Đối với Phòng Cảnh sát Thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp (PC81) Công an Phú Yên, công tác quản lý, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù vô cùng quan trọng. Trao đổi với Báo Phú Yên về vấn đề này, thượng tá Nguyễn Văn Dũng, Trưởng phòng PC81 cho biết:
Những người mãn hạn tù khi được đặc xá rất cần sự trợ giúp của cộng đồng khi về địa phương - Ảnh: L.VĂN
Theo thống kê, riêng năm 2011, trên địa bàn tỉnh đã có 142 người đang chấp hành phạt tù được đặc xá trở về cư trú tại địa phương, trong đó có 113 người có việc làm ổn định.
* Thời gian qua, tình trạng tái phạm của người chấp hành xong án phạt ở mức cao, khiến dư luận hết sức lo lắng, đâu là nguyên nhân của tình trạng này?
- Con số tái phạm bình quân ở tỉnh Phú Yên không cao so với các tỉnh, thành khác trong cả nước. Tuy nhiên, những tội như trộm cắp, lừa đảo, cướp giật thường có nguy cơ tái phạm rất cao. Còn các loại tội phạm khác đặc biệt là kinh tế thì tình trạng tái phạm ít hơn, do họ có điều kiện tái hòa nhập cộng đồng tốt hơn. Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng tôi nghĩ chúng ta chưa làm tốt công tác tăng cường phòng ngừa tái phạm của tội phạm mãn hạn tù. Theo tôi, không có phòng ngừa nào tốt bằng phòng ngừa từ chính các đối tượng có tiền án, tiền sự, bởi tỉ lệ tái phạm của các đối tượng này khá cao. Nếu phòng ngừa được các đối tượng này sẽ làm giảm đáng kể số lượng, cũng như tính chất của tội phạm trong xã hội.
* Khó khăn lớn nhất của người chấp hành án phạt tù là khi trở về địa phương khó tìm việc làm và bị người khác kỳ thị đối xử. Vậy giải pháp nào để khắc phục tình trạng này, thưa thượng tá?
- Thực hiện sự chỉ đạo của Giám đốc Công an tỉnh, Phòng PC 81 đang tiến hành xây dựng đề án trình UBND tỉnh thành lập quỹ hoàn lương, nhằm giúp người chấp hành án trở về địa phương có thể dễ dàng hơn trong tái hòa nhập cộng đồng. Tuy nhiên, trước mắt các hội, đoàn thể cần phải chung tay và tạo ra môi trường thuận lợi nhất định để giúp người mãn hạn tù được hòa nhập cộng đồng, trong đó quan tâm giải quyết việc làm ổn định. Bên cạnh đó, tổ chức biểu dương, nhân rộng những người mãn hạn tù biết vươn lên trong cuộc sống, tham gia tốt các hoạt động xã hội, qua đó tiếp thêm nghị lực sống, giúp họ vượt qua những mặc cảm, tiếp tục hòa nhập cộng đồng, tìm lại mình và làm mới lại mình… Ngoài các giải pháp của các cơ quan Nhà nước triển khai, cộng đồng xã hội cũng cần có một cái nhìn yêu thương, bao dung và rộng mở đón nhận những người lầm lỗi trở về để họ có điều kiện hoàn lương, trở thành công dân tốt.
* Xin cảm ơn thượng tá!
LỆ VĂN (thực hiện)