Thứ Năm, 28/11/2024 07:48 SA
Kháng nghị do áp dụng sai luật
Thứ Bảy, 21/04/2012 14:00 CH

Viện KSND tỉnh Phú Yên vừa ký quyết định kháng nghị bản án dân sự sơ thẩm của TAND huyện Tuy An do vi phạm về áp dụng pháp luật trong việc giải quyết vụ kiện dân sự “Tranh chấp tài sản thừa kế” giữa nguyên đơn là bà Trần Thị Bảy và bị đơn là bà Trần Thị Biện. Cả hai đều trú tại xã An Mỹ (huyện Tuy An). Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong vụ việc này là Trần Văn Nam (trú phường Hòa Bình, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai).

 

TÓM TẮT BẢN ÁN

 

Bản án dân sự sơ thẩm số 34/2011/DSST ngày 30/12/2011 của TAND huyện Tuy An chấp nhận yêu cầu khởi kiện chia thừa kế theo pháp luật của nguyên đơn là bà Trần Thị Bảy. Đồng thời, bản án giao cho bà Trần Thị Bảy sử dụng diện tích đất 168m2 ở phía tây khu đất thuộc bản đồ số 7, thửa đất số 1142 tại thôn Phú Long, xã An Mỹ (huyện Tuy An), giao cho bà Trần Thị Biện quyền sở hữu ngôi nhà cấp 4 diện tích 54m2 và quyền sử dụng diện tích đất 536m2 còn lại thuộc thửa 1142, tờ bản đồ số 7 cùng với giếng nước là các di sản của vợ chồng cụ Trần Dặn, có giá trị 1,34 tỉ đồng Bà Biện có nghĩa vụ thanh toán giá trị chênh lệch tài sản được nhận thừa kế cho ông Nam hơn 581 triệu đồng và cho bà Bảy 151 triệu đồng. Ngoài ra, bản án còn quyết định về án phí sơ thẩm, quyền kháng cáo và nghĩa vụ thi hành án của các đương sự.

 

ÁP DỤNG SAI LUẬT NÊN KHÁNG NGHỊ

 

Sau khi nghiên cứu bản án sơ thẩm và hồ sơ vụ việc, Viện KSND tỉnh Phú Yên nhận thấy: “Vợ chồng cụ Trần Dặn và cụ Huỳnh Thị Hái có một người con đẻ là bà Trần Thị Biện và hai người con nuôi là bà Trần Thị Bảy và ông Trần Văn Nam. Cụ Hái mất năm 2004 và cụ Dặn mất năm 2006, để lại tài sản thừa kế là ngôi nhà cấp 4 có diện tích 54m2 trên thửa đất số 1142 tờ bản đồ số 7 thuộc thôn Phú Long.

 

Theo bị đơn Trần Thị Biện trình bày thì khi còn sống, cụ Dặn và cụ Hái đã lập di chúc được UBND xã An Mỹ chứng thực ngày 27/3/2001, nội dung là để lại cho bà toàn bộ di sản. Bà Biện yêu cầu tòa án giải quyết cho bà được hưởng tài sản thừa kế theo di chúc.

 

Còn theo nguyên đơn Trần Thị Bảy thì bản di chúc trên không hợp pháp, vì di chúc không đề ngày, tháng. Đồng thời, bà Biện là người đem di chúc đến chính quyền chứng thực chứ không phải do cụ Dặn, cụ Hái đem đi chứng thực. Do đó, bà yêu cầu tòa án chia tài sản thừa kế theo pháp luật.

 

Qua kiểm sát bản án, Viện KSND tỉnh Phú Yên xét thấy: “Trong quá trình lập hồ sơ giải quyết vụ án, TAND huyện Tuy An xác định khối tài sản thừa kế và tiến hành định giá ngày 11/5/2011 là tổng diện tích 704m2, trong đó: 200m2 đất ở và 504m2 đất vườn liền kề, nhưng không nêu số hiệu thửa đất. Bên cạnh đó, thửa đất số 1142, tờ bản đồ số 7 có diện tích 200m2 đất ở theo giấy cấp đất ngày 21/01/1998, còn 504m2 đất vườn liền kề là của ai, do ai quản lý chưa được làm rõ trong hồ sơ. Ngoài ra, TAND huyện Tuy An còn tính giá trị quyền sử dụng đất cho cả đất ở và đất vườn liền kề cùng giá 1,2 triệu đồng/m2 là trái với quy định về khung giá đất năm 2011 trên địa bàn tỉnh Phú Yên. Do đó, bản án dân sự sơ thẩm của Tòa án huyện Tuy An quyết định chia tài sản thừa kế quyền sử dụng đất với diện tích 704m2 là chưa có căn cứ, vi phạm nghiêm trọng pháp luật đất đai và pháp luật dân sự.

 

Về việc áp dụng pháp luật, do cụ Huỳnh Thị Hái mất năm 2004, cụ Trần Dặn mất năm 2006, nên tòa án xét xử không chấp nhận bản di chúc được UBND xã An Mỹ chứng thực ngày 27/3/2001 và tiến hành chia tài sản thừa kế theo pháp luật. Tuy nhiên, lẽ ra tòa án áp dụng các điều 655, 656, Bộ luật Dân sự năm 1995 để tuyên bố không công nhận hiệu lực của di chúc và áp dụng các quy định của Bộ luật Dân sự năm 2005 để chia di sản thừa kế theo pháp luật, đằng này lại áp dụng các quy định của Bộ luật Dân sự năm 1995 để chia tài sản thừa kế, là sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật.

 

Để đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, bảo đảm sự tuân thủ nghiêm minh pháp luật, Viện KSND tỉnh Phú Yên đã kháng nghị bản án dân sự sơ thẩm của TAND huyện Tuy An để xét xử theo thủ tục phúc thẩm, theo hướng hủy bản án sơ thẩm trên để giải quyết lại theo đúng quy định của pháp luật.

 

LỆ VĂN

Di sản thừa kế là tài sản của người chết để lại cho người còn sống

 

Di sản thừa kế là tài sản của người chết để lại cho người còn sống. Di sản bao gồm tài sản riêng của người chết, phần tài sản của người chết trong tài sản chung với người khác. Di sản thừa kế có thể là hiện vật, tiền, giấy tờ trị giá được thành tiền, quyền tài sản thuộc sở hữu của người để lại di sản.

 

Thừa kế di sản thừa kế là quyền lợi hợp pháp của người thừa kế (thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật). Tuy nhiên trong nhiều trường hợp việc phân chia di sản nảy sinh mâu thuẫn giữa những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến việc phân chia di sản dẫn đến tranh chấp.

 

Theo quy định của pháp luật, tranh chấp di sản thừa kế bao gồm tranh chấp buộc người thừa kế thực hiện nghĩa vụ về tài sản do người chết để lại, thanh toán các khoản chi từ di sản hoặc yêu cầu chia di sản thừa kế (theo di chúc hoặc theo pháp luật), xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác.

Luật sư NGUYỄN HƯƠNG QUÊ (Đoàn Luật sư tỉnh Phú Yên)

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek