Gia đình ông Đặng Văn Vinh có đám rẫy trồng sắn tại buôn Zô, xã Ea Ly, huyện Sông Hinh liền kề với trang trại chăn nuôi bò của ông Nguyễn Xuân Sơn. Nhiều lần rẫy sắn của ông Vinh bị bò của ông Sơn sang ăn, trong khi đó ông Sơn lại có 1 con bò bị ai đó chặt chân. Vì vậy, giữa ông Vinh và ông Sơn nảy sinh nghi ngờ, mâu thuẫn. Khoảng 16g ngày 11/5/2008, thấy đàn bò của ông Sơn tiếp tục ăn sắn nên ông Vinh gọi con ruột là Đặng Anh Quốc (SN1984) đuổi bò ra. Quốc cầm dao phay đuổi bò, cùng lúc đó, ông Sơn đi đến. Hai người lời qua tiếng lại, thấy Quốc cầm dao chui qua hàng rào đi đến, ông Sơn liền lấy hai đoạn cây thường dùng để đuổi bò đánh Quốc trúng đầu và cổ. Quốc liền dùng dao chém hai nhát vào đầu ông Sơn gây thương tích 19%.
Tại phiên tòa xét xử sơ thẩm mới đây, TAND huyện Sông Hinh nhận định: Đặng Anh Quốc chém bị hại bằng dao là hung khí nguy hiểm nên cáo trạng của VKSND huyện Sông Hinh truy tố bị cáo về tội cố ý gây thương tích theo quy định tại khoản 2 Điều 104 Bộ luật Hình sự là có căn cứ. Xét nguyên nhân dẫn đến vụ việc là do bị hại để bò phá sắn và dùng cây đánh bị cáo trước, nên bị cáo phạm tội thuộc trường hợp bị kích động về tinh thần do hành vi trái pháp luật của bị hại. Tại phiên tòa, bị cáo đã thành khẩn khai báo, gia đình tự nguyện nộp bồi thường tại Chi cục Thi hành án 654.000 đồng, nên bị cáo được hưởng các tình tiết giảm nhẹ. Do đó, bị cáo bị xử phạt mức án dưới mức thấp nhất của khung hình phạt. Về nhân thân, ngày 14/3/2003 bị cáo bị TAND huyện Tuy Hòa xử phạt 6 tháng tù về tội trộm cắp tài sản, đã chấp hành xong hình phạt tù nhưng đến ngày 20/7/2006 bị cáo mới nộp tiền án phí nên tính đến ngày phạm tội mới bị cáo chưa được xóa án. Tuy nhiên, xét bị cáo đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ công dân, từ tháng 2/2004 đến tháng 1/2006 bị cáo làm nghĩa vụ quân sự và được xuất ngũ; bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ, không có tình tiết tăng nặng, có nơi cư trú ổn định, rõ ràng nên không cần thiết phải cách ly bị cáo ra khỏi xã hội như kiểm sát viên đã đề nghị tại phiên tòa cũng đủ tác dụng giáo dục riêng và phòng ngừa chung. Từ đó, TAND huyện Sông Hinh đã tuyên phạt bị cáo Đặng Anh Quốc 1 năm 6 tháng tù nhưng cho hưởng án treo.
Không đồng ý với việc xét xử của Tòa án, VKSND huyện Sông Hinh đã kháng nghị vụ án theo thủ tục phúc thẩm. Theo đó, bản án sơ thẩm tuyên phạt bị cáo Quốc dưới mức thấp nhất của khung hình phạt là trái với quy định. Vì tại phiên tòa, bị cáo không thừa nhận hành vi phạm tội nên không được hưởng tình tiết giảm nhẹ thành khẩn khai báo. Bị cáo chỉ có một tình tiết giảm nhẹ là phạm tội thuộc trường hợp bị kích động về tinh thần do hành vi trái pháp luật của bị hại, nên không thể áp dụng Điều 47 Bộ luật Hình sự để xử dưới khung. Đặc biệt, bị cáo có một tiền án chưa được xóa án tích, lại phạm tội mới là phạm tội thuộc trường hợp tái phạm, nhưng bản án sơ thẩm lại nhận định bị cáo không có tình tiết tăng nặng là sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật. Hơn thế, việc tòa án cho bị cáo hưởng án treo là trái với quy định tại Điều 60 Bộ luật Hình sự và nghị quyết của Hội đồng thẩm phán TANDTC: “Chỉ cho người bị xử phạt tù hưởng án treo khi có đủ các điều kiện sau đây: …Có nhân thân tốt được chứng minh là ngoài lần phạm tội này họ luôn chấp hành đúng chính sách, pháp luật, thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của công dân; chưa có tiền án, tiền sự. Có từ hai tình tiết giảm nhẹ trở lên và không có tình tiết tăng nặng, trong đó có ít nhất một tình tiết giảm nhẹ. Trường hợp vừa có tình tiết giảm nhẹ, vừa có tình tiết tăng nặng thì tình tiết giảm nhẹ phải nhiều hơn tình tiết tăng nặng từ hai tình tiết trở lên…”. Bên cạnh đó, việc bản án sơ thẩm nhận định: “Không cần thiết phải cách ly bị cáo ra khỏi xã hội như kiểm sát viên đã đề nghị tại phiên tòa” là không chính xác, vì tại phiên tòa, kiểm sát viên đã đề nghị xử phạt bị cáo từ 2 năm đến 2 năm 6 tháng tù.
Từ đó, VKSND huyện Sông Hinh đề nghị TAND tỉnh Phú Yên xét xử phúc thẩm tăng hình phạt và không cho bị cáo Đặng Anh Quốc hưởng án treo.
TRẦN BẢO