Tình trạng một bộ phận học sinh trên địa bàn tỉnh vi phạm pháp luật như: giết người, trộm cắp tài sản, cố ý gây thương tích, vi phạm giao thông… có chiều hướng gia tăng. Giải pháp nào để ngăn chặn tình trạng này?
Đứng trước vành móng ngựa là một học sinh, bị TAND tỉnh xử phạt 10 năm tù về tội giết người - Ảnh: V.TÀI
NHỮNG VỤ ÁN ĐAU LÒNG!
Gần hai tuần qua, nhiều người dân ở phường 9 (TP Tuy Hòa) chưa hết bàng hoàng khi chứng kiến cảnh giải quyết mâu thuẫn của những sinh viên Trường cao đẳng Công nghiệp Tuy Hòa. Chiều 4/10, nghi ngờ bạn gái mình có tình cảm với một người khác, nên Đào Văn Tuấn (SN 1991, trú thị xã Cam Ranh, Khánh Hòa) gọi điện thoại cho “tình địch” là Nguyễn Duy Luân (SN 1993) sinh viên cùng trường để hỏi chuyện. Lúc này, Luân cũng khẳng định mình đang yêu D, nên giữa hai người đã cãi nhau. Tưởng chừng sự việc chỉ dừng lại ở đó, nhưng tối cùng ngày, Luân rủ Nguyễn Văn Dàn (SN 1993, sinh viên cùng trường) và sáu người bạn đến phòng trọ của Tuấn để “hỏi tội”. Tới nơi, Dàn xông vào đánh khiến Tuấn hoảng sợ bỏ chạy và hô cứu. Thấy bạn gặp chuyện, nên sinh viên Bùi Thái Đạt (SN 1990, trú xã An Hiệp, huyện Tuy An) ở cùng khu nhà trọ cầm dao đâm trúng ngực Dàn, khiến nạn nhân gục tại chỗ. Dù được mọi người đưa đi cấp cứu, nhưng do vết thương quá nặng Dàn tử vong. Riêng Đạt, gây án xong đã lẩn trốn tại nhà người quen ở TP Tuy Hòa và bị bắt giữ ngay sau đó.
Trước đó, ngày 30/8, Công an huyện Đồng Xuân đã tiến hành bắt khẩn cấp bốn “sát thủ học trò” gây ra hàng loạt vụ án trong thời gian ngắn, gồm: Nguyễn Tường Nghiêm (SN 1995); Võ Quốc Trí, Phan Ngọc Đệ, Nguyễn Kim Điện (cùng SN 1994). Cả bốn đối tượng đều trú xã Xuân Phước (huyện Đồng Xuân) và là học sinh Trường cấp 2-3 Xuân Phước. Theo điều tra ban đầu, lúc 22g ngày 12/8, Trình Văn Giang (SN 1987, trú xã Xuân Quang 3, huyện Đồng Xuân) đi chơi trên đường liên xã, bất ngờ bị bốn thanh niên bịt mặt chạy hai xe máy ném đá gây chấn thương nặng vùng đầu. Sau đó, cũng trên đoạn đường liên thôn này, anh Võ Hùng Lợi (SN 1986) bị bốn đối tượng đi xe máy đánh gây thương tích. Chưa dừng lại ở đó, nhóm thanh niên này còn dùng gậy đánh anh Nguyễn Thành Chung (SN 1979, ở thị trấn La Hai), khiến anh Chung tử vong trên đường đi cấp cứu...
Thông tin nhóm thanh niên gây án hàng loạt trong đêm tối đã khiến người dân vùng quê vốn yên bình trở nên lo lắng, không ai dám ra đường vào ban đêm. Ngay sau khi vụ việc xảy ra, Công an huyện Đồng Xuân lập án đấu tranh, huy động lực lượng phối hợp công an các xã để truy tìm thủ phạm. Sau hơn hai tuần khẩn trương truy xét, sàng lọc đối tượng, các trinh sát đã tóm gọn nhóm “sát thủ học trò” này để đưa ra xét xử theo đúng quy định của pháp luật.
Không chỉ dừng lại ở việc đánh nhau gây thương tích, nhiều vụ án đặc biệt nghiêm trọng dẫn đến chết người, một bộ phận học sinh còn phạm tội trộm cắp tài sản, vi phạm giao thông.
ĐÂU LÀ NGUYÊN NHÂN?
Hơn 30 năm đứng trên bục giảng, vừa tham gia công tác Hội thẩm nhân dân (Tòa án nhân dân tỉnh), thầy Huỳnh Trung Kiên (giáo viên Trường THPT Nguyễn Huệ) không ít lần tham gia xét xử những vụ án học sinh vi phạm pháp luật. Thầy Kiên cho biết, rất đau lòng trước hình ảnh một học sinh, sinh viên phải sớm vào vòng lao lý vì đã gây nên tội lỗi. Thầy Kiên cho rằng, nguyên nhân dẫn đến tình trạng một bộ phận học sinh vi phạm pháp luật là do bị ảnh hưởng bởi các cảnh bạo lực trên internet, phim ảnh và lối sống thực dụng. Nhiều học sinh, sinh viên đắm chìm trong thế giới game online với các pha đâm chém, bắn giết dã man. Từ thế giới ảo đó, các em đem áp dụng trong cuộc sống thật. Quan trọng hơn, có trường hợp không có được điểm tựa vững chắc là gia đình. Nhiều bậc cha mẹ hầu như phó thác trách nhiệm quản lý, giáo dục con em mình cho nhà trường. Họ chỉ nghĩ đến việc làm sao kiếm nhiều tiền mà quên đi trách nhiệm của bậc làm cha, làm mẹ.
Bên cạnh đó, cũng cần phải nhắc đến bệnh thành tích trong giáo dục. Để được khen thưởng, một số trường không xử lý nghiêm học sinh, sinh viên vi phạm, không kịp thời thông báo cho gia đình, cơ quan chức năng để có biện pháp ngăn chặn. Mặt khác, vai trò phối hợp quản lý, giáo dục giữa các đoàn thể ở địa phương và tổ chức Đoàn, Đội trong trường học chưa thật sự chặt chẽ, đồng bộ. Nhiều chương trình phối hợp giữa các cơ quan, đoàn thể và nhà trường được thông qua, nhưng chỉ thực hiện tốt trong thời gian đầu. Sau đó, mọi chuyện đâu lại vào đấy. Tình trạng học sinh ra khỏi trường là phì phèo khói thuốc, điều khiển mô tô phân khối lớn, vô tư vượt đèn đỏ, chở ba, bốn… là một minh chứng cụ thể cho thực trạng này.
CẦN GIẢI PHÁP ĐỒNG BỘ
Mới đây, trong một cuộc họp liên ngành giữa Công an, Viện KSND, TAND tỉnh, nhiều đại biểu nhận định: Gần đây, tình trạng học sinh vi phạm pháp luật có chiều hướng gia tăng. Có những học sinh vi phạm trong độ tuổi chưa thành niên, đang học THCS, nên rất khó xử lý hình sự. Để ngăn chặn tình trạng này, có đại biểu cho rằng, điều quan trọng nhất là phải có sự phối hợp đồng bộ giữa gia đình, nhà trường và các hội, đoàn thể, trong đó gia đình đóng vai trò then chốt. Thực tế cho thấy, học sinh, sinh viên nào được sự quan tâm chăm sóc từ cha mẹ sẽ luôn có cách giải quyết các mối quan hệ xã hội tốt hơn so với những người khác. Bên cạnh đó, muốn giáo dục tốt con em, cha mẹ luôn là tấm gương sáng để các em noi theo; nhà trường và các cấp chính quyền địa phương cần tạo ra nhiều sân chơi lành mạnh để giúp các em thư giãn, có điều kiện giao lưu, học hỏi lẫn nhau, nhất là tổ chức giáo dục kỹ năng sống cho các em ở từng cấp học, hướng các em đến các hoạt động xã hội, góp phần đẩy lùi các hiện tượng tiêu cực.
Ông Lương Văn Trương, Giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh cho biết: Công tác tư vấn, tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật nhằm giúp học sinh nâng cao nhận thức pháp luật là một nhu cầu cấp thiết. Trong thời gian đến, Trung tâm sẽ phối hợp với các ban, ngành liên quan để tăng cường hơn nữa công tác này. Qua đó, giúp các em nhận thức các hành vi vi phạm pháp luật. Để đưa kiến thức pháp luật vào học đường rất cần có sự phối hợp giữa các cơ quan, ban, ngành và các trường. Có như vậy, mới hy vọng ngăn chặn và tiến tới giảm thiểu các vụ việc vi phạm pháp luật của học sinh, sinh viên.
VĂN TÀI