Điều 41 Bộ luật Hình sự quy định: “Việc tịch thu, sung quỹ Nhà nước được áp dụng đối với: … Vật hoặc tiền do phạm tội hoặc do mua bán, đổi chác những thứ ấy mà có”. Do chưa có sự hướng dẫn áp dụng thống nhất nên quy định nói trên đã và đang có những cách hiểu và vận dụng khác nhau trong quá trình xét xử. Xin nêu hai vụ án sau đây để minh chứng.
Vụ thứ nhất: Ksor Y Lúi cùng nhiều người khác rủ nhau đến công trình thủy điện Sông Ba Hạ (Sơn Hòa) lấy trộm 100m dây tải điện ba pha (giá trị 18,9 triệu đồng) rồi đem đốt vỏ nhựa, lấy lõi đồng bán được 3.320.000đ chia nhau tiêu xài. Ngày 27-6-2006, TAND huyện Sơn Hòa tuyên phạt Y Lúi và bốn bị cáo khác từ 9 đến 12 tháng tù treo về tội trộm cắp tài sản. Về số tiền 3.320.000đ do bán tài sản trộm cắp mà có (các bị cáo đã nộp), tòa tuyên trả lại cho chủ sở hữu. Các bị cáo phải liên đới bồi thường đủ số tiền 18,9 triệu đồng, được trừ 3.320.000đ.
Vụ thứ hai: Đoàn Quốc Phụng và Cao Căn Tứ trộm cắp 1.931kg sắt xây dựng (giá trị 15.488.000đ), đem bán được 11.996.500đ chia nhau tiêu xài. Ngày 17-6-2006, TAND TP Tuy Hòa tuyên phạt Phụng 4 năm tù, Tứ 3 năm tù về tội trộm cắp tài sản. Về số tiền 11.996.500đ do bán tài sản trộm cắp mà có, tòa tuyên buộc các bị cáo nộp lại sung công quỹ Nhà nước. Các bị cáo phải liên đới bồi thường cho bị hại đủ số tiền 15.488.000đ (không được trừ 11.996.500đ).
Hai vụ án có tình tiết về cơ bản giống nhau, nhưng cách giải quyết số tiền bán tài sản do trộm cắp mà có thì hoàn toàn khác nhau. Ở vụ thứ nhất, tòa coi đây là khoản tiền các bị cáo nộp để bồi thường cho bị hại tuyên nên trả cho bị hại. Vụ thứ hai, tòa lại xem đây là khoản tiền bất chính nên tuyên tịch thu sung quỹ Nhà nước . Vô hình chung, các bị cáo đã phải “bồi thường” hai lần cho một hành vi chiếm đoạt tài sản.
Để bảo đảm cho pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất, đề nghị các cơ quan có thẩm quyền sớm hướng dẫn việc áp dụng điều 41 Bộ luật hình sự.
TRẦN BẢO