Tình trạng phá rừng làm rẫy, khai thác vàng sa khoáng trái phép trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là ở ba huyện miền núi Sơn Hòa, Sông Hinh và Đồng Xuân, tuy đã được các ngành chức năng và địa phương liên tục phối hợp truy quét, xử lý, nhưng vẫn không hề thuyên giảm. Tình trạng này đã lặp đi, lặp lại từ nhiều năm qua, đến nay vẫn chưa có hồi kết.
Tình trạng khai thác vàng sa khoáng tái diễn tại rừng Hòn Ké xã Sông Hinh, huyện Sông Hinh- Ảnh: P.NAM |
KHÔNG CÓ ĐẤT ĐỂ TÁI ĐỊNH CƯ
Để xây dựng Nhà máy thủy điện Sông Ba Hạ, Phú Yên đã phải di dời 386 hộ dân, hầu hết là đồng bào dân tộc thiểu số, thu hồi gần 900ha đất ở hai xã Suối Trai và Krông Pa của huyện Sơn Hòa. Theo cam kết, Công ty cổ phần Thủy điện Sông Ba Hạ phải phối hợp cùng địa phương xây dựng hai công trình thủy lợi và san ủi mặt bằng tưới tiêu cho 410ha đất sản xuất lúa nước cấp lại cho dân. Tuy nhiên, đến nay đã 6 năm trôi qua và nhà máy thủy điện công suất 220MW này đã hòa lưới điện quốc gia từ năm 2009 mà bà con vẫn chưa có đất sản xuất.
Để có cái ăn, nhiều người dân đã... phá rừng làm rẫy. Tính riêng khu rừng đặc dụng Krông Trai, trong năm 2010 đã xảy ra gần 200 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng, chiếm 15,6% số vụ toàn tỉnh. Trong đó, có 116 vụ phá rừng với diện tích hơn 43ha. Ông Đỗ Trọng, Chủ tịch UBND xã
KHAI THÁC CÂY ĐẠI THỤ
Vài năm gần đây, trên địa bàn tỉnh liên tục xảy ra tình trạng khai thác cây rừng làm cây cảnh dưới danh nghĩa “tận dụng cây trên nương rẫy”. Những loài cây này chủ yếu là sanh, lộc vừng, lội, da, vừng núi… từ nhóm 5 đến nhóm 8, có giá trị sử dụng gỗ thấp, nhưng lại có giá trị rất cao khi làm cây cảnh. Để khai thác được cây đại thụ phải dùng cả xe rơ moóc, xe cẩu và làm đường vận chuyển. Có nhiều cây đường kính gốc trên 2m, dài hàng chục mét. Giá một cây cảnh bán tại rẫy thường chỉ 3-5 triệu đồng, nhưng đến tay người chơi cây cảnh, giá được đẩy lên vài chục triệu, thậm chí hàng trăm triệu đồng, tùy theo chủng loại, sở thích và thời gian sinh trưởng.
Chính vì lợi nhuận cao nên nhiều người chuyên săn lùng và mua bán cây cảnh tìm đến tận rẫy để hỏi mua. Người dân hám lợi nghe theo và làm đơn xin khai thác, rồi lợi dụng để phá rừng hoặc khai thác cây “ngoài luồng”, mặc dù biết rõ rằng nương rẫy của mình là khai phá trái phép và chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, như vụ khai thác và vận chuyển trái phép 26 cây đại thụ làm cây cảnh xảy ra tại xã Sơn Long (huyện Sơn Hòa) hồi tháng 10/2010. Thống kê của Chi cục Kiểm lâm Phú Yên cho thấy, trong năm 2010, riêng ba huyện miền núi Sông Hinh, Đồng Xuân và Sơn Hòa đã cấp giấy phép khai thác 380 cây rừng làm cây cảnh. Qua kiểm tra thực tế, lực lượng kiểm lâm đã phát hiện, lập biên bản xử lý 159 vụ, với 567 cây do các đối tượng khai thác và vận chuyển trái phép.
Ồ ẠT KHAI THÁC VÀNG SA KHOÁNG
Nạn khai thác vàng sa khoáng trên sông Ba đầu năm 2010 trở thành điểm nóng. Các đối tượng khai thác dùng xe múc, xe đào xúc cát ngay bên bờ sông, thậm chí đắp cả bờ bao chặn dòng ngay gần khu vực cửa xả nhà máy Thủy điện Sông Ba Hạ. Hoạt động khai thác được diễn ra cả ngày lẫn đêm làm xói lở bờ sông, sạt ta luy đường, gây mất cân bằng sinh thái và ô nhiễm nguồn nước. Các ngành chức năng và địa phương đã phải liên tục dùng biện pháp mạnh để giải tán.
Tại khu vực Hố Vàng và Suối Đục thuộc địa bàn xã Sơn Xuân, huyện miền núi Sơn Hòa, người ở tỉnh Thái Nguyên đến khai thác vàng trái phép rầm rộ. Hoạt động này tuy đã liên tục bị triệt phá nhưng sau đó lại tiếp tục tái diễn, đã làm hàng chục héc ta rừng ở xã Sơn Xuân không những bị phá để làm lán trại, chèn hầm khai thác, mà còn gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sinh thái rừng…
Ở huyện miền núi Sông Hinh, hiện có ít nhất 2 điểm khai thác vàng sa khoáng tập trung. Riêng khu vực Hòn Ké, thuộc địa bàn xã Sông Hinh, tình trạng khai thác vàng diễn ra cả ngày lẫn đêm, tàn phá hàng chục héc ta rừng với những cây gỗ đường kính trên 10cm bị chặt phá. Tại đây có hàng trăm hầm đào vàng sâu từ 10-30m, theo kiểu hàm ếch. Thời điểm “nóng” nhất có đến trên dưới 300 người từ các nơi trong và ngoài tỉnh tham gia đào và tàn phá rừng không thương tiếc. Mỗi khi có lực lượng truy quét, những “vàng tặc” tháo chạy vào rừng trú ẩn, nên dù có tịch thu phương tiện, phá lán trại, nhưng ngay sau đó tình trạng trên lại tái diễn. Mới đây, tình trạng này “nóng” hơn, hàng ngày có hàng trăm người đến đây tìm vận may, tiếp tục lật tung rừng, đào núi tìm vàng. Theo thống kê sơ bộ, có thêm ít nhất 1ha rừng nguyên sinh bị các nhóm “vàng tặc” khai tử để lấy cây gỗ dựng lán trại, làm đường đi, chèn hầm ăn sâu vào lòng núi hay âm sâu xuống lòng đất, rồi xay đá quặng trước khi gạn đãi, phân kim, gây hiểm họa về môi trường và rừng phòng hộ.
PHƯƠNG