Án treo là miễn chấp hành hình phạt tù có điều kiện, được áp dụng đối với người bị phạt tù không quá 3 năm, căn cứ vào nhân thân và các tình tiết giảm nhẹ, xét thấy không cần thiết phải bắt chấp hành hình phạt tù. Khi cho hưởng án treo, tòa án ấn định thời gian thử thách từ một năm đến năm năm…
Bộ luật Hình sự (BLHS) quy định về áp dụng án treo có tác dụng khuyến khích người bị kết án với sự giúp đỡ tích cực của xã hội và gia đình, tự lao động cải tạo để trở thành người lương thiện. Việc áp dụng đúng đắn các quy định về án treo sẽ có tác dụng tốt là không phải bắt người bị kết án phải cách ly khỏi xã hội nhưng vẫn đạt được mục đích giáo dục, cải tạo họ trở thành người có ích cho xã hội. Tuy nhiên, nếu áp dụng án treo không đúng sẽ gây ảnh hưởng xấu đến xã hội như: Không thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật, không được quần chúng nhân dân đồng tình ủng hộ, không đề cao được tác dụng giáo dục riêng và phòng ngừa chung.
Trong thời gian qua, vẫn còn một số trường hợp tòa án cấp huyện cho người bị kết án hưởng án treo không đúng. Điển hình là vụ Lê Ngọc Cường vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông. Cường là người điều khiển xe ô tô biển số 78K-2924 lưu hành trên Quốc lộ 25 từ huyện Phú Hòa về TP Tuy Hòa. Khi đến km9+935 Quốc lộ 25, là đoạn đường vòng, cua rất nguy hiểm nhưng Cường vẫn điều khiển xe chạy với tốc độ rất nhanh, trong khi đó phía trước có xe mô tô, xe đạp lưu hành cùng chiều. Vì không làm chủ tốc độ, xử lý xe qua cua không kịp nên xe của Cường đã tông vào xe mô tô 78-295PC do ông Đào Hùng Trãi điều khiển, sau đó tông tiếp vào xe đạp của cháu Huỳnh Thị Phượng khiến ông Trãi và cháu Phượng văng vào lề đường bị thương nặng. Do tốc độ quá nhanh nên xe của Cường dâm vào xe đạp của cháu Đào Thị Kim Phô, khiến cháu Phô chết tại chỗ. Hành vi điều khiển xe quá tốc độ của Cường đã gây ra hậu quả nghiêm trọng, tung vào nhiều phương tiện đang lưu thông trên đường, làm nhiều người bị thương, chết. Hành vi gây ra hậu quả nghiêm trọng của Cường phải cách ly khỏi xã hội để cải tạo, giáo dục. Thế nhưng, TAND huyện Phú Hòa lại áp dụng Khoản 1, Điều 202; Điểm b, p, Khoản 1, Điều 46; Điều 60 BLHS xử phạt Cường 18 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách 24 tháng kể từ ngày tuyên án. Bản án của TAND huyện Phú Hòa khiến nhiều người dân không đồng tình, hành vi của Cường đáng ra phải cách ly khỏi xã hội. Vì thế, Viện KSND tỉnh đã kháng nghị giám đốc thẩm theo hướng hủy bản án sơ thẩm để xét xử lại không cho bị cáo Cường hưởng án treo. Ủy ban thẩm phán TAND tỉnh đã xét xử giám đốc thẩm, chấp nhận kháng nghị. TAND huyện Phú Hòa xét xử lại và tuyên phạt Cường 18 tháng tù giam.
Một số vụ án khác cũng về vi phạm quy định điều khiển giao thông đường bộ đã áp dụng án treo không đúng. Hoàng Tấn Tài điều khiển xe ô tô 54F-0614 lưu hành trên quốc lộ 1A theo hướng Tuy Hòa – Nha Trang. Khi đến km1346 quốc lộ 1A (thuộc thôn Bàn Nham, Hòa Xuân Tây, huyện Đông Hòa), Tài điều khiển xe chạy với tốc độ trên 66km/h thì phát hiện phía trước khoảng 12 mét có cháu Đặng Trần Xuân Hợp chạy từ lề đường phía tây sang lề đường phía đông. Lúc này, Tài có giảm tốc độ, lách sang phần đường bên trái nhưng vẫn không tránh khỏi nên xe ô tô do Tài điều khiển tông vào khiến cháu Hợp chết tại chỗ. Hành vi của Tài là điều khiển xe vượt tốc độ, thiếu quan sát phía trước và lách sang phần đường bên trái, gây ra hậu quả chết người. Đây là vụ tai nạn nghiêm trọng, nhưng TAND huyện Tuy Hòa chỉ xử phạt Tài 15 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách 24 tháng. Việc cho hưởng án treo khiến nhiều người dân phản đối, không đủ tác dụng răn đe, giáo dục chấp hành Luật giao thông đường bộ đối với những người tham gia giao thông khác. Chính vì thế, Viện KSND huyện Tuy Hòa đã kháng nghị phúc thẩm theo hướng không cho bị cáo Tài hưởng án treo. TAND tỉnh Phú Yên xét xử phúc thẩm, chấp nhận kháng nghị của Viện kiểm sát.
Tổ phóng viên Nội Chính