Nhà không chỉ là nơi ở mà còn là tài sản, thậm chí là tài sản lớn nhất đối với nhiều người. Nhà ở là quyền cơ bản của công dân. Nhà là mái ấm chở che, là khát vọng tạo dựng nơi ở của mỗi người. Ông bà ta thường nói “an cư lạc nghiệp” – an cư chính là có nơi ở ổn định, bình an. Nơi ở không chỉ là đất ở mà đó còn là ngôi nhà, dẫu bình dị “mái tranh vách đất” cũng là “một chốn đi về” chở che mưa nắng, mỗi thành viên trong gia đình đùm bọc yêu thương nhau. Bởi vậy, nhà ở là một mục tiêu lớn của con người.
Từ
Giá cả thị trường nhà đất hiện nay vượt xa khả năng của người lao động - Ảnh: HOÀI TRUNG
Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến đời sống nhân dân nói chung và công nhân viên chức, lao động nói riêng. Thời bao cấp, các cơ quan ngoài trụ sở làm việc còn phải chăm lo nhà ở cho CB, CNVC. Dẫu có chật hẹp, mỗi hộ gia đình cũng được một gian trong nhà tập thể. Năm 1991, Nhà nước ban hành Pháp lệnh về nhà ở. Đây có thể coi là văn bản pháp luật đầu tiên quy định riêng về lĩnh vực nhà ở. Cũng từ đây, Nhà nước bỏ chế độ bao cấp nhà ở. CBCNV ở nhà tập thể phải đóng tiền thuê nhà. Các cơ quan không còn được cấp kinh phí làm nhà ở cho CBCNV (trừ những cơ quan đặc thù).
Tuy nhiên, về đất ở, nhà nước vẫn dành quỹ đất cấp cho CBCNV để làm nhà ở. Khi Luật đất đai ra đời, đất trở thành hàng hóa đặc thù, Nhà nước không cấp đất mà chỉ bán đất cho người có nhu cầu. Khi giá đất lên cơn sốt, CNVC - lao động có thu nhập thấp hoặc gặp gia cảnh khó khăn… không có khả năng mua đất để làm nhà ở. Vấn đề nhà ở trở nên bức xúc đối với nhiều người.
Trước khi Luật Nhà ở có hiệu lực, UBND tỉnh Phú Yên đã có chủ trương bán đất “giảm giá 20%” cho cán bộ, CNVC-lao động “thực sự có nhu cầu nhà ở”. Tuy nói giảm giá 20%, nhưng căn cứ tính giá được lấy mức từ đường Hùng Vương ở thời điểm đất đang “đóng băng” (bán đấu giá hơn 40 lô ở đường Hùng Vương nhưng chỉ có 3 người đặt giá mua và chỉ nhỉnh hơn giá sàn một chút). Bởi vậy nhiều người cho rằng, giá 1 triệu đồng/m2 mà Sở Tài chính “kêu bán” trong “Bán đất ở giảm giá 20% cho CNVC” hiện nay là quá cao, vượt khỏi khả năng của người có thu nhập thấp. Thực tế đến nay, chỉ mới có một số ít người trả được 50% số tiền phải trả, một số bắt thăm rồi nhưng không có khả năng tài chính, phải làm đơn xin “bảo lưu”. Nếu vay ngân hàng với lãi suất 1,2% trong thời hạn 5 năm, lương chỉ chưa đầy một triệu đồng/người/tháng, cũng ít người dám vay.
Để Luật Nhà ở đi vào cuộc sống, thực sự có ý nghĩa đối với cuộc đời của CNVC lao động thu nhập thấp, thiết nghĩ UBND tỉnh cần xem xét lại giá đất bán cho người lao động nghèo hiện nay. Người lao động đang bức xúc về nhà ở, nhưng nếu mua được đất với giá 100 triệu đồng/lô, biết khi nào họ trả hết nợ để tích lũy tiền để làm nhà. Mua đất rồi để đó 10 – 15 năm nữa mới làm được nhà, thì cái sự quan tâm đời sống CB CNVC nghèo liệu có thiết thực?
Để Luật Nhà ở sớm đi vào cuộc sống, để mỗi người dân đều có mái ấm tốt hơn, đẹp hơn, tin rằng chính quyền tỉnh sẽ có những sự quan tâm thiết thực hơn, góp phần thể hiện nhà nước của dân, do dân, vì dân.
HỮU THỌ