Kể từ ngày 2/10/2010, các hoạt động hỗ trợ pháp lý như tổ chức sinh hoạt Câu lạc bộ Trợ giúp pháp lý cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tại các xã thuộc huyện nghèo sẽ có định mức tài chính hỗ trợ là 6 triệu đồng/xã/năm.
Một buổi trợ giúp pháp lý cho bà con huyện Tuy An - Ảnh: K.CHI |
Đây là một trong những định mức hỗ trợ tài chính được quy định tại Quyết định số 52/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, với mục tiêu cơ bản là nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tại các huyện nghèo giai đoạn 2011-2020. Đây là một tín hiệu vui đối với người nghèo cũng như các cán bộ làm công tác trợ giúp pháp lý.
Thời gian qua, Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Phú Yên đã tổ chức nhiều đợt trợ giúp lưu động tới nhiều xã trên địa bàn. Trong các đợt trợ giúp pháp lý, cán bộ, cộng tác viên của trung tâm không những tư vấn, giải thích mà còn tham gia hòa giải các vụ tranh chấp kéo dài, góp phần ổn định tình hình an ninh chính trị trật tự an toàn xã hội ở địa phương. Ông Trần Ngô Trọng, trú thôn 2, xã Xuân Hải (TX Sông Cầu) cho biết: “Người dân chúng tôi nghèo, ít tiền, ít hiểu biết, nên mỗi lần có đoàn trợ giúp pháp lý về xã là mừng lắm, có thể giải đáp những thắc mắc mà chúng tôi quan tâm”. Chị Nguyễn Thị Hạnh ở thôn 5, xã An Hải (huyện Tuy An) nói: “Mỗi lần được giải đáp các vấn đề liên quan đến pháp luật, chị em hoan nghênh lắm, vì trước đó họ không biết hỏi ai. Ví dụ: Mấy ông cứ say xỉn rồi về đánh vợ, vậy có kiện được mấy ổng không, kiện ở đâu?”
Được trợ giúp pháp lý là một trong những nhu cầu không thể thiếu của bà con. Ngoài những thắc mắc, nhu cầu trợ giúp pháp lý trong lĩnh vực đất đai, khai thác ngư trường, bà con còn có nhiều câu hỏi liên quan đến lĩnh vực dân sự, hôn nhân gia đình. Người dân cũng cần được tư vấn cách làm hồ sơ để giải quyết chế độ chính sách dành cho thương binh, bệnh binh, người có công cách mạng, chính sách đối với hộ nghèo, giao đất trồng rừng ven biển cho nhân dân quản lý, bảo vệ. Qua tư vấn, nhân dân đã nắm bắt và hiểu biết hơn về pháp luật để thực hiện tốt đường lối chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Ông Nguyễn Thành Nhân, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Hải nói: “Trợ giúp pháp lý lưu động tận cơ sở là việc làm thật ý nghĩa, qua đó chúng tôi được nghe tâm tư nguyện vọng, những yêu cầu bức xúc của nhân dân. Những việc làm cụ thể, thiết thực để đưa pháp luật đến với người dân nghèo đã mang lại lợi ích thiết thực cho người dân”.
Chính vì thế, bên cạnh các hoạt động trợ giúp pháp lý thường xuyên của Trung tâm Trợ giúp pháp lý tỉnh, việc Quyết định 52 của Thủ tướng Chính phủ có hiệu lực kể từ ngày 1/10/2010 là một bước đột phá trong việc trợ giúp pháp lý, nhất là đối với bà con ở huyện nghèo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Vì từ đây họ được hỗ trợ pháp lý trực tiếp thông qua các hoạt động như: cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí bằng các hình thức tư vấn pháp luật, tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng; tham gia sinh hoạt Câu lạc bộ Trợ giúp pháp lý để giải quyết những vướng mắc pháp luật; tham gia sinh hoạt tại các tổ hòa giải để giải quyết các tranh chấp nhỏ trong cộng đồng dân cư…
KIM CHI - KIM LIÊN