Thứ Tư, 02/10/2024 11:19 SA
Thời gian thử thách, tính sao cho đúng?
Thứ Bảy, 12/03/2011 10:00 SA

Khi cho bị cáo hưởng án treo, tòa án phải ấn định thời gian thử thách. Trên thực tế đã phát sinh nhiều vướng mắc khi tính thời gian này với bị cáo đã bị tạm giam.

 

an-treo110312.jpg

 Hơn năm trước, TAND một huyện của tỉnh T xử sơ thẩm một vụ án cố ý gây thương tích, tuyên phạt bị cáo Nguyễn Văn Phong 12 tháng tù treo, thời gian thử thách là 10 tháng. Trước đó TAND một huyện của tỉnh này xử phạt một bị cáo nữ 12 tháng tù treo về tội đánh bạc và không tuyên thời gian thử thách.

 

ĐƯỢC PHÉP THẤP HƠN MỨC PHẠT?

 

Không nên tách nhóm đối tượng

 

Khoản 5 Điều 5 Nghị định 61/ 2000 của Chính phủ và Mục 3 Công văn 81/2002 của TAND Tối cao quy định, người được hưởng án treo là cán bộ, công chức, quân nhân, công nhân quốc phòng, người lao động làm công ăn lương... thời gian thử thách được tính từ ngày cơ quan, tổ chức giám sát, giáo dục người đó nhận được quyết định thi hành bản án và trích lục bản án.

 

Như vậy, quy định trên không bao quát được tất cả các đối tượng bị kết án tù treo mà tách họ ra thành hai nhóm đối tượng (một nhóm bị tính thời gian thử thách từ ngày tuyên án treo theo Nghị quyết 01/2007). Tôi cho rằng như vậy là chưa hợp lý vì pháp luật sinh ra là để áp dụng chung, điều chỉnh cho mọi người.

Luật sư TRẦN CÔNG LY TAO

(Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh)

Về việc tính thời gian thử thách như trên của hai tòa, đã có nhiều quan điểm. Một quan điểm cho rằng cách tính thời gian thử thách của hai tòa trên là sai quy định. Bởi theo tinh thần Nghị quyết 01/2007 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao, người bị xử phạt tù đã bị tạm giam thì lấy mức hình phạt tù trừ đi thời gian đã bị tạm giam để xác định mức hình phạt tù còn lại phải chấp hành. Thời gian thử thách trong trường hợp này bằng hai lần mức hình phạt tù còn lại phải chấp hành nhưng không được dưới một năm và không được quá năm năm.

 

Tuy nhiên, một luồng ý kiến khác lại cho rằng cách tính như quan điểm thứ nhất sẽ làm thiệt thòi cho bị cáo. Theo ý kiến này, tòa phải tuyên thời gian thử thách trước rồi mới chuyển đổi thời gian tạm giam thành thời gian thử thách để khấu trừ vào phần thời gian thử thách mà tòa đã tuyên. Do đó, thời gian thử thách có thể thấp hơn mức phạt.

 

Ý kiến này cũng cho rằng, cần phải sửa lại quy định của pháp luật về thời gian thử thách. Hiện theo luật, thời gian thử thách khi tuyên án treo là từ một năm đến năm năm và không thấp hơn mức phạt tù. Có thể sửa đổi lại là thời gian thử thách không quá năm năm nhưng có thể thấp hơn mức phạt tù…

 

MỐC NÀO MỚI PHÙ HỢP?

 

Mốc thời điểm bắt đầu tính thời gian thử thách của án treo cũng là một vấn đề gây tranh cãi.

 

Thạc sĩ Phan Anh Tuấn (trưởng bộ môn Luật Hình sự, Trường ĐH Luật TP Hồ Chí Minh) cho rằng Nghị quyết 01/2007 hướng dẫn thời điểm bắt đầu tính thời gian thử thách là phù hợp. Theo đó, thời điểm bắt đầu tính thời gian thử thách là ngày tòa tuyên cho hưởng án treo. Nếu tòa sơ thẩm cho hưởng án treo sau đó tòa phúc thẩm cũng cho hưởng án treo (có thể nhiều hơn hoặc ít hơn án sơ thẩm) thì thời gian thử thách từ ngày tòa tuyên án sơ thẩm. Nếu sơ thẩm không cho hưởng án treo nhưng phúc thẩm cho hưởng án treo thì tính từ ngày tuyên án phúc thẩm. Nếu hai bản án sơ và phúc thẩm đều tuyên án treo nhưng án giám đốc thẩm hủy để xử phúc thẩm lại và cấp phúc thẩm tiếp tục cho hưởng án treo thì tính từ ngày tuyên án sơ thẩm. Còn khi bị giám đốc thẩm hủy cả hai bản án nhưng khi xét xử lại tòa sơ và phúc phẩm vẫn cho hưởng án treo thì thời gian thử thách tính từ ngày tuyên án sơ thẩm hoặc tuyên án phúc thẩm lần sau.

 

Theo thạc sĩ Tuấn, tính theo hướng này sẽ hạn chế chuyện người được hưởng án treo phạm tội mới trong thời gian kháng cáo, kháng nghị, từ đó hạn chế sai sót cho tòa trong việc tổng hợp hình phạt. Nó làm cho người bị kết án đỡ thiệt thòi vì thời gian xử phúc thẩm hoặc giám đốc thẩm thường rất chậm.

 

Tuy nhiên, có ý kiến lại cho rằng phải tính thời gian thử thách của án treo từ ngày nơi giám sát giáo dục người bị kết án nhận được quyết định thi hành bản án và trích lục bản án. Nghĩa là tính từ khi bản án sơ thẩm hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị mà không có kháng cáo, kháng nghị. Hoặc nếu có kháng cáo, kháng nghị mà tòa phúc thẩm vẫn cho hưởng án treo thì thời điểm bắt đầu tính là khi tuyên án phúc thẩm.

 

Tính như vậy thì việc theo dõi, giám sát người bị kết án tù treo sẽ dễ dàng trong thời gian bản án có kháng cáo, kháng nghị. Bởi nếu tính từ ngày tòa tuyên cho hưởng án treo thì trong thời gian bản án bị kháng cáo, kháng nghị thì không biết tòa án, chính quyền địa phương hay cơ quan nơi người bị kết án làm việc sẽ theo dõi quản lý họ thi hành bản án.

  

Theo PLTPHCM

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek