Thời gian qua, tình trạng khiếu nại, tố cáo có xu hướng gia tăng và ngày càng diễn biến phức tạp. Người dân khiếu nại, tố cáo thường tụ tập gây mất an ninh trật tự, một số trường hợp có hành vi chống người thi hành công vụ... Tình hình khiếu nại, tố cáo tăng cả về số lượng và tính chất vụ việc chủ yếu liên quan đến lĩnh vực đất đai, chiếm hơn 80% trên tổng số vụ việc khiếu nại, tố cáo.
Cán bộ Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Phú Yên tư vấn pháp luật lưu động cho bà con đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Suối Trai (Sơn Hòa) - Ảnh: V.TÀI
Ngoài lý do cơ bản phát sinh khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực đất đai mà xuất phát là do bất cập pháp luật; công tác quản lý Nhà nước về đất đai có nhiều yếu kém, sai phạm... thì một nguyên nhân cơ bản phải kể đến đó là nhận thức của người dân về pháp luật đất đai còn nhiều hạn chế nên dẫn đến phát sinh khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực này. Việc tuyên truyền pháp luật nói chung và pháp luật về đất đai nói riêng cho nhân dân trong những năm qua đã được Đảng và Nhà nước quan tâm triển khai sâu rộng, thông qua nhiều hình thức đa dạng, phong phú làm chuyển biến về nhận thức của đông đảo người dân. Tuy nhiên, bên cạnh đó, còn một bộ phận người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số cư trú tại vùng sâu, vùng xa nhận thức pháp luật đất đai còn nhiều hạn chế. Vì vậy, phát sinh những vi phạm trong lĩnh vực đất đai như: người dân xâm lấn đất của nông trường, lâm trường, đất rừng phòng hộ, đất quốc phòng..., khi có biện pháp xử lý thì phát sinh khiếu nại, tố cáo. Hay nhiều trường hợp đối tượng xấu lợi dụng sự thiếu hiểu biết của bà con để xác nhận giấy ủy quyền vay vốn tại các tổ chức tín dụng, khi phát hiện thì bà con đã mang món nợ từ trên trời rơi xuống; hoặc mua bán, chuyển nhượng quyền sử dụng đất nhưng không tuân thủ hình thức xác lập hợp đồng dân sự mà mua bán, chuyển nhượng quyền sử dụng đất bằng miệng, viết giấy tay... Do đó, việc trợ giúp pháp lý trong lĩnh vực đất đai là hết sức cần thiết, qua đó giảm khiếu nại, tố cáo, cũng như các tranh chấp phát sinh liên quan đến quyền sử dụng đất. Việc trợ giúp pháp lý trong lĩnh vực đất đai cần được tiến hành thường xuyên, liên tục thông qua các buổi trợ giúp pháp lý lưu động cho người dân hoặc trợ giúp pháp luật đất đai trên sóng phát thanh và truyền hình địa phương; hay trợ giúp pháp lý trong lĩnh vực đất đai đối với từng vụ việc cụ thể tại trụ sở trung tâm và chi nhánh của trung tâm trợ giúp pháp lý...
Công tác tuyên truyền pháp luật đất đai và trợ giúp pháp lý trong lĩnh vực đất đai có ý nghĩa vô cùng quan trọng nhằm nâng cao nhận thức của người dân, góp phần tăng cường công tác quản lý Nhà nước, góp phần giảm đáng kể tình trạng khiếu nại, tố cáo của người dân đến lĩnh vực đất đai hiện nay. Để thực hiện nhiệm vụ này, cần sự quan tâm của các ngành, các cấp đối với hoạt động trợ giúp pháp lý như hàng năm, cần bố trí kinh phí để triển khai, đồng thời, tạo điều kiện về vật chất, biên chế cho trung tâm trợ giúp pháp lý... Bên cạnh đó, định kỳ hàng năm, trung tâm có chương trình, kế hoạch trợ giúp pháp lý cụ thể trong lĩnh vực đất đai và cần thực hiện theo chuyên đề, tập trung vào những địa phương có điểm nóng về khiếu nại, tố cáo đất đai. Đồng thời, tập trung vào những lĩnh vực thường xảy ra vi phạm về đất đai của người dân để thực hiện tuyên truyền pháp luật và trợ giúp pháp lý. Có như vậy mới góp phần hạn chế đơn thư khiếu nại, tố cáo về đất đai đang có chiều hướng gia tăng và phức tạp như hiện nay.
ĐỖ VĂN
(Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh)