Câu chuyện của những cây cổ thụ ở xã Sơn Long (huyện Sơn Hòa) suýt bị đưa ra khỏi nương rẫy để “hóa thân” thành cây đại cảnh ở nơi khác cuối cùng cũng đã có hướng giải quyết, sau sự phát hiện và lên tiếng mạnh mẽ của Báo Phú Yên, sau đó là một số cơ quan truyền thông khác và sự chỉ đạo quyết liệt của Chủ tịch UBND tỉnh. Dù vậy, vẫn có những vấn đề đáng suy nghĩ và nghiền ngẫm đằng sau vụ việc này.
Trong công văn ngày 7/10/2010 về việc giải quyết tồn tại trong việc khai thác tận dụng cây gỗ trên đất nông nghiệp gởi Hạt Kiểm lâm, Phòng NN-PTNT huyện và UBND các xã, thị trấn của UBND huyện Sơn Hòa có nội dung: “Để tránh việc lợi dụng cây gỗ khai thác tận dụng trên nương rẫy sử dụng vào mục đích làm cây cảnh để khai thác, vận chuyển trái phép ra ngoài huyện, Phòng NN-PTNT phối hợp với Hạt Kiểm lâm huyện, UBND các xã tiến hành xác minh, đề xuất UBND huyện cấp giấy phép khai thác để hộ gia đình tận dụng nhưng chỉ cho vận chuyển và sử dụng trong huyện”. Nghĩa là, UBND huyện Sơn Hòa đã lường trước được việc cây cối có thể bị biến thành cây cảnh và đem bán ở nơi khác. Nhờ đó, khi 6 chiếc xe đại tải, xe đầu kéo định đưa 9 cây cổ thụ này rời khỏi địa bàn đã được ngăn chặn kịp thời.
Tuy nhiên, vấn đề mà dư luận quan tâm là vì sao vụ việc đã được phát hiện cách đây khoảng 1 tháng (theo phản ánh của báo chí) mà đến nay mới có hướng giải quyết? Nếu báo chí không phát hiện và lên tiếng, không biết vụ việc này đến bao giờ mới được xử lý. Liệu có hay không sự tắc trách về trách nhiệm, hoặc định giấu thông tin để “xử lý nội bộ”? Chưa kể thiệt hại của lực lượng kiểm lâm, cảnh sát điều tra tội phạm về môi trường và một số lực lượng khác phải tăng cường đến xã Sơn Long để “canh chừng” số xe vận chuyển cây cổ thụ này trong một tháng qua, vấn đề trồng lại số cây trên tại địa phương không phải là chuyện đơn giản. Những cây này, dù là cổ thụ và khổng lồ, nhưng đã bị moi cả gốc rễ lên khỏi đất cả tháng trời, nằm phơi nắng gió, liệu trồng lại có sống được không?
Trên số báo ra hôm qua, Báo Phú Yên phản ánh việc khu rừng Sum Ung ở thôn Trung Trinh, xã Sơn Long đã bị tàn phá nặng nề, trong đó một số cây cổ thụ giống như loại cây đã đưa lên các xe đại tải đang bị tạm giữ, đang được “đắp mền” trên rừng, có lẽ là chưa kịp vận chuyển đi. Theo mô tả của các phóng viên, tiếng cưa lốc, cưa máy vẫn vang lên; vết xe máy, xe cẩu, xe tải còn hằn rõ ngang dọc trên mặt đất của khu rừng này. Đây là khu rừng có một số nương rẫy được huyện Sơn Hòa cấp phép cho khai thác tận thu. Liệu có hay không việc một số người lợi dụng giấy phép của huyện để “lấn sân” khai thác cây cổ thụ và gỗ trong rừng? Trước khi 6 chiếc xe đầu kéo nêu trên bị giữ lại, có bao nhiêu vụ vận chuyển cây cổ thụ, cây rừng trót lọt khỏi địa bàn huyện Sơn Hòa mà không bị phát hiện? Và nếu có tình trạng như thế này thì trách nhiệm của những đơn vị, địa phương được phân công giám sát việc thực hiện giấy phép cho khai thác gỗ tận thu trong nương rẫy của UBND huyện cần được xem xét một cách nghiêm túc, xử lý cụ thể.
Chúng tôi đánh giá rất cao kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Đình Cự về vụ việc này tại cuộc họp giao ban thường kỳ tháng 9, khi chỉ đạo Công an tỉnh vào cuộc xác minh rõ nguồn gốc của số cây cổ thụ trên có phải là từ nương rẫy của dân hay nơi nào khác để xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật. Hy vọng cơ quan chức năng sẽ sớm có kết luận rõ ràng vụ việc này.
VIÊN PHONG