Tình trạng người dân kéo đến khu vực núi Hòn Mò O thuộc xã Đức Bình Tây, huyện Sông Hinh để khai thác vàng trái phép đã khiến tình hình an ninh trật tự ở đây hết sức phức tạp. Đang vào mùa mưa, các đường hầm khai thác vàng trái phép có khả năng bị sập bất cứ lúc nào.
Khu vực mỏ vàng Hòn Mò O, xã Đức Bình Tây (Sông Hinh) đang bị những người khai thác vàng trái phép đào bới nát. - Ảnh: A.NGỌC
BẤT CHẤP HIỂM NGUY
Khoảng 2 tháng trở lại đây, tại khu vực núi Hòn Mò O (địa phương gọi là Hòn O) mỗi ngày có khoảng 30 - 40 người, chủ yếu là dân địa phương vào khai thác vàng trái phép. Để khai thác được vàng, những người đào vàng phải chui vào một trong hai đường hầm đào sẵn trước đây của các đơn vị khảo sát thăm dò để lại, đã xuống cấp. Hầm rộng khoảng 0,8m, cao đụng đầu người lớn. Theo những người từng khai thác vàng ở đây, chỉ cần mang được một bao đất đá từ trong hầm ra thì cầm chắc trong tay 0,5 - 1 chỉ vàng. Chính vì vậy mà nhiều người đã bất chấp nguy hiểm và sự ngăn chặn của chính quyền địa phương đến khu vực nay để khai thác vàng, khiến tình hình an ninh trật tự ở khu vực này càng thêm phức tạp.
Sau khi phát hiện có người đào đãi vàng trái phép, UBND xã Đức Bình Tây đã cho lấp hai miệng hầm này lại và cử lực lượng bảo vệ canh giữ. Chúng tôi có mặt tại miệng hầm phía tây của Hòn Mò O và chứng kiến miệng hầm đã bị những người đào đãi vàng trái phép khai thông trở lại. Miệng hầm chỉ bằng một người chui lọt, đi sâu vào bên trong một đoạn thì khum người mới đi được và chứng kiến cảnh hàng chục giỏ đựng thức ăn, nước uống và cả bao tải dùng để vận chuyển đất đá trong hầm ra… treo trên vách, cách miệng hầm chừng 15m. Biết bên trong hầm có người đang khai thác vàng, nhưng chúng tôi không đủ can đảm đi vào sâu hơn và đành quay ra. Theo UBND xã Đức Bình Tây, hiện nay hai đường hầm này không chỉ là một đường thẳng được nâng đỡ bởi những thanh gỗ như trước đây, ở cuối các đường hầm những người khai thác vàng trái phép đã đào nhiều đường, tạo thành nhiều ngóc ngách khác nhau. Hiện nay đang đầu mùa mưa, trong khi đường hầm này quá cũ, hơn nữa những ngóc ngách mới phát sinh không có gỗ chằng chống, nâng đỡ nên nguy cơ sập hầm rất có thể xảy ra…
XÃ “BÓ TAY”, HUYỆN KIẾN NGHỊ
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, mỏ vàng Hòn Mò O bắt đầu khảo sát và thăm dò trữ lượng từ năm 1993. Trong quá trình khảo sát thăm dò, đơn vị thi công đã để lại hai đường hầm xuyên qua núi Hòn Mò O, mỗi hầm dài khoảng 50m. Năm 1995, sau khi kết thúc khảo sát thì hai miệng hầm này được lấp lại. Đến tháng 9/2009, UBND tỉnh có thông báo thỏa thuận địa điểm lập dự án đầu tư khai thác và chế biến vàng Hòn Mò O đối với Công ty Liên doanh khoáng sản Chúng Thao Hằng Tân thì hai miệng hầm này được đào trở lại. Tuy nhiên, đến nay công ty này vẫn chưa được UBND tỉnh cấp giấy phép khai thác nên không thể triển khai khai thác vàng tại khu vực này. Ông Phạm Văn Bình, Chủ tịch UBND xã Đức Bình Tây, cho biết: “Sau khi phát hiện người dân khai thác vàng trái phép ở khu vực Hòn Mò O, UBND xã đã báo cáo UBND huyện Sông Hinh, đồng thời ra chỉ thị nghiêm cấm việc khai thác vàng trái phép ở đây. Hàng ngày, UBND xã cử hai cán bộ vào khu vực này để canh giữ, thế nhưng tình hình ngày càng phức tạp vì những người khai thác vàng trái phép đã chuyển sang khai thác ban đêm”.
Ông Trần Thanh Định, Phó chủ tịch UBND huyện Sông Hinh, cho biết: “Sau khi UBND xã Đức Bình Tây báo cáo tình hình trên, UBND huyện đã chỉ đạo các cơ quan có liên quan của huyện phối hợp với xã tăng cường các biện pháp bảo vệ khu vực Hòn Mò O, đồng thời yêu cầu chủ đầu tư là Công ty Liên doanh khoáng sản Chúng Thao Hằng Tân sớm làm việc với Ban chỉ huy Quân sự huyện Sông Hinh và các cơ quan chuyên môn của tỉnh cho nổ mìn, lấp hai miệng hầm này. Kiến nghị UBND tỉnh sớm chỉ đạo các sở, ngành chức năng có biện pháp giữ an ninh trật tự tại khu vực mỏ vàng Hòn Mò O”.
ANH NGỌC