Theo dự thảo Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật, việc lồng ghép bình đẳng giới nhằm thu hẹp khoảng cách giới và tiến tới bình đẳng giới thực chất, tạo điều kiện để mọi cá nhân có cơ hội như nhau trong việc nâng cao hiểu biết pháp luật. Tuy nhiên, vấn đề này thể hiện tại dự thảo còn chung chung...
Kết quả nghiên cứu khảo sát thực địa của Viện Nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi trường thực hiện vào năm 2010 tại khu vực dân tộc thiểu số cho thấy, tỉ lệ cam chịu của nữ giới cao gấp đôi so với nam giới khi gặp những vấn đề pháp lý cụ thể (hôn nhân gia đình, bạo lực gia đình, đất đai…) và khi gặp những vấn đề về pháp luật thì họ thường tìm đến trưởng thôn (bản), già làng, giáo viên… hơn là đến các cơ quan, tổ chức tư pháp cấp cơ sở. Đó là một thực tế về sự bất bình đẳng giới trong cơ hội, điều kiện tiếp cận pháp luật, cách thức giải quyết những vấn đề nảy sinh từ pháp luật giữa nam và nữ. Mặc dù hệ thống pháp luật hiện hành không có một quy định nào hạn chế bất kỳ khả năng tiếp cận pháp luật của công dân.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thúy Hiền cho rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, bên cạnh nguyên nhân về điều kiện kinh tế, văn hóa, xã hội chưa phát triển, đi lại khó khăn, sinh sống phân tán, còn một nguyên nhân khác là do quan niệm “trọng nam khinh nữ”, coi việc học tập, nâng cao trình độ nói chung, học tập, tìm hiểu pháp luật, phổ biến, nâng cao hiểu biết pháp luật nói riêng chỉ dành cho nam giới. Cho nên, nhiều chị em ít có cơ hội tiếp cận với thông tin về pháp luật.
Mặt khác, có một thực tế là hiện nay, nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) có trường hợp chưa phù hợp với nữ giới; sách, tài liệu tuyên truyền, phổ biến pháp luật, sách giáo khoa có hình ảnh, minh họa chưa bảo đảm yêu cầu về bình đẳng giới. Hiện tượng này gây phản tác dụng tuyên truyền, ảnh hưởng đến nhận thức của đối tượng được tuyên truyền, phổ biến về bình đẳng nam nữ. Đồng thời thiếu một cơ chế tài chính nhất định để thu hút nữ giới tham gia các hoạt động PBGDPL. Trong các khoản chi dành cho phổ biến, tuyên truyền pháp luật cũng không thấy có sự ưu đãi nào dành cho nữ giới, chỉ mới dừng lại ở mức tài chính dành cho các hoạt động cụ thể như: hội nghị phổ biến pháp luật, trợ giúp pháp lý lưu động, tư vấn pháp luật…
Dự thảo Luật Phổ biến giáo dục pháp luật có khá nhiều điều, khoản thể hiện sự bình đẳng giới như bình đẳng nam nữ trong việc thụ hưởng, nâng cao hiểu biết pháp luật; những hành vi cấm phân biệt đối xử trong hoạt động PBGDPL.
Luật này áp dụng đối với các cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội, tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp, tổ chức kinh tế, đơn vị sự nghiệp, đơn vị vũ trang nhân dân và công dân Việt Nam (Điều 3 dự thảo luật). Như vậy, dự thảo luật có đối tượng áp dụng là mọi công dân Việt Nam, không phân biệt nam hay nữ; dành các chính sách của Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện cho mọi cá nhân tiếp cận pháp luật; đồng thời quy định nghiêm cấm việc xâm phạm danh dự, nhân phẩm, quyền và lợi ích hợp pháp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân, phân biệt đối xử do vấn đề giới, dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo, điều kiện sống, trình độ văn hóa khi thực hiện PBGDPL…Tuy nhiên, các quy định của dự thảo luật còn chung chung, chưa thể hiện rõ sự bình đẳng nam nữ trong các hoạt động PBGDPL cũng như được PBGDPL; đặc biệt thiếu những quy định về biện pháp cần thiết để tạo thuận lợi cho nữ giới được tham gia PBGDPL cũng như được thụ hưởng việc PBGDPL.
Từ góc độ tiếp cận giới, bình đẳng giới, thiết nghĩ dự thảo cần bổ sung những quy định về việc Nhà nước có chính sách khuyến khích đối với phụ nữ tham gia phổ biến, giáo dục pháp luật; tạo điều kiện thuận lợi hoặc hỗ trợ kinh phí cho phụ nữ mang thai, nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi, phụ nữ ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được tiếp cận các văn bản pháp luật, tham dự các cuộc họp, hội nghị PBGDPL; đồng thời cần quan tâm đến một số vấn đề nhằm thúc đẩy bình đẳng giới trong việc PBGDPL đến mọi đối tượng trong xã hội. Chẳng hạn, trong quy định về đối tượng áp dụng mới chỉ dừng lại ở quy định mọi công dân Việt Nam mà chưa chú ý đến tính đặc thù của phụ nữ và trẻ em vị thành niên trong việc tiếp cận thông tin của pháp luật.
Theo chuyên viên cao cấp của Bộ Tư pháp Dương Thanh Mai, bên cạnh việc lồng ghép các nguyên tắc, chính sách, biện pháp tác động bình đẳng giới, trong dự thảo luật cần quy định các biện pháp hỗ trợ nguồn lực kỹ thuật, tài chính cho việc PBGDPL cho các đối tượng yếu thế trong tiếp cận thông tin pháp lý.
(daibieunhandan.vn)