Ngoài hình thức hòa giải ở cơ sở do Tổ hòa giải thực hiện còn rất nhiều tổ chức khác thực hiện phù hợp với pháp luật, đạo đức xã hội và phong tục tập quán tốt đẹp của nhân dân. Hòa giải trong hoạt động trợ giúp pháp lý (TGPL), do tổ chức TGPL thực hiện cũng là một trong số khác ấy, nhưng nếu hòa giải không thành (đối với các vụ tranh chấp đất đai), liệu tòa án có thụ lý vụ kiện?
HÒA GIẢI Ở CƠ SỞ VÀ HÒA GIẢI Ở CẤP XÃ
Theo Pháp lệnh Tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở, hòa giải ở cơ sở là việc hướng dẫn, giúp đỡ, thuyết phục các bên đạt được thỏa thuận, tự nguyện giải quyết với nhau những việc vi phạm pháp luật và tranh chấp nhỏ nhằm giữ gìn đoàn kết trong nội bộ nhân dân, phòng ngừa, hạn chế vi phạm pháp luật, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trong cộng đồng dân cư.
Hòa giải được tiến hành đối với việc vi phạm pháp luật và tranh chấp nhỏ trong cộng đồng dân cư, bao gồm: Mâu thuẫn, xích mích giữa các thành viên trong gia đình do khác nhau về quan niệm sống, lối sống, tính tình không hợp hoặc mâu thuẫn, xích mích giữa các cá nhân trong quan hệ xóm giềng như sử dụng lối đi qua nhà, sử dụng điện, nước sinh hoạt, công trình phụ, giờ giấc sinh hoạt, gây mất vệ sinh chung...; tranh chấp về quyền, lợi ích phát sinh từ quan hệ dân sự như tranh chấp phát sinh từ các quan hệ về tài sản, quan hệ hợp đồng dân sự, nghĩa vụ dân sự, thừa kế, quyền sử dụng đất; tranh chấp về quyền, lợi ích phát sinh từ quan hệ hôn nhân gia đình như: thực hiện quyền và nghĩa vụ của vợ, chồng; quyền và nghĩa vụ của cha mẹ và con; nhận nuôi con nuôi; ly hôn; yêu cầu cấp dưỡng; tranh chấp phát sinh từ những việc vi phạm pháp luật mà theo quy định của pháp luật, những việc vi phạm đó chưa đến mức bị xử lý bằng biện pháp hình sự hoặc biện pháp hành chính như trộm cắp vặt, đánh chửi nhau gây mất trật tự công cộng, đánh nhau gây thương tích nhẹ, va quệt xe cộ gây thương tích nhẹ.
Riêng tranh chấp trong lĩnh vực đất đai, Điều 135 Luật Đất đai năm 2003 quy định: Nhà nước khuyến khích các bên tranh chấp đất đai tự hòa giải hoặc giải quyết tranh chấp đất đai thông qua hòa giải ở cơ sở. Tranh chấp đất đai mà các bên tranh chấp không hòa giải được thì gửi đơn đến UBND xã, phường, thị trấn nơi có đất tranh chấp. UBND xã, phường, thị trấn có trách nhiệm phối hợp với UBMTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận, các tổ chức xã hội khác để hoà giải tranh chấp đất đai. Đây là quy định bắt buộc để làm căn cứ yêu cầu UBND cấp huyện, tỉnh giải quyết tranh chấp hoặc khởi kiện tại tòa án nếu hòa giải ở cấp xã không thành.
HÒA GIẢI TRONG HOẠT ĐỘNG TRỢ GIÚP PHÁP LÝ
Bên cạnh các hình thức cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí cho người được trợ giúp pháp lý như: Tư vấn, tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng, thực hiện những công việc liên quan đến thủ tục hành chính, khiếu nại và các hoạt động khác theo quy định của pháp luật, tổ chức thực hiện TGPL còn tiến hành giúp đỡ họ hòa giải. Đây là hình thức cung cấp dịch vụ pháp lý khá hiệu quả, được chính quyền địa phương, các ngành, các cấp và người được thụ hưởng đồng tình, ủng hộ. Thực tế đã có nhiều Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh, thành phố thực hiện khá tốt, góp phần ổn định tình hình, giảm tải áp lực cho cơ quan hành chính, tòa án nhân dân và cơ quan thi hành án dân sự; là dịp để trao đổi kinh nghiệm, kiến thức pháp luật giữa luật sư, trợ giúp viên pháp lý với hòa giải viên và cán bộ ở cơ sở.
Biện pháp tiến hành, các trung tâm TGPL thường kết hợp với chính quyền địa phương tham gia hòa giải tại các buổi trợ giúp pháp lý lưu động, nhất là những vụ việc tồn đọng về đất đai, những vụ phức tạp kéo dài. Riêng Kiên Giang từ đầu năm 2012 đến nay, trung tâm đã hòa giải thành hàng chục vụ việc, đạt tỉ lệ hòa giải thành trên 90%.
Tuy nhiên, do Luật Đất đai quy định, hòa giải tranh chấp về đất đai phải do UBND cấp xã phối hợp với UBMTTQ tiến hành mới đảm bảo cơ sở pháp lý để thực hiện kết quả hòa giải khi hòa giải thành, hoặc khởi kiện/yêu cầu cấp trên giải quyết nếu vụ việc không thành. Do vậy, về thực chất các vụ việc do luật sư, trợ giúp viên hòa giải, nhưng trong thành phần tham gia hòa giải và biên bản hòa giải đều phải thể hiện đúng theo quy định của Luật Đất đai. Đây cũng là ý kiến của ông Nguyễn Văn Khoát, quyền Trưởng phòng Tuyên truyền Sở Tư pháp Kiên Giang và các thẩm phán TAND tỉnh, huyện. Mặt khác, hòa giải viên và chính quyền cơ sở là những người hiểu rõ bản chất vụ việc nên sự phối hợp như vậy là thật sự cần thiết để đem lại kết quả tốt nhất.
Vì vậy, khi ban hành Luật Hòa giải ở cơ sở, sửa đổi Luật Đất đai năm 2003 và sửa đổi Luật Trợ giúp pháp lý cần nghiên cứu đảm bảo sự thống nhất để huy động được một lực lượng đáng kể người thực hiện TGPL có trình độ chuyên môn cao cho công tác hòa giải ở cơ sở.
BÙI ĐỨC ĐỘ
(Cục Trợ giúp pháp lý - Bộ Tư pháp)