Nước ta đang bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa cũng là lúc nảy sinh những vấn đề bất cập trong lĩnh vực môi trường. Ở Phú Yên, tình hình ô nhiễm môi trường chưa thật sự bức xúc như những thành phố lớn, các khu công nghiệp song cũng đang đặt ra không ít vấn đề đáng quan tâm.
Tại các kỳ họp HĐND tỉnh Phú Yên gần đây, một số ngành của tỉnh đã phải trả lời chất vấn của cử tri về tình trạng gây ô nhiễm môi trường của những cơ sở sản xuất tinh bột sắn Hòa Mỹ Tây (Tây Hòa), Xuân Thọ 2 (Sông Cầu), sản xuất gạch ngói ở Hòa Phú (Tây Hòa), Hòa Hiệp Trung (Đông Hòa).... Điểm qua một số cơ sở sản xuất, cho thấy việc xử lý chất thải cũng còn nhiều bất cập. Nhà máy tinh bột sắn Sông Hinh đi vào hoạt động từ nhiều năm nay song hệ thống xử thải vẫn chưa hoàn thiện; nhà máy tinh bột sắn Đồng Xuân đang trong quá trình xây dựng, hệ thống xử thải chưa đồng bộ đã vội đưa vào sản xuất.
Đến nay, hệ thống xử thải của Nhà máy tinh bột sắn Sông Hinh vẫn chưa hoàn thiện - Ảnh: K.DUY
Không chỉ có các cơ sở sản xuất kinh doanh chưa thực hiện đầy đủ các quy định về xử lý chất thải, bảo vệ môi trường mà cả cơ quan Nhà nước cũng còn xem nhẹ lĩnh vực này. Khu công nghiệp An Phú nằm giữa lòng TP Tuy Hòa thu hút được nhiều dự án đầu tư đã đi vào hoạt động, trong đó có những nhà máy chế biến thủy sản nhưng đến nay vẫn chưa xây dựng hệ thống xử lý chất thải chung cho khu công nghiệp.
Tại sao các doanh nghiệp chưa quan tâm đầu tư đúng mức hệ thống xử lý chất thải? Điều dễ hiểu là đầu tư vào đây tốn kém nhưng không hề thu lợi nhuận gì mà còn làm cho giá thành sản phẩm cao. Đây là mâu thuẫn nội tại giữa sản xuất kinh doanh và phát triển bền vững mà yêu cầu có sự quản lý, can thiệp kịp thời và nghiêm túc của Nhà nước.
Theo quy định của pháp luật, khi lập dự án đầu tư phải đánh giá tác động môi trường và trước khi đi vào hoạt động phải được cấp phiếu đăng ký đạt tiêu chuẩn môi trường của cấp thẩm quyền. Trong quá trình hoạt động, cơ quan chức năng còn thường xuyên kiểm tra, thanh tra xử lý những trường hợp vi phạm, buộc các cơ sở sản xuất này phải thực hiện đầy đủ cam kết theo phiếu đăng ký tiêu chuẩn môi trường. Theo Nghị định 121/2004/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường thì mức xử phạt cao nhất đến 70 triệu đồng kèm theo hình phạt bổ sung khắc phục hậu quả gây ra. Tuy nhiên trong thời gian qua việc kiểm tra, thanh tra và xử lý các vi phạm về môi trường trên địa bàn Phú Yên chưa nghiêm, mới dừng lại ở mức độ nhắc nhở hoăïc cảnh cáo.
Nghị quyết 41/NQ-BCT của Bộ Chính trị về bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước nhấn mạnh: “Bảo vệ môi trường là một trong những vấn đề sống còn của nhân loại; là nhân tố bảo đảm sức khỏe và chất lượng cuộc sống của nhân dân; góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế, xã hội; ổn định chính trị, an ninh quốc gia và thúc đẩy hội nhập kinh tế quốc tế của nước ta”. Ngày 1- 7- 2006, Luật bảo vệ môi trường (sửa đổi) chính thức có hiệu lực. Đây là những văn bản có giá trị pháp lý cao nhất của Đảng và Nhà nước bắt buộc các tổ chức và cá nhân phải nghiêm chỉnh chấp hành. Đây cũng là cơ sở để việc xử lý vi phạm trong lĩnh vực này cần “mạnh tay” hơn nữa để đủ sức răn đe, bắt buộc các cơ sở sản xuất kinh doanh thực hiện đầy đủ các quy định về xử lý chất thải, bảo vệ môi trường vì sự phát triển bền vững.
MAI ANH