Nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử sơ thẩm hình sự, kiểm sát viên được phân công nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ án, chuẩn bị trước đề cương thẩm vấn, tranh luận, dự thảo luận tội hoặc kết luận. Tại phiên tòa, kiểm sát viên chủ động trong việc tham gia thẩm vấn, tranh luận theo tinh thần Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị và Bộ luật Tố tụng Hình sự nhằm làm sáng tỏ sự thật khách quan vụ án, đảm bảo việc xét xử được đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.
Qua 2 năm, ngành kiểm sát Phú Yên đã truy tố và chuyển hồ sơ cho Tòa án xét xử sơ thẩm 509 vụ với 745 bị can. Trong số đó, Tòa án đã trả lại cho Viện kiểm sát 38 vụ với 76 bị can, nhưng chỉ chấp nhận 31 vụ điều tra bổ sung theo yêu cầu của Tòa án. Những vụ án Tòa án trả hồ sơ để điều tra bổ sung là do phát sinh những tình tiết mới tại phiên tòa cần phải điều tra, xác minh lại hoặc trong hồ sơ còn thiếu những chứng cứ quan trọng để xác định bị can có hay không có hành vi phạm tội, mức độ thiệt hại do tội phạm gây ra, hoặc những tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ có ảnh hưởng đến việc giải quyết hình phạt, kết quả giám định còn mâu thuẫn nhau, chưa đáp ứng yêu cầu của việc xét xử của Tòa án, thiếu do chưa chuyển hoặc chưa thu giữ vật chứng, chưa kê biên tài sản, định giá trị tài sản thiệt hại, xác minh tài sản và làm rõ trách nhiệm dân sự của bị can.
Tuy nhiên cũng có một số vụ án tại phiên tòa bị cáo không khai nhận hành vi phạm tội hoặc chối tội, người làm chứng, bị hại có lời khai khác lời khai trong quá trình điều tra, mặc dù các lời khai không có cơ sở nhưng hội đồng xét xử (HĐXX) không thẩm vấn làm rõ mà trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung. Vụ Nguyễn Hồng Đoan vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ (GTĐB). Đây là vụ án bị can không nhận hành vi phạm tội mà đổ lỗi cho người ngồi sau là Nguyễn Ngọc Thuận điều khiển xe gây tai nạn.
Qua đấu tranh khai thác lời khai nhân chứng và những chứng cứ khác, cơ quan điều tra đề nghị truy tố Nguyễn Hồng Đoan về tội “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện GTĐB”, Viện KSND tỉnh đã ttruy tố Đoan về tội này nhưng TAND tỉnh đã 2 lần trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung nhưng Viện KSND tỉnh vẫn giữ nguyên quan điểm truy tố. TAND tỉnh xét xử và tuyên Đoan không phạm tội. Viện KSND tỉnh kháng nghị phúc thẩm. Kết quả phúc thẩm, HĐXX phúc thẩm của TAND Tối cao Đà Nẵng hủy án sơ thẩm để xét xử lại theo hướng Nguyễn Hồng Đoan có tội, và kết quả cấp sơ thẩm xử phạt Đoan 3 năm tù.
Hay như vụ Trần Mỹ Loan phạm tội trộm cắp tài sản, trong quá trình điều tra, lời khai nhân chứng, bị hại, bị cáo đều thống nhất Loan là người đã thực hiện hành vi trộm cắp. Nhưng tại phiên tòa, nhân chứng, bị hại khai ngoài bị cáo Loan còn có đồng phạm khác. HĐXX TP Tuy Hòa không thẩm vấn bác bỏ mâu thuẫn trong lời khai mà ra quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung. Kết quả điều tra bổ sung xác định chỉ có bị cáo Loan thực hiện hành vi trộm cắp.
Có những trường hợp Tòa án trả hồ sơ cho Viện kiểm sát do có căn cứ để cho rằng bị cáo còn phạm tội khác hoặc có đồng phạm khác, hoặc truy tố không chính xác tội danh, khung hình phạt, cần phải xử lý theo tội danh nặng hơn, áp dụng khung hình phạt nặng hơn so với quyết định truy tố của Viện kiểm sát nên Tòa án đã trả lại để điều tra bổ sung, thay đổi quyết định truy tố cho phù hợp. Đơn cử như vụ Ngô Hữu Tý cùng đồng bọn phạm tội “Trộm cắp tài sản” và “Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có”. Qua nghiên cứu hồ sơ, TAND huyện Phú Hòa nhận thấy bị can Võ Thị Liễu không phạm tội trộm cắp tài sản mà chỉ phạm tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội nên đã trả hồ sơ điều tra bổ sung. Còn vụ Lê Quốc Việt bị khởi tố về tội trộm cắp tài sản. Qua xét xử, TAND huyện Tuy An nhận thấy có dấu hiệu của tội phạm khác nên quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung. Kết quả sau khi điều tra bổ sung đã thay đổi tội danh từ tội trộm cắp tài sản sang tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Việc Tòa án trả hồ sơ điều tra bổ sung theo yêu cầu tách nhập vụ án, chuyển vụ án theo thẩm quyền hoặc do bị can không phạm tội trả lại để Viện kiểm sát giải quyết theo quy định của pháp luật, hoặc có những vụ trả hồ sơ để ra quyết định công nhận người bào chữa, hoặc bổ sung người bào chữa… Việc trả hồ sơ điều tra bổ sung giữa các cơ quan tiến hành tố tụng theo đúng quy định pháp luật là nhằm tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, đảm bảo pháp luật được áp dụng thống nhất nhằm xác định sự thật vụ án, bảo đảm xét xử đúng người đúng tội, không để xảy ra oan sai.
Tổ phóng viên nội chính