Ngày 17/1/2012, liên bộ Tư pháp, Ủy ban Dân tộc ban hành Thông tư liên tịch số 01/2012/TTLT-BTP-UBDT hướng dẫn thực hiện trợ giúp pháp lý cho đồng bào dân tộc thiểu số đã tạo điều kiện cho các địa phương thực hiện hiệu quả các hoạt động trợ giúp pháp lý cho đồng bào dân tộc thiểu số. Qua đó, nâng cao nhận thức pháp luật cho người dân, hạn chế các hành vi vi phạm pháp luật, nâng cao hoạt động quản lý của Nhà nước ở địa phương.
Cán bộ Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh phát tờ rơi tuyên truyền pháp luật miễn phí cho người dân xã Sông Hinh (Sông Hinh) - Ảnh: V.TÀI
Để thực hiện trợ giúp pháp lý cho đồng bào dân tộc thiểu số đạt kết quả thì ngoài yêu cầu cơ bản trong hoạt động trợ giúp pháp lý như hiểu biết pháp luật, người thực hiện trợ giúp pháp lý còn phải thông thạo tiếng đồng bào dân tộc thiểu số. Tùy vào từng địa phương các thành phần dân tộc thiểu số phân bố và sinh sống có sự khác nhau, do vậy việc tuyển dụng, bố trí đội ngũ trợ giúp viên, chuyên viên và cộng tác viên thông thạo tiếng dân tộc thiểu số phải tương ứng. Cụ thể như trên địa bàn tỉnh Phú Yên có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số như Ê Đê, Chăm H’roi… Vì vậy, khi tuyển dụng, bố trí và sử dụng người thực hiện trợ giúp pháp lý phải thông thạo tiếng nói của các dân tộc này mới thực hiện hiệu quả hoạt động trợ giúp pháp lý.
Hiện nay, để thực hiện trợ giúp pháp lý cho đối tượng này thường trưng dụng cộng tác viên là người đồng bào dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, do hạn chế bởi trình độ, kiến thức pháp luật nên cộng tác viên là người đồng bào dân tộc thiểu số chỉ làm nhiệm vụ thông dịch viên là chủ yếu, còn giải thích các câu hỏi của đối tượng trợ giúp pháp lý phải do trợ giúp viên, chuyên viên Trung tâm Trợ giúp pháp lý thực hiện. Vì vậy, hiệu quả thực hiện trợ giúp pháp lý đối với đồng bào dân tộc thiểu số chưa đạt kết quả mong muốn.
Để hoạt động trợ giúp pháp lý cho đồng bào dân tộc thiểu số đạt hiệu quả cao, trong thời gian đến cần thực hiện những giải pháp cụ thể sau:
Thứ nhất, Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh và các chi nhánh của trung tâm cần ưu tiên tuyển dụng viên chức là người đồng bào dân tộc thiểu số ở địa phương có trình độ đào tạo chuyên ngành luật để thực hiện hoạt động trợ giúp pháp lý cho đồng bào dân tộc. Số lượng viên chức được tuyển dụng tương ứng với số lượng thành phần các đồng bào dân tộc tại địa phương.
Thứ hai, xây dựng mạng lưới cộng tác viên trợ giúp pháp lý là người đồng bào dân tộc thiểu số đang công tác tại các cơ quan Đảng, Nhà nước, đặc biệt, là các ngành Công an, LĐ-TB-XH, TN-MT… tập trung vào những lĩnh vực mà đồng bào dân tộc thiểu số có nhu cầu được trợ giúp pháp lý.
Thứ ba, các trợ giúp viên, chuyên viên Trung tâm Trợ giúp pháp lý ở địa phương có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống cần phải tham gia đào tạo học tập tiếng đồng bào dân tộc để hiểu biết, thông thạo tiếng dân tộc nhằm trực tiếp thực hiện trợ giúp pháp lý không cần phải thông qua thông dịch viên.
Thứ tư, tăng cường tập huấn, nâng cao kiến thức pháp luật đối với cộng tác viên trợ giúp pháp lý là người đồng bào dân tộc thiểu số để có thể tham gia trực tiếp trợ giúp pháp lý cho người dân.
Thứ năm, các địa phương nơi có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, hàng năm, cần bố trí nguồn kinh phí hợp lý cho hoạt động thực hiện trợ giúp pháp lý cho đồng bào dân tộc thiểu số, nhằm nâng cao nhận thức và hạn chế các hành vi vi phạm pháp luật.
Có như vậy, mới thực hiện được đồng bộ, có hiệu quả hoạt động trợ giúp pháp lý cho đồng bào dân tộc thiểu số nhằm nâng cao nhận thức, giúp bà con đồng bào dân tộc thiểu số hiểu biết và thực hiện đúng pháp luật, góp phần tăng cường các hoạt động quản lý Nhà nước trên địa bàn Phú Yên hiện nay.
NGUYỄN HÙNG