Thứ Ba, 01/10/2024 14:18 CH
Ra văn bản trái luật: Sẽ xử lý người ban hành
Chủ Nhật, 16/05/2010 07:00 SA

Sẽ chấm dứt chuyện “lảng lảng, im im” khi cơ quan chức năng phát hiện văn bản trái pháp luật.

 

Lâu nay, khi phát hiện các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản pháp luật sai ít khi xử lý người đứng đầu cơ quan ban hành vì Nghị định 135/2003/NĐ-CP về kiểm tra và xử lý văn bản quy phạm pháp luật quy định còn chung chung. Trong khi việc kiểm tra và xử lý văn bản quy phạm pháp luật rất quan trọng, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật, minh bạch, bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp của công dân…

 

Chính vì thế, Chính phủ đã khắc phục các khiếm khuyết trên bằng Nghị định số 40/2010/NĐ-CP, có hiệu lực từ ngày 1/6/2010...

 

VĂN BẢN TRÁI LUẬT: PHẢI CÔNG KHAI

 

Cán bộ kiểm tra văn bản: Không phụ cấp ưu đãi

 

Khi soạn thảo, Bộ Tư pháp kiến nghị về chế độ phụ cấp ưu đãi (cộng 25% so với mức lương hiện hưởng) đối với công chức làm công tác kiểm tra văn bản do đây là lĩnh vực công tác có nhiều đặc thù, với yêu cầu cao về chuyên môn, nghiệp vụ; khối lượng và áp lực công việc nặng nề… Tuy nhiên, quan điểm này không được Chính phủ chấp nhận.

Theo Nghị định 40, kết quả xử lý văn bản trái pháp luật phải được công bố công khai: Đưa tin trên các phương tiện thông tin đại chúng, đăng Công báo, trên trang thông tin điện tử của cơ quan ban hành (đối với văn bản do bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và cấp tỉnh ban hành), hoặc niêm yết tại trụ sở cơ quan ban hành hoặc các địa điểm khác do chủ tịch UBND cấp huyện, chủ tịch UBND cấp xã quyết định (đối với văn bản do cấp huyện và cấp xã ban hành). Thời gian công khai các việc trên trong vòng ba ngày làm việc kể từ ngày có quyết định xử lý.

 

Trước đây, Nghị định 135 chỉ quy định chung chung: “Việc bãi bỏ, hủy bỏ hoặc đình chỉ việc thi hành văn bản trái pháp luật phải được đăng Công báo hoặc công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng ở trung ương”...

 

Như vậy, so sánh với Nghị định 135, quy định này đã được sửa đổi, bổ sung theo hướng minh bạch hóa (việc xử lý văn bản trái pháp luật phải được công bố công khai), đồng thời quy định rõ thời hạn phải công bố, đưa tin…

 

XỬ LÝ NGƯỜI BAN HÀNH

 

Một quy định đáng chú ý khác tại Nghị định 40 là việc xem xét, xử lý trách nhiệm đối với người, cơ quan ban hành văn bản trái pháp luật. Theo Điều 34 của nghị định, cơ quan ban hành văn bản có nội dung trái pháp luật phải tổ chức kiểm điểm, xác định trách nhiệm, báo cáo cơ quan cấp trên. Nghị định còn đề cập việc xem xét trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan ban hành văn bản sai. Khi có thông báo, kiến nghị mà không thực hiện việc tự kiểm tra, xử lý văn bản trái pháp luật, hoặc không thực hiện thông báo kết quả xử lý theo quy định thì sẽ bị xử lý theo quy định pháp luật về cán bộ, công chức.

 

Theo tiến sĩ Lê Hồng Sơn, lâu nay vẫn còn việc “lảng lảng, im im… nhưng không phải phổ biến khi Bộ Tư pháp tuýt còi một văn bản nào đó sai luật. Tuy nhiên, trong Nghị định 40, tình trạng trên vẫn chưa được xử lý rốt ráo. Cách khác là vẫn chưa có một cơ chế độc lập cho cơ quan, người làm công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật vì chưa có cơ chế ủy quyền mạnh tương đối độc lập trong vấn đề kiểm tra, xử lý văn bản (gần như cơ chế tài phán)… vì Bộ Tư pháp có vai trò rất quan trọng trong việc phát hiện, kiểm tra văn bản pháp luật sai trái…” - ông Sơn nói.

  

ĐỨC MINH (Theo PLTPHCM)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek