanh nhà thì không cần phải có sự đồng ý của chủ nhà; bởi vì, theo quy định của Bộ luật Dân sự thì Nhà nước, các tổ chức chuyên kinh doanh nhà, khi đã cho người khác mượn, thuê, cho ở nhờ nhà phải làm hợp đồng. Nội dung của hợp đồng này đã thể hiện sự đồng ý cho đăng ký thường trú vào ngôi nhà đó.
Quy định nói trên của Luật Cư trú là nhằm bảo đảm quyền tự do cư trú của công dân và đơn giản hoá thủ tục đăng ký thường trú.
Theo ND