Một chủ hụi ở huyện Sơn Hòa bị vỡ hụi nên vừa là chủ nợ vừa là con nợ. Khi vụ việc xảy ra, các cơ quan tố tụng huyện Sơn Hòa xác định đây không phải là vụ án hình sự mà chỉ là quan hệ dân sự. Do quan hệ dân sự về huê hụi từ năm 1996 đến trước khi Bộ luật Dân sự năm 2005 có hiệu lực chưa có văn bản nào của các ngành cấp trên về giải quyết quan hệ này nên TAND huyện Sơn Hòa không giải quyết. Tuy nhiên, mới đây TAND huyện Sơn Hòa lại thụ lý vụ án dân sự “tranh chấp tiền hụi” giữa chủ hụi này với những người tham gia trong dây hụi trước đây. Trong khi đó, chủ hụi này đã khởi kiện những người khác tham gia trong dây hụi thì TAND TP Tuy Hòa không thụ lý giải quyết.
VỠ HỤI, VỪA LÀ CHỦ NỢ VỪA LÀ CON NỢ
Cách đây 4 năm, bà Nguyễn Thị Bê (49 tuổi, ở thị trấn Củng Sơn, huyện Sơn Hòa) đứng ra tổ chức đường dây chơi hụi. Theo trình bày của bà Bê, đường dây hụi do bà làm chủ có những người tham gia như các bà Võ Thị Đông, Cao Thị Loan, Cao Thị Hồng Trinh, Huỳnh Thị Ngân, Nguyễn Thị Lân, Lưu Thị Sen, Lê Thị Nga… Sau đó, bà Lưu Thị Sen, Nguyễn Thị Lân, Lê Thị Nga đồng hốt hụi với tổng số tiền là 112.530.000 đồng. Tuy nhiên đến hạn những người này không góp lại nên bà Bê không có tiền để trả cho những người khác khiến đường dây hụi bị vỡ nợ. Lúc đó, các bà Đông, Loan, Trinh, Ngân làm đơn tố cáo bà Bê đến Công an huyện Sơn Hòa. Cuộc họp liên ngành Viện KSND, TAND và Công an huyện Sơn Hòa ngày 15/5/2003 đã xác định số tiền bà Bê nợ bốn người tố cáo là 100 triệu đồng tiền hụi. Trong khi đó, một số người chơi hụi khác nợ bà Bê là 116.500.000 đồng. Công an huyện Sơn Hòa cho rằng, vụ việc chưa có dấu hiệu hình sự nên chuyển tòa án giải quyết dân sự, vì bà Bê vừa là nguyên đơn, vừa là bị đơn nên chưa thể coi bà Bê có hành vi chiếm đoạt tài sản. Viện KSND huyện Sơn Hòa đồng ý với quan điểm của Công an huyện Sơn Hòa chuyển hồ sơ sang tòa giải quyết vụ kiện dân sự. Tuy nhiên, TAND huyện Sơn Hòa cho rằng, vấn đề huê hụi từ năm 1996 đến nay (tức là vào thời điểm 15/5/2003 –PV), TAND cấp trên chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể nên tòa án không giải quyết dân sự.
TÒA NÀY THỤ LÝ, TÒA KIA KHÔNG (!?)
Đến tháng 5/2006, các bà Đông, Loan, Trinh, Ngân khởi kiện vụ việc trên đến TAND huyện Sơn Hòa. Ngày 22/5/2006, TAND huyện Sơn Hòa đã thụ lý vụ kiện “Tranh chấp tiền hụi” giữa các đồng nguyên đơn Cao Thị Hồng Trinh, Võ Thị Đông, Huỳnh Thị Ngân, Cao Thị Loan với bị đơn là vợ chồng bà Nguyễn Thị Bê và Huỳnh Cao Trí. Ngày 10/11/2006, TAND huyện Sơn Hòa quyết định đưa vụ án ra xét xử.
Trong khi đó, bà Bê khởi kiện bà Lưu Thị Sen ra TAND TP Tuy Hòa cũng về quan hệ tranh chấp tiền hụi (bà Sen có hộ khẩu thường trú ở TP Tuy Hòa nên thuộc thẩm quyền giải quyết của TAND TP Tuy Hòa-PV), nhưng TAND TP Tuy Hòa không thụ lý giải quyết. Công văn 221/VP-TA ngày 11/7/2006 của TAND TP Tuy Hòa đã căn cứ Nghị quyết 45/2005/QH 11 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua ngày 14/6/2005 nêu rõ: “Đối với giao dịch dân sự xác lập trước ngày Bộ luật Dân sự có hiệu lực được quy định: Những giao dịch được thực hiện xong trước ngày Bộ luật Dân sự có hiệu lực mà có tranh chấp xảy ra thì áp dụng Bộ luật Dân sự năm 1995 và các văn bản hướng dẫn áp dụng Bộ luật Dân sự năm 1995 để giải quyết. Như vậy, việc bà Bê khởi kiện bà Sen đã giao dịch trước khi Bộ luật Dân sự năm 2005 có hiệu lực, nhưng Bộ luật dân sự năm 1995 và các văn bản hướng dẫn khác không quy định về huê hụi nên TAND TP Tuy Hòa không thụ lý giải quyết”.
Tất cả các quan hệ dân sự được quy định trong Bộ luật Dân sự thì các tòa án trong cả nước đều phải áp dụng chung, song thực tế vụ tranh chấp tiền hụi xảy ra ở huyện Sơn Hòa mỗi tòa giải quyết theo một kiểu. Trong khi những người thực thi pháp luật của hai TAND huyện Sơn Hòa và TP Tuy Hòa vẫn chưa thông rõ quy định thì người dân làm sao hiểu nổi. Chúng tôi đề nghị TAND tỉnh Phú Yên và TAND tối cao có hướng dẫn cụ thể về giải quyết vụ tranh chấp tiền hụi này.
TỔ PHÓNG VIÊN NỘI CHÍNH