Mới hơn 2 tháng sau khi Nghị định 158/CP về đăng ký và quản lý hộ tịch có hiệu lực, chưa thể có những đánh giá về công tác triển khai từ thực tiễn. Tuy nhiên, cơ sở đã bắt đầu lúng túng về một số nội dung hiện chưa có văn bản hướng dẫn.
“BIẾT RÕ” LÀ…BIẾT THẾ NÀO?
Tinh thần chung của Nghị định nói trên là giảm một cách tối đa những phiền hà về thủ tục hành chính trong đăng ký hộ tịch. Do đó, người dân chỉ cần xuất trình một số giấy tờ cần thiết mà không phải là nhiều loại như trước kia. Tuy nhiên, nhiều cán bộ cơ sở đã tỏ ra ái ngại vì những quy định… quá thoáng, không biết áp dụng ra sao. Ví dụ tại Điều 9 Nghị định: nếu cán bộ tư pháp xã phường, thị trấn hoặc cán bộ tư pháp của Phòng Tư pháp cấp huyện hoặc cán bộ hộ tịch của Sở Tư pháp không biết rõ về thân nhân hoặc nơi cư trú của đương sự, thì phải xuất trình các giấy tờ để kiểm tra.
Cán bộ hộ tịch Phường 7, TP Tuy Hòa đang giải quyết hộ tịch cho dân- Ảnh: Đức Thông
Như vậy, có thể hiểu là nếu cán bộ tư pháp biết rõ về nhân thân hoặc nơi cư trú của đương sự thì đương sự đó sẽ không phải xuất trình một số giấy tờ theo quy định? Nhưng “biết rõ” là biết đến đâu và biết như thế nào? Liệu quy định như vậy có “nguy hiểm” quá không? Và cán bộ tư pháp – hộ tịch sẽ phải chịu trách nhiệm đến đâu nếu để xảy ra sai phạm vì tin vào việc đã “biết rõ” nhân thân đương sự? “Nguyên tắc” nói trên cũng thể hiện rất rõ trong thủ tục về đăng ký khai sinh được quy định tại Điều 15 Nghị định: trường hợp cán bộ tư pháp – hộ tịch biết rõ về quan hệ hôn nhân của cha mẹ trẻ em, thì không bắt buộc phải xuất trình Giấy chứng nhận kết hôn. Biết rằng, quy định này nhằm hướng tới mục tiêu tất cả trẻ em sinh ra đều được khai sinh, tuy nhiên vấn đề còn liên quan đến tên cha, mẹ, dân tộc, quốc tịch của trẻ. Không cần xuất trình Giấy chứng nhận kết hôn, mà người đi đăng ký khai sinh lại không phải là cha mẹ trẻ thì rất có thể xảy ra những nhầm lẫn trong việc ghi các dữ liệu hộ tịch. Mặt khác, việc “biết rõ” quan hệ hôn nhân có lẽ đến nay chỉ tồn tại ở một số làng xã của nông thôn Việt Nam, còn ở thành thị, nhà nào biết nhà nấy thì quy định này xem ra… không tác dụng.
TRƯỜNG HỢP NÀO THÌ GIẢI QUYẾT NGAY HAY KÉO DÀI THỜI HẠN?
Rút ngắn khoảng cách về thời gian là một trong những bước tiến mới của Nghị định về đăng ký và quản lý hộ tịch. Nhưng có những quy định mà cán bộ hộ tịch “xoay không kịp” vì… tính cấp thiết của nó. Ví dụ quy định cán bộ phải giải quyết ngay trong việc điều chỉnh, bổ sung hộ tịch. Nhiều người cho rằng, quy định như vậy là bằng mọi cách phải giải quyết ngay yêu cầu của dân. Nhưng, ý kiến khác lại cho rằng hiểu như vậy là quá máy móc. Khái niệm này chỉ nên hiểu là “giải quyết một cách nhanh nhất trong điều kiện có thể”. Tuy nhiên, nếu người dân cứ chiếu theo quy định này mà yêu cầu cán bộ hộ tịch phải thực hiện đúng như vậy thì cũng sẽ rất phiền toái. Đặc biệt hiện nay, cấp xã, phường và quận huyện đang duy trì cơ chế “một cửa”, các loại hồ sơ phải thông qua bộ phận này mới đến người giải quyết trực tiếp. Trong một số trường hợp, nếu cán bộ lãnh đạo UB đi vắng, không ký được vào hồ sơ, giấy tờ thì cán bộ hộ tịch – tư pháp cũng đành… bó tay.
Thời hạn để giải quyết các loại việc hộ tịch theo quy định hiện nay rút xuống còn 5 ngày. Đối với những trường hợp phức tạp, cần điều tra, làm rõ thì được kéo dài thêm nhưng không quá 5 ngày nữa. Riêng với quy định này, nhiều người dân băn khoăn không biết trường hợp như thế nào được coi là “phức tạp”. Liệu xảy ra tình trạng cán bộ cứ cho là phức tạp thì nó là “phức tạp” hay không? Phải quy định rõ tiêu chí hoặc theo hướng liệt kê để tránh việc người dân làm khó.
LÀM THẾ NÀO ĐỂ KIỂM TRA, XÁC MINH?
Cụm từ “kiểm tra, xác minh” xuất hiện nhiều lần trong Nghị định 158, thể hiện trách nhiệm của cán bộ tư pháp – hộ tịch trong việc làm rõ mục đích của việc đăng ký hộ tịch, tránh gian dối, tiêu cực. Tuy nhiên, có những quy định mà theo nhiều cán bộ thì họ rất khó thực hiện. Ví dụ, trong trình tự đăng ký việc nuôi con nuôi, cán bộ tư pháp – hộ tịch phải kiểm tra, xác minh kỹ các nội dung: tính tự nguyện của việc cho và nhận con nuôi, mục đích nhận con nuôi. Đây là các khái niệm rất mơ hồ và thực tế cán bộ tư pháp – hộ tịch cũng không thể có cách gì kiểm tra ngoài lời khai duy nhất của đương sự. Như vậy làm sao biết họ có gian dối hay không? Theo quy định trình tự của các việc đăng ký hộ tịch, không có thủ tục phải niêm yết công khai. Do vậy, rất khó phát hiện nếu có gian dối hoặc tranh chấp. Bên cạnh đó, theo Nghị định 158/CP, trong một số trường hợp phải có đầy đủ năng lực hành vi dân sự (ví dụ người làm chứng) mới được thực hiện một số hành vi nhất định. Tuy nhiên, một người chỉ bị coi là mất năng lực hành vi dân sự khi bị Tòa án tuyên bố dựa trên cơ sở kết luận của tổ chức giám định. Như vậy, khi tiến hành các thủ tục đăng ký hộ tịch, làm sao cán bộ hộ tịch – tư pháp biết được người đó có bị mất năng lực hành vi dân sự hay không? Bởi lẽ không phải trong bất cứ trường hợp nào Tòa án cũng có thể tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự, nhất là đối với những người bị bệnh tâm thần, lúc tỉnh, lúc mơ… Với những vướng mắc như trên, các cán bộ tư pháp – hộ tịch cho rằng cần phải có hướng dẫn cụ thể rõ ràng nếu không sẽ khó khăn cho chính những người giải quyết công việc, cũng là gây khó khăn cho dân.
(PLVN)