Rượu, bia (hay đồ uống có cồn) mang những ý nghĩa văn hóa và tính tượng trưng ở hầu hết các quốc gia. Song nó cũng gây ra các nguy hiểm khác cho con người. Đặc biệt, sau khi sử dụng rượu, bia điều khiển các loại phương tiện tham gia giao thông rất dễ gây ra tai nạn giao thông (TNGT).
Hiện trường một vụ TNGT làm chết người trên đường Trần Phú (TP Tuy Hòa) - Ảnh: XH
Theo thống kê của Phòng Cảnh sát giao thông Công an Phú Yên, trong năm 2009, toàn tỉnh xảy ra 124 vụ TNGT đường bộ làm chết 132 người, 69 người bị thương; va chạm giao thông xảy ra 501 trường hợp, làm bị thương 723 người. Riêng 9 tháng năm 2010, TNGT đường bộ xảy ra 106 vụ làm chết 111 người, 63 người bị thương; va chạm giao thông xảy ra 347 trường hợp làm bị thương 492 người. Nguyên nhân chính gây ra TNGT là do ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông chưa cao. Trong đó, phần lớn các vụ TNGT là do người điều khiển phương tiện giao thông trong tình trạng say rượu, chạy xe quá tốc độ, không làm chủ được tay lái…
Thượng tá Nguyễn Tấn Hướng, Phó Trưởng phòng Cảnh sát giao thông công an Phú Yên cho biết, cách đây hai tuần, trong khi đang làm nhiệm vụ trên quốc lộ 1A, lực lượng Cảnh sát giao thông Công an TX Sông Cầu đã phát hiện một ô tô tải (trên xe chở mô tô mới xuất xưởng) chạy tốc độ cao và có dấu hiệu bất thường. Sau khi ra tín hiệu cho xe dừng để kiểm tra, xử lý lỗi vi phạm tốc độ ở mức cao nhất, lực lượng chức năng còn phát hiện cả lái xe và phụ xe (phụ xe cũng đồng thời là lái xe và ngược lại) đều đã say mèm, không thể đứng vững để ký vào biên bản. Mãi đến ngày hôm sau, khi tỉnh rượu, hai đối tượng này cho biết, trước khi điều khiển ô tô đã nhậu “tới bến” với bạn bè ở gần đèo Cù Mông. Theo các Cảnh sát giao thông Công an TX Sông Cầu, nếu không phát hiện và ngăn chặn kịp thời, hai tài xế trên khó có thể đảm bảo an toàn trong suốt hành trình của mình, nhất là khi qua những đoạn đông dân cư, nhiều người và phương tiện tham gia giao thông.
Bác sĩ Jean - Marc Olivé, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt
Ngoài trường hợp nêu trên, rất nhiều vụ TNGT xảy ra gần đây mà trong đó người gây ra TNGT hoặc là nạn nhân đều có liên quan đến rượu, bia. Có trường hợp người điều khiển phương tiện say đến nỗi mềm nhũn, không thể thổi vào máy đo nồng độ cồn để kiểm tra hoặc khi bị tai nạn vào nhập viện vẫn còn nồng nặc hơi men. Có không ít trường hợp đối tượng quá khích còn cự cãi, chống đối lực lượng thi hành công vụ… Theo thượng tá Nguyễn Tấn Hướng, TNGT nghiêm trọng và thảm khốc luôn gắn với tốc độ cao và người điều khiển phương tiện phóng nhanh, vượt ẩu, đi sai phần đường… thường có liên quan đến say rượu, bia. Chính rượu, bia là nguyên nhân trực tiếp làm giảm phản ứng của lái xe từ 10 – 30%; đồng thời làm giảm khả năng điều khiển tự chủ, phản xạ và thị lực nên dễ gây TNGT.
Bác sĩ Phạm Kỳ Quang ở khoa Cấp cứu Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết, mỗi năm bệnh viện cấp cứu hàng ngàn trường hợp bị chấn thương do TNGT. Năm 2007 có 4.116 trường hợp; năm 2008 có 2.779 trường hợp; 8 tháng của năm 2010 hơn 2.760 trường hợp. Trong đó, bệnh nhân nam chiếm gần 3/1 và chủ yếu là trong độ tuổi 15 – 59. Thương tích do TNGT nhiều nhất là phần mềm, tiếp theo là đa chấn thương, gãy xương và chấn thương sọ não. Khoảng thời gian mà bệnh nhân bị TNGT phải vào bệnh viện cấp cứu cao nhất là từ tháng 1 đến tháng 3 (cao điểm là tháng 2) và từ tháng 6 đến tháng 9 (cao điểm là tháng 9). Thời điểm bị TNGT nhiều nhất từ 17g ngày hôm trước đến 7g ngày hôm sau. Những điều này cho thấy TNGT tăng có liên quan đến việc sử dụng rượu, bia nhiều trong các ngày lễ, tết; vào các buổi chiều, tối, sau một ngày làm việc mệt mỏi.
Để giảm thiểu TNGT do rượu, bia gây ra, thiết nghĩ cần tiến hành đồng bộ giữa công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về an toàn giao thông bằng nhiều hình thức, trên nhiều phương tiện khác nhau. Đồng thời xử lý nghiêm đối với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông say rượu, bia. Luật Giao thông đường bộ năm 2008 đã quy định giảm nồng độ cồn cho phép trong máu của người điều khiển mô tô, xe gắn máy từ 80mg/100ml máu xuống 50mg/100ml máu và bằng không đối với lái ô tô; Nghị định 34/CP của Chính phủ quy định mức phạt tăng cao đối với vi phạm về nồng độ cồn của người điều khiển phương tiện so với trước đây. Có ý kiến cho rằng, phần lớn người điều khiển mô tô gây TNGT do uống rượu, bia nên quy định về nồng độ cồn trong máu đối với những người điều khiển mô tô tham gia giao thông cũng nên bằng không như đối với điều khiển ô tô để dễ dàng trong việc kiểm tra, phát hiện và hạn chế TNGT.
VĂN LANG