Thứ Ba, 01/10/2024 02:30 SA
“Chảy máu” quặng thô - bao giờ có hồi kết?
Chủ Nhật, 20/08/2006 18:47 CH

Nguyên nhân tiếp tục “chảy máu” khoáng sản thô có nhiều như: Tình trạng một số cá nhân lợi dụng chức quyền cho phép xuất khẩu khoáng sản thô nhằm trục lợi riêng cho mình, làm thiệt hại lợi ích quốc gia cũng như lợi ích của địa phương; tư duy quản lý kinh tế của nhiều cán bộ ở cấp địa phương rất ấu trĩ.

 

Cách đây hơn một năm, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương “Tạm dừng việc phê duyệt và cấp giấy phép khai thác tận thu đối với các loại khoáng sản kim loại, kể cả vàng, bạc, đá quý…”; “Tạm dừng ký kết mới các hợp đồng xuất khẩu khoáng sản rắn dưới dạng nguyên liệu thô cho đến khi có quy định mới…”. Luật Khoáng sản (sửa đổi, bổ sung năm 2005) cũng khẳng định: “Khoáng sản là tài nguyên hầu hết không tái tạo được, là tài sản quan trọng của quốc gia, phải được quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm và có hiệu quả nhằm đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, phát triển bền vững kinh tế xã hội trước mắt và lâu dài, bảo đảm quốc phòng, an ninh…”.

 

Thực hiện Luật Khoáng sản và Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công nghiệp cũng ra Thông tư số 02/2006 hướng dẫn xuất khẩu khoáng sản nêu rõ “(Khoáng sản) được khai thác từ các mỏ không nằm trong quy hoạch và cân đối phục vụ cho chế biến trong nước… mới được phép xuất khẩu”. Như vậy, có thể thấy, từ Luật, Chỉ thị đến Thông tư đều thể hiện một quyết tâm hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng xuất khẩu quặng thô, nhằm thay đổi nghịch lý: bán quặng thô giá rẻ để nhập về nguyên liệu giá cao phục vụ sản xuất công nghiệp.

 

Thế nhưng, thực tế cho thấy, hầu hết các địa phương đều tìm cách “lách” luật, “lách” quy định. Vì vậy, tình trạng đào khoét lòng đất, lấy quặng lên, sơ chế một cách rất thủ công rồi đem quặng thô bán vẫn diễn ra ở hầu hết các địa phương có khoáng sản. Nguyên nhân tiếp tục “chảy máu” khoáng sản thô có nhiều. Trước hết là tình trạng một số cá nhân lợi dụng chức quyền cho phép xuất khẩu khoáng sản thô nhằm trục lợi riêng cho mình, làm thiệt hại lợi ích quốc gia cũng như lợi ích của địa phương. Thứ hai là tư duy quản lý kinh tế của nhiều cán bộ ở cấp địa phương rất ấu trĩ. Các cán bộ này cho rằng: khi công nghệ của doanh nghiệp nước ta chưa sử dụng được các loại quặng nghèo thì để quặng trong lòng đất là “lãng phí”. Vì thế cần phải đào lên để bán, “được chút nào hay chút ấy”. Họ cố tình lợi dụng những “kẽ hở” của Luật, Chỉ thị, Thông tư hợp thức hoá khoáng sản khai thác và xuất khẩu trái phép. Ví dụ như quy định của Chỉ thị 10 “trừ trường hợp khai thác tận thu ở các bãi thải, khai thác lại ở các mỏ đã có quyết định đóng cửa mỏ để thanh lý” đã bị nhiều địa phương lợi dụng “lách” để hợp thức hoá tất cả các loại quặng được vận chuyển, xuất bán.

 

Để chấm dứt hoàn toàn tình trạng xuất khẩu quặng thô hoặc quặng chỉ qua sơ chế đơn giản như hiện nay, điều quan trọng là cần có sự thay đổi tư duy quản lý từ tầm vĩ mô cho đến các địa phương. Các Bộ Tài nguyên & Môi trường, Công nghiệp, Thương mại, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư phải thực sự là những cơ quan tham mưu cho Chính phủ về thực tế nhu cầu khoáng sản, chiến lược phát triển công nghiệp… Để bảo vệ nguồn tài nguyên khoáng sản quý giá của đất nước, đề nghị Chính phủ cấm hoàn toàn việc xuất khẩu quặng thô, ngoại trừ những trường hợp xuất khẩu đối lưu để đổi lấy máy móc, than cốc. Và những doanh nghiệp được phép xuất khẩu đối lưu phải là doanh nghiệp có năng lực, được Chính phủ chỉ định. Và được cơ quan hữu quan quản lý chặt chẽ.

 

Vấn đề xuất khẩu khoáng sản cũng cần được điều chỉnh theo hướng không khuyến khích các doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng này, ngoại trừ những doanh nghiệp lớn, đủ năng lực, được Chỉnh phủ chỉ định xuất khẩu đối lưu. Bởi vì, nếu tiếp tục duy trì mức thuế quá ưu đãi (chỉ là 0-5%) đối với một hoạt động chế biến đơn giản, chỉ việc đào đất, bốc quặng lên để bán như quy định hiện hành, thì tình trạng xuất khẩu khoáng sản thô vẫn còn tiếp diễn. Trong khi đó, thuế tài nguyên áp dụng với khoáng sản nhìn chung rất thấp, ví dụ áp dụng với quặng sắt chỉ là 3.800 đồng/tấn. Với mức thuế này, Nhà nước hầu như không thu được gì đáng kể từ việc xuất khẩu khoáng sản thô (ngoại trừ dầu thô và than đá). 

 

  (Theo VOV)

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek