Từ hôm nay 20/5, Nghị định 34/2010/NĐ-CP ngày 2/4/2010 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ có hiệu lực thi hành, thay thế cho Nghị định 146/2007/NĐ-CP ngày 14/9/2007 của Chính phủ và Nghị định 67/2008/NĐ-CP ngày 29/5/2008 của Chính phủ. Theo đó, nhiều hành vi vi phạm quy tắc giao thông đường bộ trước đây chỉ bị nhắc nhở thì nay sẽ bị xử phạt để tăng tính răn đe.
Qua đường không đúng nơi quy định sẽ bị phạt nặng |
Thời gian qua, có không ít trường hợp dẫn đến tai nạn giao thông xuất phát từ việc người điều khiển phương tiện giao thông phải né tránh người đi bộ băng qua đường không đúng nơi quy định. Tuy nhiên, do chưa có quy định nên người đi bộ dẫu sai trong trường hợp này cũng không bị xử phạt. Nay, theo Nghị định 34, hành vi này bị phạt từ 60.000 đến 80.000 đồng.
Ngoài ra, nếu người đi bộ đi vào đường cao tốc (trừ người phục vụ việc quản lý, bảo trì đường cao tốc) sẽ bị phạt từ 80.000 đến 120.000 đồng.
Chỉ số nồng độ cồn trong máu, trong hơi thở làm căn cứ xử phạt cũng được quy định cụ thể hơn so với trước đây. Chẳng hạn, có nồng độ cồn vượt quá 50 đến 80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,25 đến 0,4 mg/1 lít khí thở thì người vi phạm bị phạt đến 3 triệu đồng tùy theo người đó đang điều khiển, đang ngồi trên xe gắn máy hay xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng.
Tương tự, mức phạt đối với người vi phạm sẽ là từ lên đến 6 triệu đồng nếu nồng độ cồn vượt quá 80 mg/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 mg/1 lít khí thở.
Cũng theo nghị định này, các mức phạt tại TPHCM và Hà Nội cao hơn mức phạt chung của cả nước từ 40 đến 200%. Cụ thể, người điều khiển ô tô ở hai thành phố này vượt đèn đỏ bị phạt từ 600.000 đến 800.000 đồng (trước đây là 200.000 - 400.000 đồng); người tham gia giao thông bằng xe máy đội nón bảo hiểm nhưng không cài quai đúng quy định cũng bị phạt từ 100.000 đến 200.000 đồng.
Với xe khách chở vượt số người quy định sẽ phạt từ 200.000 đến 300.000 đồng trên mỗi hành khách chở dư. Riêng hành vi sang nhượng khách dọc đường nhưng không được hành khách đồng ý sẽ bị phạt tới 2 triệu đồng, gấp bốn lần so với mức phạt trước đây. Người đi bộ vi phạm (không đi đúng phần đường quy định...) cũng bị tăng mức tiền xử phạt 1,5 lần, từ 40.000 lên đến 60.000 đồng.
Với người chiếm dụng đường bộ để họp chợ, mua bán hàng sẽ bị phạt 500.000 đồng, tăng gần 10 lần so với mức phạt 50.000 đồng trước đây. Khi dừng xe, mở cửa ô tô không bảo đảm an toàn và gây ra tai nạn trong nội thành, mức phạt sẽ từ 1,4 triệu đến 2 triệu đồng. Dừng xe trên miệng cống thoát nước, miệng hầm của đường điện thoại, điện cao thế ở nội thành sẽ bị phạt 800.000 đồng, tước giấy phép lái xe 30 ngày...
Với tài xế taxi, không sử dụng đồng hồ tính cước cho khách bị phạt 150.000 đồng, không có hộp đèn taxi, không có đồng hồ tính cước hoặc đồng hồ sai quy định, xe taxi không có màu sơn, biểu trưng, số điện thoại… bị phạt 2.500.000 đồng. Phạt từ 300.000 - 500.000 đồng đối với taxi dừng, đón và trả khách không đúng nơi quy định.
Theo SGGPO