Nhắn tin lừa đảo, tin nặc danh sẽ được xử lý bằng các biện pháp hình sự theo quy định tại Thông tư liên tịch 10/2012 giữa các bộ: Công an, Quốc phòng, Tư pháp, TT-TT, Viện KSND tối cao và TAND tối cao, có hiệu lực ngày 29/10/2012. Vấn đề đặt ra là phải xử lý ngay, tận gốc từ các nhà mạng, nhà cung cấp dịch vụ nội dung.
Người tiêu dùng nhờ bộ phận kỹ thuật, chăm sóc khách hàng hướng dẫn rời bỏ, từ chối tin nhắn rác - Ảnh: K.ANH
Hiện nay cả nước có 374 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nội dung (CSP) có đầu số riêng để cung cấp tin nhắn dịch vụ. Mỗi doanh nghiệp trực tiếp ký kết với vài chục hoặc hàng trăm công ty vệ tinh (SubCP) làm nội dung, không có đầu số để cùng cung cấp dịch vụ. Các CSP, SubCP đã trực tiếp hoặc thuê người sử dụng Modem GSM/CDMA hoặc USB 3G có lắp SIM điện thoại và được kết nối với máy tính để phát tán tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo từ các thuê bao di động trả trước với tốc độ lên đến 10.000 tin nhắn/giờ. Đa số CSP cho phép SubCP thuê lại hệ thống, đầu số để cung cấp dịch vụ nội dung mà không có quy trình để kiểm tra thông tin. Như vậy, có thể thấy gốc rễ của tệ nạn tin nhắn rác xuất phát từ động cơ muốn thu lợi nhuận cao của các CSP; đây chính là đối tượng số 1 cần phải xử lý.
Nguyên nhân của tình trạng này là lợi ích về kinh tế. Cụ thể, do tỉ lệ phân chia lợi nhuận giữa các doanh nghiệp di động, doanh nghiệp viễn thông với CSP không công bằng. Doanh nghiệp thông tin di động chỉ cung cấp hạ tầng, đường truyền, trong khi các CSP phải bỏ ra chi phí để sản xuất nội dung nhưng doanh nghiệp di động lại được hưởng lợi nhuận với tỉ lệ ăn chia lên đến 55-79%. Mặt khác, tin nhắn rác xuất phát chủ yếu từ các công ty cung cấp dịch vụ nội dung số và do sự quản lý lỏng lẻo của các nhà mạng di động. Qua khảo sát của Công ty An ninh mạng Bkav, cho thấy trung bình mỗi ngày có tới 9,8 triệu tin nhắn rác được gửi tới ĐTDĐ của người dùng tại Việt Nam. Nếu tính trung bình 300 đồng/tin nhắn, các nhà mạng thu về khoảng 3 tỉ đồng/ngày, tức gần 100 tỉ đồng/tháng.
Ngày 5/10/2012, Chính phủ đã ban hành Nghị định 77/2012/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 90/2008/NĐ-CP về chống thư rác đã có hiệu lực ngày 1/1/2013. Theo đó, dịch vụ chỉ được phép gửi tin nhắn quảng cáo từ địa chỉ điện tử và hệ thống theo quy định của Bộ TT-TT đến người nhận khi có sự đồng ý của khách hàng; phải chấm dứt việc gửi các tin nhắn quảng cáo ngay sau khi nhận được yêu cầu từ chối của người nhận. Cũng theo Thông tư liên tịch số 10 nói trên, hành vi gửi tin nhắn lừa trúng thưởng nhưng thực tế không có giải thưởng để chiếm đoạt phí dịch vụ là hành vi vi phạm quy định tại Điểm d Khoản 1 Điều 226b của Bộ luật Hình sự.
Tại Phú Yên, để hạn chế nhận tin nhắn rác đến ĐTDĐ của khách hàng, chi nhánh các nhà mạng Vinaphone, Mobiphone, Viettel cũng đã tiến hành nhiều biện pháp nhằm ngăn chặn tối đa tình trạng cung cấp tin nhắn rác làm quấy rối khách hàng. Riêng Chi nhánh Viettel Phú Yên đã triển khai dịch vụ All Blocking (chặn tin nhắn, tự động khóa cả cuộc gọi quấy rối đối với sim Viettel khi tung ra cùng lúc trên 10 tin nhắn); xây dựng riêng tổng đài hỗ trợ, tư vấn, hướng dẫn cho khách hàng khi có phản ánh, yêu cầu cần khắc phục sự cố về tin nhắn rác. Theo kế hoạch, tháng 4/2013, Sở TT-TT sẽ tiến hành thanh tra trên diện rộng đối với các thuê bao di động trả trước về việc thực hiện Điều 21 của Thông tư 04 theo chỉ đạo của Bộ TT-TT; xử lý theo quy định đối với các trường hợp vi phạm. Do đó, khi nhận tin nhắn nhiều lần với cùng một nội dung, người tiêu dùng phải lưu lại để làm chứng từ và gửi đơn khiếu nại đến Sở TT-TT để được giải quyết.
LƯƠNG CÔNG ĐỨC (Sở TT-TT)