Thứ Ba, 01/10/2024 02:30 SA
Cơ sở pháp lý của vùng biển, đảo và thềm lục địa Việt Nam
Thứ Tư, 23/08/2006 07:51 SA

Việt Nam là một quốc gia ven biển Đông có bờ biển dài hơn 3.260 km, tỷ lệ giữa diện tích lục địa và chiều dài bờ biển vào loại cao trên thế giới, khoảng 100 km2/1 km bờ biển, có khoảng trên 2773 hòn đảo lớn nhỏ và hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Việt Nam có 28 tỉnh, thành phố thuộc biên giới biển và Phú Yên là một trong số đó.

 

 Đâu là cở sở pháp lý của vùng biển, đảo và thềm lục địa Việt Nam? Đại tá Nguyễn Thế Anh- Chính uỷ Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng cho biết:

 

060823-bien-dao.jpg

Một góc vùng biển Sông Cầu – Ảnh: D.T.X

 

Theo quy định Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, Việt Nam có chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán trên các vùng biển: Nội thuỷ; Lãnh hải; Vùng tiếp giáp lãnh hải; Vùng đặc quyền kinh tế; Thềm lục địa; Các đảo và quần đảo thuộc lãnh thổ Việt Nam ở ngoài vùng lãnh hải, đều có lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền về kinh tế và thềm lục địa riêng.

 

* Xin đại tá cho biết cụ thể về tuyên bố của Việt Nam về chủ quyền cũng như từng vùng biển nói trên?

 

- Ngày 12-11-1982, Chính phủ Việt Nam ra Tuyên bố về đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải Việt Nam  từ A1 đến A11 (xem sơ đồ).

 

Theo tuyên bố năm 1977 của Chính phủ Việt Nam về lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng Đặc quyền kinh tế và Thềm lục địa Việt Nam, trong đó:

 

1. Vùng Nội thuỷ của Việt Nam là vùng biển tiếp giáp với bờ biển và ở phía trong đường cơ sở để tính chiều rộng lãnh hải Việt Nam, các vùng mốc lịch sử của Việt Nam.

 

Theo luật quốc tế nội thủy là một bộ phận lãnh thổ của Việt Nam trên biển. Việt Nam và các quốc gia ven biển, thực hiện chủ quyền hoàn toàn, tuyệt đối và đầy đủ  như trên lãnh thổ đất liền.

 

2. Lãnh hải của nước Việt Nam là vùng biển rộng 12 hải lý được xác định từ đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải Việt Nam ra phía biển, ranh giới ngoài của lãnh hải Việt Nam, đường biên giới quốc gia trên biển.

 

Việt Nam thực hiện chủ quyền đầy đủ và toàn vẹn đối với lãnh hải của mình cũng như đối với vùng trời, đáy biển và lòng đất dưới đáy biển của lãnh hải.

 

(Chú ý: Phao số 0 không phải là điểm mốc đường biên giới quốc gia trên biển. Nó là điểm đầu tiên của hệ thống mốc phao tiêu dẫn luồng vào cảng, được đặt theo quy định của Luật Hàng hải).

3. Vùng tiếp giáp lãnh hải của Việt Nam là vùng biển tiếp liền và nằm ngoài lãnh hải Việt Nam có chiều rộng là 12 hải lý, hợp với lãnh hải Việt Nam thành vùng biển rộng 24 hải lý kể từ đường cơ sở.

 

Chính phủ Việt Nam thực hiện sự kiểm soát cần thiết trong vùng tiếp giáp lãnh hải của mình, nhằm bảo vệ anh ninh, bảo vệ các quyền lợi về hải quan, thuế khoá, bảo đảm sự tôn trọng các quy định về y tế, về di cư, nhập cư trên lãnh thổ hoặc trong lãnh hải Việt Nam.

 

4. Vùng đặc quyền về kinh tế của Việt Nam là vùng biển tiếp liền và nằm ngoài lãnh hải Việt Nam có chiều rộng 200 hải lý tính từ đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải Việt Nam.

 

Việt Nam có chủ quyền hoàn toàn về việc thăm dò, khai thác, bảo vệ và quản lý tất cả các tài nguyên thiên nhiên, sinh vật và không sinh vật ở vùng nước ở đáy biển và trong lòng đất dưới đáy biển của vùng đặc quyền về kinh tế của Việt Nam; có quyền và thẩm quyền riêng biệt về việc thiết lập, sử dụng các công trình, thiết bị, đảo nhân tạo; có thẩm quyền riêng biệt về các hoạt động khác phục vụ cho việc thăm dò và khai thác vùng đặc quyền về kinh tế nhằm mục đích kinh tế; có thẩm quyền riêng biệt về nghiên cứu khoa học trong vùng đặc quyền về kinh tế của Việt Nam. Nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam có thẩm quyền về bảo vệ môi trường, chống ô nhiễm trong vùng đặc quyền về kinh tế của Việt Nam.

 

5. Thềm lục địa của Việt Nam bao gồm đáy biển và lòng đất dưới đáy biển thuộc phần kéo dài tự nhiên của lục địa Việt Nam mở rộng ra ngoài lãnh hải Việt Nam cho đến bờ ngoài của rìa lục địa. Nơi nào bờ ngoài của thềm lục địa cách đường cơ sở dùng để tính chiều rộng của lãnh hải Việt Nam không đến 200 hải lý thì thềm lục địa nơi ấy mở rộng ra 200 hải lý kể từ đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải Việt Nam.

 

060823-bang.jpg

 

Việt Nam có chủ quyền hoàn toàn về mặt thăm dò, khai thác, bảo vệ và quản lý tất cả các tài nguyên thiên nhiên ở thềm lục địa Việt Nam bao gồm tài nguyên khoáng sản, tài nguyên không sinh vật và tài nguyên sinh vật thuộc loại định cư ở thềm lục địa Việt Nam, các quyền và lợi ích khác phù hợp với lập pháp quốc tế.

 

6. Các đảo và quần đảo thuộc lãnh thổ Việt Nam ở ngoài vùng lãnh hải, với điều kiện phải tuân thủ khoản 3 Điều 121 của Công ước Luật Biển năm 1982, thì đều có lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền về kinh tế và thềm lục địa riêng như đã quy định trong các điều 1, 2, 3, 4 và 5 nêu trên.

 

* Chủ quyền biên giới nói chung, chủ quyền về biển, đảo và thềm lục địa nói riêng luôn là vấn đề “nhạy cảm”. Vậy khi có tranh chấp thì giải quyết như thế nào, thưa đại tá?

 

- Căn cứ vào luật pháp quốc tế và Luật Biển năm 1982, Việt Nam sẽ cùng các nước liên quan, thông qua thương lượng trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền của nhau, phù hợp với luật pháp và tập quán quốc tế, giải quyết các vấn đề bất đồng về các vùng biển và thềm lục địa của mỗi bên.

 

* Xin cám ơn đại tá!

 

XUÂN HIẾU (thực hiện)

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Nhóm trộm lõi đồng sa lưới
Thứ Bảy, 19/08/2006 08:41 SA
Bất cập từ... luật!
Thứ Bảy, 19/08/2006 08:32 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek