Sử dụng “doping” bị phạt 5-10 triệu đồng; gian lận, mua bán độ, mua trọng tài làm sai lệch kết quả thi đấu bị phạt 15-10 triệu đồng; hành hung trọng tài bị phạt 50-70 triệu đồng…
Hành vi mua kết quả, mua trọng tài... chưa đến mức truy cứu hình sự sẽ bị phạt tiền.
Đây là những quy định cụ thể trong Nghị định 37 vừa được Chính phủ ban hành về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thể dục, thể thao. Theo đó, các hình thức xử phạt hành chính được áp dụng với những hành vi vi phạm các quy định về quản lý nhà nước trong lĩnh vực thể dục thể thao do cá nhân, tổ chức thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý nhưng chưa đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự.
Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm bị áp dụng một trong các hình thức xử phạt hành chính là cảnh cáo hoặc phạt tiền. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính còn có thể bị áp dụng một hoặc các hình thức xử phạt bổ sung sau: Tước quyền sử dụng có thời hạn Giấy chứng nhận Huấn luyện viên, Giấy chứng nhận Trọng tài; tịch thu trang thiết bị, dụng cụ sử dụng, gây nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe người luyện tập, thi đấu thể thao hoặc mang tính chất đồi trụy, khiêu dâm, kích động trái với đạo đức, thuần phong mỹ tục của dân tộc.
Ngoài ra, người vi phạm còn có thể bị áp dụng các biện pháp khắc phục như buộc hủy bỏ kết quả tuyển chọn đối với hành vi gian lận về thành tích để chọn người vào đội tuyển, hủy bỏ kết quả phong cấp huấn luyện viên, trọng tài không đúng quy định…
Một số hành vi vi phạm được quy định mức phạt cụ thể trong Nghị định: Phạt tiền từ 5-10 triệu đồng đối với hành vi dùng chất kích thích bị cấm trong luyện tập, thi đấu. Đối với hành vi để vận động viên sử dụng chất kích thích sẽ bị phạt tiền từ 10 - 15 triệu đồng.
Sử dụng các bài tập, phương pháp luyện tập và thi đấu mang tính chất đồi trụy, khiêu dâm, kích động trái đạo đức hoặc gây nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe người luyện tập, thi đấu cũng chịu mức phạt đến 15 triệu đồng.
Đối với các hành vi gian lận về tên, tuổi trong hoạt động thể dục, thể thao; gian lận giới tính trong hoạt động thể dục, thể thao; gian lận khác về hồ sơ để tuyển chọn, thi đấu thể thao không thuộc quy định nên trên bị phạt tiền từ 5-10 triệu đồng.
Mức phạt 15-10 triệu đồng áp dụng cho hành vi làm sai lệch kết quả thi đấu. Hành vi gian lận về thành tích để tuyển chọn người vào đội tuyển thể thao, các trung tâm và trường năng khiếu thể dục, thể thao sẽ bị phạt tiền từ 20 - 30 triệu đồng.
Các hành vi bạo lực bị quy định mức phạt nặng hơn. Nghị định quy định mức phạt tiền từ 20 - 30 triệu đồng đối với một trong các hành vi đe dọa xâm phạm sức khỏe, uy tín, bí mật đời tư; đe dọa xâm phạm hoặc xâm phạm danh dự, nhân phẩm vận động viên, trọng tài, thành viên Ban tổ chức, người đang thi hành công vụ, huấn luyện viên, trưởng đoàn.
Đối với một trong các hành vi hành hung vận động viên, trọng tài, thành viên Ban tổ chức, người đang thi hành công vụ, huấn luyện viên, trưởng đoàn thì sẽ bị phạt tiền từ 30 - 40 triệu đồng.
Phạt tiền từ 40 - 50 triệu đồng đối với một trong các hành vi chơi thô bạo hoặc gây chấn thương đối thủ, hành vi quá khích hoặc lôi kéo nhóm người quá khích gây ảnh hưởng tới hoạt động và thi đấu thể thao.
Hành vi cố ý gây thương tích cho trọng tài chịu mức phạt cao nhất, lên tới 50 - 70 triệu đồng.
Tuy nhiên, Thanh tra Văn hóa - Thể thao và Du lịch chỉ được phạt tiền đến 500.000đ. Chánh Thanh tra Sở có thể ra quyết định phạt đến 30 triệu đồng. Chánh Thanh tra Bộ mới có thể phạt tiền đến mức tối đa theo quy định.
Quy định sẽ được áp dụng từ 20/6/2012.
Theo DTO