Trong quá trình khai thác thủy sản trên biển, bên cạnh những nguy cơ như va phải đá ngầm, giông bão làm lật thuyền, va chạm tàu thuyền, mang lưới là những rủi ro mà ngư dân thường gặp. Nhờ làm tốt công tác hòa giải, cán bộ chiến sĩ Đồn Biên phòng Xuân Thọ gắn kết những người trong cuộc lại với nhau, không để “chuyện bé xé ra to”.
Một cuộc hòa giải do Đồn Biên phòng Xuân Thọ làm trung gian. - Ảnh: L.VŨ
Khi có sự cố mang va xảy ra, khác với va chạm giao thông trên bờ còn để lại hiện trường, dấu vết, ở trên biển, gần như mọi dấu vết đều bị cuốn theo dòng nước, xóa sạch. Để xác định bên nào có lỗi, mức độ đến đâu là việc làm vô cùng khó khăn. Vì vậy, bên cạnh sự nỗ lực của lực lượng hòa giải mà nòng cốt là bộ đội Biên phòng, những người trong cuộc cần ứng xử có trách nhiệm, trên tinh thần đoàn kết, cùng nhau sớm khắc phục sự cố để tiếp tục hoạt động sản xuất, tránh những thiệt hại không đáng có, do chính mình gây ra. Thượng tá Nguyễn Tiến Thành, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Xuân Thọ (TX Sông Cầu), một trong những người có “thâm niên” trong công tác hòa giải, cho biết: Những ngày đầu năm 2011, ở khu vực biển do đơn vị quản lý liên tiếp xảy ra nhiều vụ phương tiện mang rách lưới, tông va lẫn nhau gây thiệt hại về tài sản. Lúc 14 giờ ngày 2/1, phương tiện PY 3634-TS của ông Phan Văn Bảy (SN 1972, trú khu phố Phước Hậu, phường Xuân Đài, TX Sông Cầu) trên đường đi hành nghề giã cào về bến, khi vào khu vực vịnh Xuân Đài đã vô ý tông vào phương tiện PY16249-TS của ông Trần Văn Hùng (SN 1968, trú Vũng La, xã Xuân Phương, TX Sông Cầu). Vụ tông va làm phương tiện của ông Hùng bị bể một miếng ván, ước thiệt hại khoảng một triệu đồng. Tiếp đó, lúc 5 giờ ngày 4/1, anh Trần Văn Chi (SN 1978, trú khu phố Mỹ Thành) và anh Võ Thâu (sinh năm 1976, trú khu phố Chánh Bắc, phường Xuân Thành) đang thả lưới tôm ở khu vực Vũng Me (xã Xuân Phương) thì bị phương tiện của ông Huỳnh Ngọc Đảm (SN 1979, trú khu phố Vạn Phước, phường Xuân Thành) mang, làm mất 7 tấm lưới. Trong đó, ông Chi mất 4 tấm, ông Thâu mất 3 tấm, ước thiệt hại khoảng 10,5 triệu đồng... Tương tự, lúc 14 giờ ngày 9/1, phương tiện PY 40005-TS của ông Trần Ngọc Mỹ (SN 1972, trú Dân Phú 2, Xuân Phương) đã mang và làm rách 2 tấm lưới tôm của ông Trương Phụ (SN 1963, trú thôn 5, An Ninh Đông), chủ phương tiện PY 6877-TS khi đang hành nghề tại Hòn Yến. Thiệt hại khoảng 4 triệu đồng.
Sau khi những sự việc trên xảy ra, hai bên to tiếng, thách thức lẫn nhau, không bên nào chịu nhường bên nào. Ai cũng có xu hướng giành phần đúng về mình. Bên tông va thì tìm cách xóa dấu vết và đòi chứng cứ, người làm chứng, không chịu nhận lỗi hoặc chỉ nhận mức độ gây hại thấp. Còn bên bị thì đòi bồi thường với mức cao, hoặc bị một nhưng nói hai, ba. Vậy là bộ đội biên phòng phải vào cuộc, tiến hành hòa giải. Kết quả cả ba trường hợp trên đều đạt kết quả mỹ mãn. Trường hợp đầu tiên, ông Bảy chịu chi phí sửa chữa phương tiện cho ông Hùng do phương tiện của mình vô ý tông vào thuyền. Trường hợp thứ hai, tuy lúc đầu bên bị đòi bồi thường đến cả chục triệu đồng, nhưng qua phân tích của bộ đội biên phòng, người bị cũng có một phần lỗi nên ông Chi đồng ý nhận 1,5 triệu đồng và ông Thâu nhận 900.000 đồng tiền bồi thường của ông Đảm. Trường hợp thứ ba, sau khi thỏa thuận, ông Mỹ đã chấp nhận bồi thường cho ông Phụ 2 triệu đồng.
Trung tá Nguyễn Tiến Thành cho biết: “Phương châm xử lý của đơn vị là phải thấu lý, đạt tình, vừa mềm mỏng, vừa kiên quyết, nghiêm minh, đúng pháp luật. Trong khi xử lý, phần lỗi của ai, sai phạm đến đâu sẽ tính đến đó. Xác định đây là sự cố rủi ro trên đường làm ăn nên lực lượng bộ đội biên phòng đứng ra làm trung gian hòa giải nhằm giúp các bên nhận rõ đúng sai, xác định phần lỗi, định mức thiệt hại, bồi thường. Mục tiêu cuối cùng là để hai bên xóa bỏ hiềm khích, cùng bắt tay nhau, tiếp tục làm ăn. Sau này khi đi biển, chẳng may gặp hoạn nạn rủi ro, bà con không bỏ nhau”.
Theo Nguyễn Văn Năm, khu phố trưởng khu phố Mỹ Thành, phường Xuân Thành, trong quá trình làm ăn trên biển, bên cạnh những rủi ro do va phải đá ngầm, bị giông bão gây nên, va chạm giữa phương tiện này với phương tiện kia, mang va lưới là khó tránh khỏi. Vì vậy, những người trong cuộc cùng nghề khai thác đánh bắt hải sản cần thấy rõ trách nhiệm của mình, nên đặt mình vào vị trí người khác, nêu cao thiện chí hợp tác, gạt đi những mâu thuẫn nhỏ nhặt trong cư xử hàng ngày để nhìn thẳng vào sự việc, cùng hướng đến mục tiêu là khắc phục sự cố để tiếp tục làm ăn. Được như vậy khi chẳng may gặp rủi ro sự việc sẽ nhanh chóng được giải quyết, không mất nhiều thời gian, tiền của, đồng thời không làm mất đi tình cảm. Bên cạnh đó, để hạn chế thiệt hại do va chạm, mang lưới, các phương tiện cần được trang bị đầy đủ các thiết bị đảm bảo an toàn như đèn báo hiệu, máy bộ đàm…
LÊ VŨ