Thường trực HĐND tỉnh Phú Yên đang tiến hành giám sát về tình hình thực hiện pháp luật về phí, lệ phí và các khoản đóng góp của người dân trên địa bàn tỉnh. Kết quả kiểm tra, giám sát tại một số địa phương, cho thấy công tác này còn nhiều tồn tại, cần phải có giải pháp tháo gỡ…
Đoàn giám sát Thường trực HĐND tỉnh làm việc với UBND xã Ea Ly (huyện Sông Hinh) - Ảnh: V.TÀI
NHIỀU BẤT CẬP!
Thời gian qua, nhiều tổ dân phố trên địa bàn TP Tuy Hòa thường cắt cử người tới từng nhà dân để thu các loại phí, quỹ đóng góp, nhưng mỗi nơi mỗi khác: có phường chỉ thu tiền an ninh quốc phòng, có phường thu thêm các loại phí khác… Tuy mỗi loại phí chỉ vài chục ngàn đồng/hộ/năm hoặc 4.000-5.000đồng/người/năm, nhưng cộng tất cả các khoản đóng góp thì hộ nào cũng phải bỏ ra trên 100.000 đồng/năm. Các loại phí như an ninh quốc phòng, phòng chống lụt bão, bảo trợ trẻ em, xóa đói giảm nghèo… chỉ là các loại quỹ vận động đóng góp tự nguyện của người dân, không phải là các khoản phí bắt buộc theo danh mục các loại phí mà Chính phủ quy định tại Nghị định 24/2006/NĐ-CP. Nhiều người dân bày tỏ ý kiến bức xúc về các khoản phí, lệ phí và các khoản đóng góp của họ là quá nhiều, trong khi mức thu nhập còn thấp, không ổn định, đời sống còn khó khăn. Họ cho rằng không hề biết các loại phí, quỹ mà phường thu là khoản đóng góp tự nguyện, vì năm nào cũng “bị” tổ dân phố đến thu, hộ nào cũng buộc phải đóng theo mức như nhau.
Không những thế, hiện nay một số người dân khi đến UBND các xã, phường, thị trấn làm các thủ tục đăng ký kết hôn, khai sinh, khai tử, cấp chứng minh nhân dân, hộ khẩu… vẫn bị cơ quan có thẩm quyền thu lệ phí 5.000 đồng/bản. Nhiều người làm thủ tục đăng ký hộ khẩu, đăng ký kết hôn cũng bị thu phí từ 5.000-15.000 đồng/lần.
Theo Chỉ thị 24 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định 2091 của Bộ Tài chính, người dân được miễn bốn loại phí sau: Miễn toàn bộ hai loại phí an ninh, trật tự và phí phòng chống thiên tai của cá nhân, tổ chức. Miễn lệ phí hộ tịch, hộ khẩu, chứng minh nhân dân khi đăng ký lần đầu, cấp mới, thay mới theo quy định của Nhà nước gồm: khai sinh, kết hôn, khai tử, thay đổi cải chính hộ tịch cho người dưới 14 tuổi, bổ sung hộ tịch, cấp sổ hộ khẩu gia đình, chứng nhận nhân khẩu tập thể, giấy đăng ký tạm trú có thời hạn cấp CMND. Hộ gia đình, cá nhân ở nông thôn (hoặc sản xuất kinh doanh nông lâm ngư nghiệp) được miễn lệ phí địa chính khi cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Buổi làm việc của Đoàn giám sát Thường trực HĐND tỉnh với UBND xã Ea Ly (huyện Sông Hinh) “phát lộ” nhiều bất cập cần phải khắc phục, chấn chỉnh. Cụ thể, tại địa phương này, khi thu phí đối với hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất đối với các cá nhân, tổ chức thì UBND xã cứ tính bình quân 50.000đồng/giấy chuyển nhượng là không đúng theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, tình trạng thu phí cấp bản sao từ bản gốc, lệ phí chứng thực bản sao từ bản chính cũng tính bình quân 5.000 đồng/lần, như vậy là trái theo nghị quyết của HĐND tỉnh. Vì vậy, trong nhiều năm qua, người dân ở xã Ea Ly đã bị thu “oan” các loại phí, lệ phí mà đáng lẽ họ chỉ đóng theo đúng quy định.
Không những thu phí sai theo quy định của pháp luật, nhiều địa phương còn sử dụng nguồn thu phí và lệ phí một cách thiếu rõ ràng, minh bạch. Đơn cử, UBND xã Hòa Xuân Đông (huyện Đông Hòa), từ năm 2010 và 6 tháng đầu năm 2011, đã thu của người dân các khoản hơn 1,4 tỉ đồng, nhưng chỉ mới nộp vào Kho bạc Nhà nước huyện Đông Hòa 428 triệu đồng. Số tiền còn lại vẫn đang bị chiếm dụng và chưa thực hiện đúng theo nguyên tắc kế toàn tài chính. Hoặc tại xã Xuân Thịnh (TX Sông Cầu), trong quá trình huy động các khoản đóng góp tự nguyện của nhân dân để xây dựng lưới điện Từ Nham, do chủ quan, thiếu tinh thần trách nhiệm và nhận thức không đầy đủ về chế độ, chính sách của Nhà nước nên Ban nhân dân thôn Từ Nham đã vi phạm quy chế về tổ chức huy động, quản lý và sử dụng nguồn thu, dẫn đến sai phạm, tham ô số tiền hơn 27 triệu đồng từ nguồn đóng góp của người dân!
LÀM GÌ ĐỂ GIẢM GÁNH NẶNG PHÍ, LỆ PHÍ CHO DÂN?
Trước tình trạng người dân phải chịu quá nhiều khoản phí, lệ phí, các khoản đóng góp tràn lan, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 24/2007/CT-TTg yêu cầu các địa phương bãi bỏ ngay những khoản thu không có trong danh mục quy định. Chỉ thị 24 nêu rõ: “Đối với các khoản huy động đóng góp tự nguyện để xây dựng cơ sở hạ tầng, huy động đóng góp mang tính chất xã hội, từ thiện phải thực hiện theo đúng nguyên tắc tự nguyện. HĐND, UBND các cấp không được ra văn bản bắt buộc đóng góp, không được giao chỉ tiêu huy động cho cấp dưới, không gắn việc huy động đóng góp với việc cung cấp các dịch vụ công mà người dân được hưởng”. Bên cạnh đó, để sửa đổi bất hợp lý trong việc thu phí đối với các công việc mà các cơ quan Nhà nước có nghĩa vụ phải lo cho người dân (đăng ký khai sinh, khai tử, làm chứng minh nhân dân…). Tuy nhiên, đã nhiều tháng qua, bên cạnh việc tiếp tục phải đóng các khoản phí, quy không có trong danh mục được thu thì người dân vẫn đang bị thu những khoản phí, lệ phí trái quy định một cách khó hiểu với những khoản mà nhiều nơi khác đã bãi bỏ theo Chỉ thị 24: lệ phí khai sinh, kết hôn, đăng ký chứng minh nhân dân, làm sổ hộ khẩu gia đình.
Theo đồng chí Nguyễn Hữu Hiệp, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó chủ tịch HĐND tỉnh, trong thời gian qua, nhiều địa phương nôn nóng trong phát triển kinh tế, trong khi nguồn lực có hạn nên đã tự đặt ra các khoản thu nhưng chưa được sự đồng thuận của nhân dân. Thường trực yêu cầu HĐND, UBND các xã, phường, thị trấn cần xem xét, rà soát các khoản thu của dân để có biện pháp xử lý theo hướng hạn chế hoặc hủy bỏ các khoản đóng góp chưa được sự đồng thuận cao hoặc gây ảnh hưởng đến đời sống nhân dân. Đồng thời, các địa phương cũng cần phải chấn chỉnh ngay việc thực hiện các thủ tục hành chính kèm theo điều kiện bắt buộc nhân dân phải nộp các khoản thu phí, lệ phí. Đồng chí Nguyễn Hữu Hiệp nói: “Tôi đề nghị đại biểu HĐND tỉnh có kế hoạch giám sát chính quyền các địa phương trong việc đề ra các khoản đóng góp ngoài phí và lệ phí, cũng như việc sử dụng tiền đóng góp đó”.
VĂN TÀI