PYO từng có bài phản ảnh bức xúc của gia đình người bị nạn trong vụ tai nạn giao thông xảy ra ngày 3/5/2005 trên đường Nguyễn Văn Linh, phường Phú Lâm (TP Tuy Hòa). Ngay sau đó, Công an TP Tuy Hòa có công văn trả lời cho gia đình người bị nạn. Tuy nhiên, gia đình người bị nạn vẫn không đồng tình với công văn trên và tiếp tục gởi đơn đến Báo Phú Yên đề nghị can thiệp. Cơ quan chức năng đưa ra hướng giải quyết thế nào và vì sao gia đình người bị nạn không chấp nhận.
KHÔNG KHỞI TỐ VỤ ÁN, VÌ SAO?
Công văn số 53/CQCSĐT ngày 16/11/2006 của Công an TP Tuy Hòa xác định, vụ tai nạn giao thông xảy ra lúc 19 giờ 45 ngày 3/5/2006. Anh Trần Kim Hoàng (SN 1986) trú ở khu phố 6, phường Phú Lâm (TP Tuy Hòa) điều khiển xe mô tô 78F2-9836 lưu hành trên quốc lộ 1A (nay là đường Nguyễn Văn Linh) theo hướng Nam-Bắc. Đến đoạn km1335+800 thuộc khu phố 2, phường Phú Lâm, anh Hoàng cho xe chạy ở khoảng giữa đường với tốc độ cao. Tại thời điểm này, xe ô tô tải 78K-0872 do anh Nguyễn Ngọc Thìn (SN 1976) trú ở thôn Mỹ Thạnh Đông, xã Hòa Phong, huyện Tây Hòa (giấy phép lái xe của anh Thìn đã hết hạn sử dụng) điều khiển lưu hành hướng Bắc-Nam ở khoảng giữa đường. Cải hai xe không lách tránh về phía bên phải chiều đường xe của mình đang chạy nên va chạm nhau gây ra tai nạn. Hậu quả, anh Hoàng chết trên đường đi cấp cứu. Theo kết quả giám định pháp y, anh Hoàng chết do chấn thương sọ não, đa chấn thương phần mềm và xương. Cơ quan CSĐT Công an TP Tuy Hòa đã căn cứ vào biên bản khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi và các tài liệu chứng cứ thu thập được nên đã tiến hành dựng lại hiện trường để xác định nguyên nhân vụ tai nạn và tính chất, mức độ lỗi vi phạm của người điều khiển phương tiện trong vụ tai nạn giao thông trên. Kết quả dựng lại hiện trường và các tài liệu, chứng cứ thu thập đã xác định xe ô tô tải 78K-0872 do anh Thìn điều khiển không chạy lấn sang phần đường bên trái. Ngày 16/5/2006, cuộc họp ba ngành Công an, Viện KSND, TAND TP Tuy Hòa đã xác định, nguyên nhân chính xảy ra tai nạn là do lỗi của anh Hoàng. Đối với xe ô tô 78K-0872 do anh Thìn lái không có lỗi nên Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP Tuy Hòa không khởi tố điều tra. Viện KSND TP Tuy Hòa đã đồng ý với quan điểm của Công an TP Tuy Hòa.
GIA ĐÌNH BỊ NẠN KHÔNG ĐỒNG TÌNH
Tuy nhiên, bà Huỳnh Thị Kim Lài, người đại diện cho gia đình anh Hoàng tham gia khám nghiệm hiện trường, cho rằng biên bản dựng lại hiện trường khác xa so với hiện trường lúc ban đầu. Trong khi đó, tại thời điểm xảy ra tai nạn CSGT Công an TP Tuy Hòa thể hiện rất chi tiết các dấu vết vụ tai nạn. Vì vậy, bà Lài không đồng ý với biên bản dựng lại hiện trường nên đã ghi chú vào bên dưới biên bản “hiện trường này dựng lại không đúng như ban đầu”. Theo trình bày của ông Trần Huy Phụng (cha của anh Hoàng), sau gần một năm xảy ra vụ tai nạn Công an TP Tuy Hòa mới gọi điện thoại mời gia đình ông đến chứng kiến việc dựng lại hiện trường. Vì thế, ông Phụng e ngại rằng tính khách quan của vụ án không đảm bảo. Trong khi đó, khoản 2, 3 điều 103 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 quy định: “Trong thời hạn hai mươi ngày kể từ ngày nhận được tố giác, tin báo về tội phạm… cơ quan điều tra trong phạm vi trách nhiệm của mình phải kiểm tra, xác minh nguồn tin… và quyết định khởi tố hay không khởi tố vụ án hình sự. Trong trường hợp có nhiều tình tiết phức tạp thì thời hạn có thể dài hơn, nhưng không quá hai tháng”. Thế nhưng, mãi đến ngày 26/6/2006, Cơ quan CSĐT Công an TP Tuy Hòa mới ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự. Phải chăng cơ quan tố tụng đã vi phạm các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003. Trong giải quyết tai nạn giao thông, ngoài việc xử lý hình sự còn có vấn đề giải quyết dân sự. Điều 108 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 ghi rõ: “Quyết định không khởi tố vụ án hình sự… phải thông báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân biết rõ lý do, nếu xét thấy xử lý bằng biện pháp khác thì chuyển hồ sơ cho cơ quan, tổ chức hữu quan giải quyết…”. Quy định này nhằm đảm bảo quyền lợi dân sự cho các bên liên quan, vì lúc xảy ra vụ tai nạn Bộ luật Dân sự 1996 vẫn còn hiệu lực. Khoản 3 Điều 627 Bộ luật Dân sự quy định bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra thì: “Chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại cả khi không có lỗi… trừ trường hợp xảy ra hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại…”.
BA VẤN ĐỀ CẦN LÀM RÕ
Báo Phú Yên đề nghị Công an tỉnh Phú Yên, Viện KSND tỉnh Phú Yên sớm kiểm tra hồ sơ vụ án để làm rõ một số vấn đề gia đình người bị nạn yêu cầu xem xét lại trong vụ án giao thông trên. Thứ nhất, khoảng giữa đường xảy ra vụ tai nạn thuộc về phía bên nào của vạch phân cách tim đường để xác định lỗi do một bên hay lỗi hỗn hợp. Thứ hai, thời gian ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự có vi phạm Bộ luật Tố tụng hình sự không. Thứ ba, các chứng cứ, tài liệu, dấu vết thể hiện trong biên bản hiện trường ban đầu so với biên bản dựng lại hiện trường có sự khác biệt như thế nào.
Nhóm phóng viên BẠN ĐỌC