Thời gian qua, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng đội ngũ luật sư ở Phú Yên đã phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các cá nhân, tổ chức, bảo vệ công lý và pháp chế xã hội chủ nghĩa. Phóng viên Báo Phú Yên đã có cuộc trao đổi với luật sư Nguyễn Hương Quê, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Phú Yên về vai trò của luật sư và vấn đề tranh tụng trong hoạt động tư pháp thời gian đến. Luật sư Nguyễn Hương Quê cho biết:
Ban Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Phú Yên (Luật sư Nguyễn Hương Quê bìa trái) - Ảnh: L.VĂN
Hiện nay, Phú Yên có 13 người hành nghề luật sư, trong khi dân số của tỉnh gần 875.000 người. So với bình quân cả nước thì số lượng luật sư ở Phú Yên khá ít. Tuy vậy, trong năm qua, các luật sư đã tham gia 296 vụ việc theo yêu cầu của các cơ quan tố tụng, các cá nhân và tổ chức. Ngoài việc bảo vệ, tư vấn miễn phí, các luật sư ở Đoàn Luật sư Phú Yên còn tham gia bào chữa cho các đối tượng chính sách, người nghèo, lồng ghép tuyên truyền qua các phiên tòa, nhất là các phiên tòa lưu động. Bên cạnh đó, các luật sư còn tham gia tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng như Báo Phú Yên, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại Phú Yên và tham gia cùng với các câu lạc bộ pháp luật về vùng sâu, vùng xa để tư vấn, giải đáp pháp luật, tạo hành lang pháp lý cho người dân được bình đẳng trước pháp luật, cũng như bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho người dân bị xâm hại.
Tuy số lượng luật sư của tỉnh còn ít, nhưng hoạt động đã có những tiến bộ nhất định, tính chuyên nghiệp trong hành nghề cũng từng bước được nâng lên. Đội ngũ luật sư đã cùng với các cơ quan tố tụng địa phương giải quyết được các vụ việc về hình sự, dân sự, kinh tế… góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mọi công dân, góp phần bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh.
* Bên cạnh những kết quả đạt được, ông cho biết vai trò của luật sư trong hoạt động tố tụng. Sự tham gia của luật sư có ý nghĩa như thế nào với các đương sự và đảm bảo sự khách quan của vụ án, vụ việc?
- Việc tham gia của luật sư trong hoạt động tố tụng góp phần quan trọng trong việc xác định sự thật khách quan của vụ án, giúp cho cơ quan tố tụng và người tiến hành tố tụng trong các vụ án có sự thận trọng, khách quan trong quá trình tố tụng, cũng như đưa ra những kết luận, phán quyết chính xác, công bằng và đúng pháp luật; bảo vệ được quyền, lợi ích hợp pháp cho tổ chức và công dân. Luật sư tham gia các vụ án có vai trò như là chỗ dựa về mặt pháp lý của đương sự trong vụ án.
Đơn cử như trong vụ án hình sự, một trong những quyền quan trọng của bị can, bị cáo là quyền bào chữa. Tuy nhiên, với tư cách là bị can, bị cáo, họ bị hạn chế quyền công dân và các quyền khác, nhất là những bị can, bị cáo bị tạm giam thì không thể tự mình tìm kiếm, thu thập tài liệu chứng cứ để bào chữa cho bản thân. Với tư cách là người bào chữa, luật sư được tiếp cận hồ sơ vụ án, xác minh, thu thập các tài liệu, chứng cứ liên quan đến việc bào chữa. Đồng thời, luật sư được gặp gỡ bị can, bị cáo bị tạm giam, được tham gia vào quá trình điều tra vụ án. Ngoài ra, luật sư tham gia hoạt động điều tra của điều tra viên sẽ tránh được việc ép cung, mớm cung, dùng nhục hình đối với bị can. Do đó, đối với bị can, bị cáo bị tạm giam, sự có mặt của luật sư một mặt vừa là người động viên, mặt khác giãi bày tâm tư, nguyện vọng để luật sư đề xuất với cơ quan tố tụng có biện pháp bảo vệ tốt nhất quyền của bị can. Tại phiên tòa, với quyền bào chữa cho bị cáo, luật sư có quyền đưa ra các chứng cứ, yêu cầu hội đồng xét xử và đại diện Viện kiểm sát nhân dân thực hiện việc tố tụng đúng quy định của pháp luật và được yêu cầu đối chất để làm rõ mâu thuẫn.
Đối với vụ án dân sự, hôn nhân gia đình, kinh doanh thương mại, lao động, hành chính, nghĩa vụ tự chứng minh là nghĩa vụ bắt buộc đối với các đương sự, luật sư sẽ giúp họ thực hiện nghĩa vụ này như: đưa ra chứng cứ, xác minh, thu thập chứng cứ chứng minh trước tòa án về yêu cầu của mình là có căn cứ.
* Đội ngũ luật sư còn gặp những vướng mắc, tồn tại gì trong hoạt động nghề nghiệp. Với vai trò là Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Phú Yên, ông có kiến nghị, đề xuất gì để khắc phục những tồn tại này?
- Bên cạnh những kết quả đạt được, trong thời gian qua, đội ngũ luật sư ở Phú Yên vẫn còn gặp không ít khó khăn và vướng mắc như: chất lượng hoạt động nghề nghiệp của một số luật sư chưa cao, chưa đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp. Quy định của pháp luật về cơ chế đảm bảo quyền của luật sư trong hoạt động nghề nghiệp còn chưa đầy đủ, hoặc nếu có thì còn chưa có cơ chế đảm bảo của Nhà nước hoặc của pháp luật cho việc thực hiện các quy định ấy. Đó cũng là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động chuyên môn của đội ngũ luật sư.
Bên cạnh đó, trong quá trình hoạt động nghề nghiệp, luật sư tham gia tố tụng còn gặp nhiều vướng mắc từ các cơ quan tố tụng như: thủ tục xin gặp bị can, bị cáo tại trại tạm giam. Nhiều vụ án chỉ định luật sư tham gia phúc thẩm ở TAND Tối cao như là hình thức, không có tác dụng đảm bảo khách quan nên hình ảnh luật sư bị xem thường. Ở một số tòa án, các ý kiến tranh luận, đề xuất của luật sư tại các phiên xét xử không được đưa vào bản án. Sau khi xét xử xong, tòa không gửi bản án cho luật sư, gây khó khăn trong việc luật sư làm thủ tục kháng cáo để bảo vệ cho thân chủ của mình.
Trong năm 2013, Đoàn Luật sư Phú Yên sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân và các cơ quan, tổ chức về vai trò, vị trí của luật sư trong xã hội, góp phần tăng tính hấp dẫn của nghề luật sư để thu hút nhiều luật sư tham gia hành nghề. Bên cạnh đó, Đoàn Luật sư Phú Yên sẽ phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng xây dựng và ban hành các cơ chế phối hợp nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho luật sư khi hành nghề, cũng như bảo đảm việc tuân theo pháp luật cho các luật sư…Đồng thời, chúng tôi kiến nghị các cơ quan Nhà nước và người thi hành nhiệm vụ do nhà nước giao có sự đổi mới tư duy và nhận thức tích cực về vai trò của luật sư, tạo điều kiện giúp đỡ luật sư hoàn thành sứ mệnh được giao, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
* Xin cảm ơn ông!
VĂN TÀI (thực hiện)