Thứ Hai, 30/09/2024 12:32 CH
Khi bà con dân tộc thiểu số được trợ giúp pháp lý
Thứ Năm, 13/08/2009 11:00 SA

Được Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Phú Yên đến tận nơi tư vấn, trợ giúp pháp lý, nhiều người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã hiểu ra được nhiều điều.

 

tu-van-PL.090813.jpg

Đoàn trợ giúp pháp lý tỉnh Phú Yên trợ giúp pháp lý lưu động miễn phí tại xã Xuân Quang 1 (huyện Đồng Xuân). - Ảnh: N.T

 

 “RỘ” CHUYỆN ĐẤT ĐAI, SỔ ĐỎ,…HÔN NHÂN GIA ĐÌNH

 

Hai điểm được Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh chọn để tư vấn, trợ giúp pháp lý cho người dân đợt này là Phú Mỡ và Xuân Quang 1 (huyện Đồng Xuân). Ngoài cán bộ chuyên trách và cộng tác viên làm công tác trợ giúp pháp lý của Sở Tư pháp và Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh, tham gia đoàn còn có cán bộ của Ban Dân tộc miền núi, Ban Chính sách Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh…

 

Sau phát biểu khai mạc của trưởng đoàn Huỳnh Xuân, Giám đốc Sở Tư Pháp, kiêm Giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Phú Yên, ông Ma Thiên (thôn Phú Đồng) là người đầu tiên đặt vấn đề yêu cầu trợ giúp pháp lý tại điểm Phú Mỡù. Ông yêu cầu đoàn giải thích, tại sao 113 hộ dân ở làng Đồng không được cấp sổ đỏ nông nghiệp như những làng khác? Ngay lập tức La O Nét và nhiều người dân ở Phú  Đồng có mặt tại buổi trợ giúp pháp lý đồng thanh: “Đúng đấy! Tại sao?”. Cũng liên quan đến vấn đề đất đai, anh La Lan Cứng (làng Bè, Phú Giang) đặt câu hỏi: “Đất  rừng của ông bà để lại, sau đó lâm trường quản lý. Nay bàø con muốn phát rẫy để làm ăn có vi phạm pháp luật không?. Ma Thoại (làng Bè, thôn Phú Giang), tiếp: “Gia đình tôi được cấp sổ đỏ sử dụng đất rừng thời hạn 50 năm từ nhiều năm nay, nhưng hiện không ai biết khoảng đất đó ở vị trí nào? Hỏi cán bộ xã, họ nói cũng không biết?”…

 

Cũng như ở Phú Mỡ, trong buổi trợ giúp pháp lý diễn ra vào ngày hôm sau tại trụ sở xã Xuân Quang 1 hàng loạt câu hỏi liên quan đến đất đai cũng được người dân liên tiếp đặt ra. La O Tám (thôn Phú Tâm) mở đầu: Trước đây nhà nước đã cấp cho mỗi hộ 1.000m2 đất xấu để làm ăn sinh sống. Đến 2006, thấy đất tốt, một số chủ đất cũ trước đây giành lại. Nhờ đoàn hướng dẫn cho cách giải quyết? Ma Điểm (thôn Suối Cối 2), hỏi: Cùng nhận sổ đỏ, cùng làm ăn như nhau, nhưng sao có người bị thu hồi người khác thì không?...

 

Bên cạnh những thắc mắc, yêu cầu trợ giúp pháp lý về đất đai, cũng có không ít câu hỏi liên quan đến các lĩnh vực dân sự, hôn nhân gia đình… Ma Hiếu (thôn Phú Đồng, xã Phú Mỡ) nói: Lớp trẻ bây giờ ưng nhau thì lấy, không ưng thì bỏ nhau. Yêu cầu tỉnh, huyện cấp cho “quyển” Luật Hôn nhân gia đình để thôn, buôn có cơ sở thực hiện.  Ma Hiếu cũng đặt vấn đề về thực hiện chế độ chính sách: Làng Đồng còn nhiều người già, người tàn tật, nạn nhân chất độc da cam, người tâm thần… chưa được hưởng chế độ, chính sách ưu đãi của Nhà nước. Anh So Minh Bợn (Phước Giang, xã Phú Mỡ) hỏi: Trước đây hai đứa lấy nhau không có giấy đăng ký kết hôn. Nay bỏ nhau thì giải quyết vấn đề về con cái, tài sản như thế nào? Chị Trang (Suối Cối 1, xã Xuân Quang 1) thì: Hai vợ chồng phát sinh mâu thuẫn phải ra tòa ly hôn. Trước đó, người chồng có vay ngân hàng 20 triệu đồng nhưng vợ không biết. Tòa bắt vợ phải có trách nhiệm cùng trả khoản tiền chồng đã vay. Điều này đúng hay sai?...

 

Cứ hết câu hỏi này lại đến câu hỏi khác được đặt ra, trong đó không ít những câu hỏi rất đỗi đời thường, như nuôi chó thả rông, phát dọn hàng rào... đều được các thành viên trong đoàn giải đáp thấu tình đạt lý. Riêng những kiến nghị của người dân thuộc phạm vi giải quyết của các cấp chính quyền, cơ quan chức năng đoàn ghi nhận, tổng hợp và sẽ có văn bản kiến nghị cấp có thẩm quyền giải quyết. Tiếc là trong đoàn trợ giúp pháp lý của tỉnh lần này không có cán bộ chuyên trách của Sở Tài nguyên môi trường để trực tiếp giải đáp thắc mắc, tư vấn cho người dân về lĩnh vực do cơ quan này quản lý.

 

NÂNG CAO HIỂU BIẾT PHÁP LUẬT

 

Đã hơn nửa đời người gắn bó với ruộng rẫy, gần 35 năm sống dưới chế độ xã hội chủ nghĩa nhưng chỉ sau khi được tư vấn, trợ giúp về pháp lý nhiều người  dân tộc thiểu số như Ma Hiếu mới hiểu ra rằng: đất đai do Nhà nước thống nhất quản lý. Nhà nước giao quyền cho cá nhân hoặc tổ chức sử dụng theo đúng mục đích được giao. Khi cần sử dụng vào mục đích công cộng, Nhà nước có thể thu hồi lại đất. So Minh Phim, cán bộ tư pháp xã Phú Mỡ bộc bạch: Qua trợ giúp pháp lý sẽ biết được những phần việc mà một cán bộ tư pháp xã như tôi phải làm, như: quản lý hộ tịch, chứng thực, phổ biến pháp luật, soạn thảo văn bản… Chị Liệu (thôn Kỳ Lộ, Xuân Quang 1) cho biết, nhờ có buổi trợ giúp này mà chị mới biết hôn nhân của vợ chồng chị hiện nay là bất hợp pháp. Bởi ngày cưới của vợ chồng chị tuy có sự chứng kiến của họ hàng đôi bên, có đại diện cấp ủy, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể đến dự, nhưng do chưa có giấy đăng ký kết hôn nên không được pháp luật công nhận là vợ chồng. La Lan Thị Hảo, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Phú Mỡ, cho rằng: Có được những buổi tư vấn pháp luật như thế này khoảng cách tiếp cận, trình độ nhận thức, hiểu biết luật pháp của đồng bào vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số sẽ được rút ngắn và nâng lên. Theo chị Hảo, bà con có hiểu biết về pháp luật mới giữ gìn được phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc mình, mới tránh được vi phạm pháp luật. Chủ tịch UBND xã Xuân Quang 1 Châu Văn Thiện, khẳng định: Trợ giúp pháp lý cũng là dịp để cán bộ, chính quyền địa phương hiểu hơn những yêu cầu, bức xúc của dân. Đây còn là cầu nối giữa Đảng-Nhà nước với dân ngày càng gần hơn.

 

XUÂN HIẾU

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek