Tại Sở chỉ huy Bộ đội biên phòng Phú Yên có một phòng làm việc lúc nào cũng mở cửa. Đó là phòng của bộ phận trực ban tác chiến Phòng Tham mưu. Những chiếc điện thoại trong phòng liên tục reo. Có khi trực ban phải nghe điện thoại ở cả hai tai.
Bộ đội biên phòng đang làm nhiệm vụ trực ban tác chiến. - Ảnh: X.HIẾU
THAM MƯU XỬ LÝ TÌNH HUỐNG NHANH VÀ CHÍNH XÁC
Bất cứ giờ nào, trong điều kiện nào, khi chuông điện thoại reo là trực ban tác chiến nhấc ống nghe. Tương tự, những bức điện khẩn từ trên chuyển về hay từ các đơn vị trực thuộc Bộ Chỉ huy gửi lên, ngay lập tức được trực ban tác chiến tiếp nhận, giải mã, tổng hợp, báo cáo chỉ huy kèm theo đề xuất phương án xử lý.
Thượng tá Nguyễn Văn Minh, Phó Trưởng phòng Tham mưu Bộ đội biên phòng Phú Yên cho biết: Tác chiến là cơ quan trung tâm hiệp đồng tác chiến của người chỉ huy, với nhiệm vụ chính là tổ chức các biện pháp bảo đảm bộ đội luôn sẵn sàng chiến đấu; thu thập, xử lý tin tức tác chiến, tổng hợp báo cáo tình hình, đề đạt với người chỉ huy, tham mưu trưởng phương án tác chiến và biện pháp thực hiện, xử lý tình huống nhanh, chính xác… Nhiệm vụ cụ thể của tác chiến Bộ đội biên phòng Phú Yên là theo dõi, tổng hợp tình hình, tham mưu đề xuất người chỉ huy giải quyết các vấn đề xảy ra trong khu vực biên giới biển của tỉnh. Bình thường mỗi ca trực tác chiến (24/24 giờ) có hai sĩ quan thay phiên nhau đảm trách nhiệm vụ này, tiếp nhận thông tin theo chế độ quy định từ trên xuống, từ dưới lên rồi tổng hợp, xử lý, báo cáo người chỉ huy. Nhưng những khi có áp thấp nhiệt đới, bão lũ xảy ra hoặc những trường hợp khẩn cấp khác, thông tin, báo cáo từ các nơi gửi đến, báo về dồn dập, trực ban tác chiến phải cập nhật, tổng hợp thường xuyên và báo cáo đặc biệt, ca trực phải tăng cường thêm người; mỗi ngày thực hiện chế độ báo cáo bốn, năm lượt. Như đợt bão lũ cuối năm 2009, bất cứ thời điểm nào bộ phần này cũng có mặt hai, ba người để xử lý tình huống. Có hôm cả đêm ba, bốn anh em không chợp mắt một chút nào. Nhiều lúc anh em quên cả ăn, ngủ.
Nhắc lại lần ứng phó với cơn bão lũ lịch sử hồi đầu tháng 11/2009, thiếu tá Huỳnh Văn Đính, trợ lý tác chiến Phòng Tham mưu, bộc bạch: Xác định Phú Yên là địa phương có thể bão số 11 trực tiếp đổ bộ vào, cơ quan tham mưu đã tham mưu Bộ Chỉ huy họp khẩn cấp triển khai các phương án phòng chống bão số 11. Trước mắt là tổ chức các đội tuần tra không cho tàu thuyền ra biển. Đồng thời qua hệ thống thông tin liên lạc của Bộ đội Biên phòng Phú Yên, thông báo cho 262 phương tiện với 1.736 lao động, trong đó có 80 phương tiện với 745 lao động đánh bắt xa bờ biết hướng bão để di chuyển ra khỏi vùng nguy hiểm hoặc vào nơi tránh trú an toàn. Tại các địa bàn ven biển, Bộ Chỉ huy chỉ đạo các đơn vị biên phòng chủ động phối hợp với lực lượng dân quân và chính quyền địa phương tổ chức vận động nhân dân chằng chống nhà cửa, neo đậu tàu thuyền, di dời dân, lồng bè nuôi trồng thủy sản vào vị trí an toàn, hoàn tất trước 20g tối 1/11, trước khi bão đổ bộ vào. Nhờ đó đã hạn chế tối đa thiệt hại do bão số 11 gây ra.
YÊU CẦU NGHIÊM NGẶT
Sĩ quan tác chiến có những yêu cầu nghiêm ngặt về phẩm chất đạo đức, năng lực chuyên môn. Trong đó, đòi hỏi trước tiên là phải có kiến thức sâu rộng, có thể làm công tác tham mưu giúp người chỉ huy và phải hết sức linh hoạt, nhạy bén trong xử lý tình huống. Ví dụ, khi nhận thông tin có tàu thuyền bị đâm va trên biển, trực ban tác chiến phải xử lý nhanh vấn đề, kịp thời tham mưu cho người chỉ huy hướng xử lý kịp thời, hiệu quả. Ngoài ra, người sĩ quan tác chiến phải có khả năng nghiên cứu, tổng hợp, tất cả mọi thông tin từ trên xuống, từ dưới lên và đúc kết tại chỗ để báo cáo người chỉ huy; nắm vững chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước để tham mưu đúng.
Cùng với thiếu tá Huỳnh Văn Đính, thiếu tá Lê Đăng Hà có gần 10 năm làm nhiệm vụ trực ban tác chiến; thượng úy Đỗ Trọng Đại, trung úy Đỗ Hồng Thái đã trên dưới 5 năm làm nhiệm vụ này. Theo các anh, nếu không có khả năng chịu đựng về sức ép công việc và sức khỏe không tốt thì khó hoàn thành nhiệm vụ được giao.
XUÂN HIẾU