Theo Pháp lệnh thủ tục bắt giữ tàu bay, vừa được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua chiều 16/3, tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, nơi có cảng hàng không, sân bay mà tàu bay bị yêu cầu bắt giữ hạ cánh có thẩm quyền quyết định bắt giữ tàu bay đó.
Ảnh chỉ có tính minh họa - Nguồn: Internet
Tòa án gửi quyết định bắt giữ tàu bay hoặc quyết định thả tàu bay cho giám đốc cảng vụ hàng không hoặc trưởng đại diện cảng vụ hàng không nơi tàu bay bị yêu cầu bắt giữ để thực hiện, đồng thời gửi quyết định cho chủ sở hữu, người khai thác tàu bay...để họ thực hiện quyền khiếu nại.
Tại phiên họp thông qua Pháp lệnh thủ tục bắt giữ tàu bay, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng pháp lệnh này liên quan đến một hoạt động mới và phức tạp, có đối tượng điều chỉnh là một loại tài sản đặc biệt, giá trị lớn, có yếu tố nước ngoài. Ban soạn thảo cần hoàn chỉnh dự thảo pháp lệnh trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm của nước ngoài, đồng thời cũng cần tính đến sự phù hợp với các công ước quốc tế có hiệu lực về vấn đề này.
Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Pháp lệnh thủ tục bắt giữ tàu bay của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đề cập đến 8 nhóm vấn đề chính. Phạm vi điều chỉnh của pháp lệnh; thẩm quyền quyết định bắt giữ tàu bay; khái niệm kê biên đối với tàu bay; biện pháp đảm bảo tài chính cho yêu cầu bắt giữ tàu bay; việc thi hành quyết định bắt giữ tàu bay, thả tàu bay đang bị bắt giữ.
Pháp lệnh quy định thời hạn bắt giữ tàu bay theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích đối với tàu bay; việc đảm bảo chức năng của Viện Kiểm sát Nhân dân kiểm sát việc tuân theo pháp luật đối với việc bắt giữ tàu bay và quy định về quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan ngoại giao, cơ quan giám định, định giá tàu bay.
Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cũng thống nhất với quy định của pháp lệnh về trách nhiệm của Viện Kiểm sát Nhân dân trong việc kiểm sát hoạt động tố tụng của tòa án liên quan đến việc bắt giữ tàu bay, vì hoạt động tư pháp được tính từ lúc tòa án thụ lý đơn yêu cầu bắt giữ tàu bay.
Theo Vietnam+