Phú Yên là một trong những tỉnh phát triển loại hình xe buýt chưa lâu, nhưng loại phương tiện công cộng này đã và đang gây bức xúc trong nhiều người dân. Không chỉ người đi đường mà cả những người khi chọn loại phương tiện này tham gia giao thông đều cảm thấy bất an.
Vụ xe buýt “nuốt chửng” mô tô trên đường Lê Thành Phương (TP Tuy Hòa). - Ảnh: X.HIẾU
TAI NẠN LIÊN TỤC
Theo Phòng Cảnh sát giao thông Công an Phú Yên, chỉ sau gần 3 năm đi vào hoạt động (từ 2008 đến cuối năm 2010), trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 18 vụ tai nạn liên quan đến xe buýt và taxi làm 6 người chết và 18 người bị thương. Ngoài ra, còn có hàng chục vụ va chạm giữa xe buýt với xe buýt, xe buýt với mô tô… do các bên tự xử lý. Cũng trong thời gian trên, lực lượng chức năng đã xử phạt 85 trường hợp tài xế xe buýt vi phạm các quy định về trật tự an toàn giao thông.
Vụ tai nạn do xe buýt gây ra gần đây nhất là vào lúc 17g30 ngày 8/2/2011. Vào thời gian trên, xe buýt 78K-3704 của doanh nghiệp Cúc Tư do Phạm Minh Dũng (SN 1973, trú xã Suối Bạc, huyện Sơn Hòa) điều khiển, lưu hành trên quốc lộ 25 theo hướng tây - đông, khi đến địa phận xã Hòa Định Đông, huyện Phú Hòa đã lao xuống kênh chính bắc, hệ thống Thủy nông Đồng Cam, trên xe có 39 người có 20 người phải nhập viện cấp cứu, 2 người bị thương nặng. Rất may là xe không bị ngập hoàn toàn, một số người nhanh trí đập vỡ cửa kính thoát ra ngoài. Đồng thời, lực lượng tại chỗ đã giải cứu kịp thời nên không có trường hợp nào tử vong.
NGUYÊN NHÂN?
Theo người dân địa phương và nhiều hành khách, xe buýt thường gây ra tai nạn là vì các tài xế không chấp hành đúng các quy định về trật tự an toàn giao thông. Chị Nguyễn Thị Oanh ở phường 7 (TP Tuy Hòa) cho biết, gần như ngày nào cũng vậy, cứ vào tầm hoạt động của xe buýt là các xe lại tranh tốc độ với nhau, vượt lên giành khách, dừng đỗ không đúng quy định, chạy sai tuyến. “Không chỉ xe khác doanh nghiệp mà cùng doanh nghiệp cũng đua tranh, trong nội thành cũng như các tuyến quốc lộ”, anh Đặng Vũ (phường 9, TP Tuy Hòa) bức xúc.
Theo thượng tá Nguyễn Tấn Hướng, Phó Trưởng phòng Cảnh sát giao thông Công an Phú Yên, xe buýt của các doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh hiện nay đều là xe đời mới và được kiểm tra định kỳ. Vì vậy nguyên nhân tai nạn do xe không đảm bảo kỹ thuật là rất ít, mà chủ yếu là do ý thức của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông và một phần thiếu sự quản lý của doanh nghiệp. Như vụ tai nạn do xe buýt 78K5584 của Doanh nghiệp Anh Tuấn gây ra lúc 21g30 ngày 14/10/2011 tại thôn Phú Diễn (xã Hòa Đồng, huyện Tây Hòa). Do tài xế để nhân viên kiểm soát vé là người chưa có bằng lái điều khiển nên dẫn đến hậu quả xe đâm liên hoàn vào 3 nhà dân. Những trường hợp xe buýt đua tốc độ, tranh giành khách dẫn đến tai nạn là vì lợi ích vật chất, thu nhập… vi phạm đạo đức nghề nghiệp và văn hóa giao thông.
BIỆN PHÁP?
Việc đưa vào hoạt động các tuyến xe buýt ở Phú Yên là nhằm góp phần giảm thiểu mật độ phương tiện tham gia giao thông, tai nạn giao thông. Tuy nhiên trước những gì mà loại hình giao thông công cộng này gây ra trong thời gian qua, người tham gia giao thông luôn trong tâm trạng bất an.
Để đảm bảo an toàn cao nhất cho người tham gia giao thông nói chung và bằng phương tiện xe buýt trên địa bàn tỉnh nói riêng, theo phòng Cảnh sát giao thông Công an Phú Yên, cần hướng hoạt động của xe buýt (cũng như xe taxi) vào mục tiêu đảm bảo phục vụ tốt nhu cầu đi lại của người dân. Theo đó, chủ doanh nghiệp, đặc biệt là tài xế phải chấp hành đầy đủ các quy định của pháp luật về an toàn giao thông theo tinh thần Nghị quyết 32/CP của Chính phủ.
Đối với địa bàn TP Tuy Hòa, cần xóa bỏ tình trạng các doanh nghiệp tự cắm biểu trưng thương hiệu xe buýt của doanh nghiệp mình tại điểm dừng, đón khách mà phải lắp đặt thành trạm xe buýt để sử dụng chung cho tất cả các doanh nghiệp cùng hoạt động khai thác vận chuyển khách. Đồng thời cần sắp xếp lại cho từng doanh nghiệp xe buýt hoạt động khai thác vận chuyển khách công cộng theo từng tuyến đường cụ thể; không để tình trạng hai doanh nghiệp cùng hoạt động, cùng khai thác chung trên một tuyến cố định. Yêu cầu các doanh nghiệp phải xây dựng lịch trình, chu kỳ chạy của từng xe buýt cụ thể, có sự kiểm tra, giám sát của phòng Quản lý phương tiện cơ giới đường bộ và Thanh tra giao thông. Riêng đối với hành khách tham gia giao thông bằng phương tiện xe buýt, khi thấy tài xế vi phạm các quy định về trật tự an toàn giao thông cần chủ động lên tiếng hoặc gọi điện cho cơ quan chức năng (cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông), chủ doanh nghiệp để chấn chỉnh kịp thời.
VĂN LANG